Bộ Công an: Bỏ sổ hộ khẩu, quản lý dân cư bằng công nghệ
Đại diện Bộ Công an cho biết sắp tới sổ hộ khẩu giấy sẽ bỏ, việc quản lý nhân khẩu được thực hiện bằng công nghệ thông tin. Chứng minh nhân dân thay bằng thẻ căn cước.
* Bỏ sổ hộ khẩu, giao dịch hành chính chỉ cần 3 thông tin
* Bãi bỏ Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú
* Bỏ hộ khẩu: Tuyển sinh ra sao?
Trung tướng Trần Văn Vệ thông tin về lộ trình xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư - Ảnh: PHƯƠNG CHINH.
|
Lúc 10h sáng nay 7-11 tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức họp báo giải đáp những vấn đề liên quan việc đơn giản hoá thủ tục hành chính, bỏ sổ khẩu và giấy chứng minh nhân dân.
Chủ trì họp báo là thiếu tướng Lương Tam Quang - chánh văn phòng Bộ Công an, trung tướng Trần Văn Vệ - quyền tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, thiếu tướng Trần Thế Quân - phó cục trưởng Cục Pháp chế.
Tham dự họp báo còn có sự tham dự của lãnh đạo một số tổng cục, cục có liên quan thuộc Bộ Công an.
Cập nhật xong dữ liệu cơ sở dân cư mới bỏ sổ hộ khẩu
Theo trung tướng Trần Văn Vệ, hiện nay quản lý dân cư ở Việt Nam do nhiều bộ ngành cùng thực hiện. Để đảm bảo mục tiêu và nghĩa vụ của công dân, các cơ quan nhà nước đều cấp cho công dân một loại giấy tờ. Tuy nhiên công tác dân cư chủ yếu quản lý theo hình thức thủ công.
Khi tiến hành các thủ tục hành chính, công dân phải cung cấp nhiều loại giấy tờ, gây phiền hà. Vì vậy Chính phủ đã phê duyệt đề án về đơn giản hoá thủ tục hành chính về quản lý dân cư.
Quốc hội đã ban hành luật và giao Bộ Công an xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có vai trò vị trí rất quan trọng.
Thông qua việc thu thập thông tin của công dân sẽ tạo ra hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, phục vụ quản lý nhà nước và phát triển kinh tế xã hội. Để cơ quan nhà nước nghiên cứu đơn giản hóa thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian, chi phí, thời gian đi lại của công dân.
Thông tin về dân cư được xây dựng với mục tiêu chia sẻ thông tin, khắc phục tình trạng quản lý chồng chéo.
Tóm lại, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tập trung 15 trường thông tin mà các chuyên ngành nào cũng dùng đến như y tế, bảo hiểm xã hội... sau này cấp cho mỗi người một số định danh để giao dịch với bất cứ cơ quan nào và không phải mang học bạ, bằng, và các giấy tờ khác nữa.
Theo trung tướng Vệ, thực chất đây vẫn là quản lý hộ khẩu nhưng là quản lý "sổ hổ khẩu bằng công nghệ thông tin".
Người dân vẫn khai thông tin liên quan và cơ quan quản lý cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia. Khi nào cập nhật đầy đủ thì bỏ hẳn sổ hộ khẩu. Sau này thu thập xong thông tin về dân cư thì không cần hộ khẩu nữa.
Người dân đến giao dịch hành chính thì chỉ cần cung cấp mã số định danh, căn cước công dân thì cơ quan nhà nước tra cứu là có đầy đủ thông tin. Như vậy là vẫn quản lý hộ khẩu chứ không phải không quản lý!
"Sau khi cập nhật xong dữ liệu chúng tôi sẽ tiến tới đề xuất bỏ sổ hộ khẩu", ông Vệ nói.
Theo ông Vệ, các quốc gia trên thế giới không nước nào bỏ việc quản lý dân cư cả. Sau này mỗi công dân chỉ cần một thẻ căn cước công dân.
"Chúng tôi xây dựng cơ sở dữ liệu từ năm 2012 nhưng khó khăn về kinh phí vì mất hơn 3.000 tỉ. Hai năm gần đây Chính phủ đã giao tập đoàn Viettel ứng vốn cùng Bộ Công an", ông Vệ thông tin.
Ngày 14-11, Bộ Công an sẽ triển khai trên toàn quốc và tập huấn cho công an cấp tỉnh, huyện, xã phường thị trấn và phát bảng kê để xuống từng hộ đối chiếu với dữ liệu của mình, công an phường xã xác thực và công an thị trấn ký vào. Sau đó nhập dữ liệu vào hệ thống, phấn đấu trong vòng 2-3 năm