Công dân thông minh, tại sao không?
Trong tổng số hơn 2.100 thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước ở TP.HCM, có hàng trăm thủ tục đã được giải quyết trực tuyến. Tuy nhiên, nhiều người vẫn thích “ôm” hồ sơ chạy lòng vòng.
Có dịch vụ trực tuyến, vẫn chen chân nộp hồ sơ
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, mỗi ngày có hàng trăm lượt người đến Sở KH-ĐT TP.HCM làm thủ tục liên quan đến đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp... Bãi giữ xe máy dài gần 100 m phía trước Sở trên vỉa hè đường Lê Thánh Tôn, P.Bến Nghé (Q.1) thường xuyên lâm cảnh “hết chỗ”. Sáng 20.10, tại văn phòng một cửa tiếp nhận hồ sơ của sở này chật kín người, ai nấy đều trông khá mệt mỏi. Mặc dù gần 20 quầy tiếp nhận hồ sơ, cán bộ thụ lý làm không ngơi tay vẫn không xuể, nhiều khách chờ đợi cứ “ngáp ngắn, ngáp dài”.
Ngồi đợi đến lượt mình nộp hồ sơ, anh Giang cho biết từ Q.Tân Phú đi xe máy lên Q.1 mất gần tiếng đồng hồ do buổi sáng xe cộ đông đúc, đợi hơn 30 phút nữa vẫn chưa đến lượt để nộp 2 hồ sơ cập nhật thông tin đăng ký doanh nghiệp và thay đổi mẫu con dấu. Khi được hỏi 2 thủ tục này đã được Sở giải quyết trực tuyến, vì sao phải vất vả ôm hồ sơ giấy đi nộp, anh Giang nói: “Do nộp trực tuyến chưa quen. Mình đi thế này, có gì cần chỉnh sửa thì nhờ cán bộ thụ lý hướng dẫn cụ thể luôn”.
Anh Vũ Minh, nhân viên một công ty luật ở Q.Bình Thạnh, cũng thấp thỏm chờ với tập hồ sơ đăng ký thành lập mới doanh nghiệp vì “gần cả tiếng rồi vẫn chưa đến lượt”. “Khai báo thông tin theo mẫu, nộp trực tuyến khỏe hơn, vừa tiết kiệm thời gian vất vả đi lại, vừa tiết kiệm được 200.000 đồng phí nhập dữ liệu, nhưng do mỗi lần kê khai trực tuyến phải chờ 2 - 3 ngày mới được cán bộ thụ lý hồ sơ hồi âm nên đành làm theo kiểu cũ, cứ lúc nào làm là ôm hồ sơ giấy đi nộp luôn”, anh Vũ Minh giải thích.
Khi PV quay trở lại bãi xe của Sở KH-ĐT, một phụ nữ đến mời chào làm dịch vụ các thủ tục liên quan đến giấy phép, hoạt động doanh nghiệp. Theo đó, chi phí dịch vụ “trọn gói” cho giấy phép thành lập mới 2 triệu đồng, thay đổi thông tin 1,5 triệu đồng, thông báo mẫu con dấu 400.000 đồng…, và “anh chỉ cần ký vào hồ sơ thôi”. Khi PV nói các dịch vụ này đã được giải quyết trực tuyến, cần gì qua dịch vụ với giá cao như thế, người phụ nữ cho rằng “nhiều người đâu có biết cách làm hồ sơ trực tuyến”.
“Gồng gánh” hồ sơ giấy
Theo khảo sát của PV, Sở KH-ĐT có tới 36 thủ tục được giải quyết trực tuyến, là một trong số các cơ quan, đơn vị của TP.HCM tiếp nhận lượng hồ sơ “khủng” nhất. Từ đầu năm 2017 đến nay, chỉ riêng các thủ tục: thành lập công ty; thay đổi tên doanh nghiệp, tên chi nhánh, văn phòng, địa điểm kinh doanh, dù đã được giải quyết trực tuyến nhưng vẫn có tới hơn 54.000 hồ sơ giấy được mang đến nộp trực tiếp tại sở. Nhiều thủ tục khác, sở này cũng giải quyết trực tuyến nhưng số hồ sơ nộp trực tuyến và đến nộp trực tiếp “vênh” rất lớn, điển hình thủ tục cấp phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh: 0 (hồ sơ trực tuyến) - 1.068 (hồ sơ giấy); thủ tục cấp lại giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại VN: 32 - 11.462.
Với các sở ngành khác, hàng chục dịch vụ công trực tuyến cũng lâm cảnh "vắng như chùa bà Đanh", do không có ai nộp trực tuyến hoặc số lượng nộp rất ít so với nộp hồ sơ giấy (xem biểu đồ).
Nỗi khổ “oằn mình hồ sơ giấy” cũng phổ biến ở các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM. Một thủ tục được hầu hết các quận, huyện đều giải quyết trực tuyến, là cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh cá thể, nhưng hồ sơ nộp trực tuyến rất ít. Tại UBND Q.7, thủ tục cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh cá thể chỉ có 13 hồ sơ trực tuyến so với 7.053 hồ sơ giấy; tại UBND Q.Bình Tân, tỷ lệ này là 296 - 8.499; UBND Q.Thủ Đức: 0 - 4.124; UBND Q.12: 0 - 4.896; UBND H.Bình Chánh: 55 - 4.509; UBND H.Củ Chi: 6 - 1.292; UBND H.Nhà Bè: 10 - 1.664 hồ sơ…
Tại UBND Q.Bình Thạnh, nhóm thủ tục cấp mới, đổi số nhà, cấp phép đào đường, cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ, cung cấp thông tin quy hoạch, cấp giấy phép sử dụng tạm thời vỉa hè, gia hạn giấy phép xây dựng, điều chỉnh thiết kế giấy phép xây dựng... đều được giải quyết trực tuyến nhưng chỉ nhận được 208 hồ sơ so với 3.444 hồ sơ giấy. Thủ tục cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ, xác nhận tình trạng nhà ở cũng lâm cảnh “máy tính treo không” ở nhiều quận, huyện; như UBND H.Nhà Bè: 0 - 2.597; UBND Q.11: 1 - 1.746; UBND Q.12: 6 - 9.222; UBND Q.8: 159 - 1.892; UBND Q.Bình Tân: 1.039 - 24.255; UBND Q.Thủ Đức: 38 - 9.940 hồ sơ…
Trả lời Thanh Niên, ông Dương Hồng Thắng, Phó chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh, cho biết quận bố trí cán bộ trực thường xuyên để tiếp nhận hồ sơ trực tuyến nhưng có ngày không có hồ sơ nào. “Quy trình giải quyết trực tuyến đã được triển khai, nhưng với lĩnh vực nhà đất, cũng vì vấn đề quy hoạch chưa thật sự hoàn chỉnh, thành phần hồ sơ phức tạp nên để hoàn chỉnh hồ sơ nộp trực tuyến cũng không phải dễ. Quận đang tìm giải pháp khắc phục những hạn chế này để người dân thuận lợi hơn, quen dần với cách làm hồ sơ trực tuyến”, ông Thắng nói.
Cách nộp hồ sơ trực tuyến
Website dichvucong.hochiminhcity.gov.vn tích hợp danh mục tất cả dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước thuộc TP.HCM. Việc tra cứu kết quả giải quyết hồ sơ cũng được tích hợp trên website này. Danh mục mỗi thủ tục đều có hướng dẫn cụ thể. Nếu cần hỗ trợ kỹ thuật, người dân có thể gọi tổng đài: 028.38233717 - số nội bộ: 111.
Từ ngày 24.10, người dân ở TP.HCM có thể nộp hồ sơ BHXH, BHYT tại địa chỉ https://dichvucong.hochiminhcity.gov.vn, vào trang “Tiếp nhận hồ sơ”, chọn mục “BHXH”; hoặc truy cập http://dvc.bhxhtphcm.gov.vn để vào hệ thống (có hỗ trợ ứng dụng di động trên iOS và Android). Tiếp đó, người dân đăng nhập hệ thống, tạo và gửi hồ sơ BHXH, BHYT theo hướng dẫn. Kết quả giải quyết được trả qua bưu điện với mức giá từ 25.000 - 50.000 đồng, tùy địa bàn và yêu cầu của khách hàng.
|
Ý kiến
Không được “ngâm” hồ sơ trực tuyến
Tổng số thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước trực thuộc TP.HCM có hơn 2.100 thủ tục, trong đó khoảng 600 thủ tục được giải quyết trực tuyến. Từ 1.1 - 31.8.2017, tổng số hồ sơ đã được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến (hồ sơ trực tuyến) hơn 350.000 hồ sơ. Đây là bước tiến đáng kể trong giải quyết hồ sơ hành chính. Tuy nhiên, tổng số hồ sơ của các dịch vụ công trực tuyến vẫn được người dân, doanh nghiệp nộp trực tiếp lên đến gần 1 triệu hồ sơ. Nếu như 1 triệu hồ sơ giấy này cũng được nộp trực tuyến sẽ giảm áp lực rất lớn về thời gian đi lại, ùn tắc giao thông, chi phí làm thủ tục hành chính... Để tăng lượng hồ sơ trực tuyến, giảm hồ sơ giấy đối với những thủ tục đã được cải tiến giải quyết trực tuyến, UBND TP.HCM yêu cầu các sở ngành, quận, huyện tăng cường tuyên truyền thủ tục cải tiến thuộc thẩm quyền của đơn vị mình, đặc biệt cán bộ thụ lý hồ sơ phải tương tác nhanh, kịp thời qua môi trường mạng để giúp người dân dễ dàng hoàn thiện hồ sơ, tránh tình trạng hồ sơ trực tuyến người dân gửi đến mà để cả tuần không hồi âm.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM
Không thể cải tiến “xong rồi để đó”
Giải quyết hồ sơ trực tuyến không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí mà hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ thụ lý và người dân, góp phần tránh được những tiêu cực có thể phát sinh. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi vẫn ở khâu cán bộ. Tiếp nhận trực tuyến nhưng cán bộ thụ lý vẫn cứ “treo” trên mạng thì rõ ràng người dân không biết đâu mà lần. Cũng do phản hồi chậm, thành phần hồ sơ phức tạp không được hướng dẫn kịp thời…, cuối cùng người dân đành phải chạy tới, chạy lui cơ quan hành chính để làm. Đó là chưa kể, một số nơi cải tiến thủ tục “xong rồi để đó” nên người dân không tiếp cận được, khiến áp lực hồ sơ giấy vẫn ngày càng nặng. Những bất cập trong việc giải quyết hồ sơ trực tuyến cần phải được nhận diện và có giải pháp khắc phục, thúc đẩy kịp thời.
Ông Nguyễn Hồng Hà, Phó trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND TP.HCM
Đình Phú (ghi)
|
Đình Phú
Thanh Niên
|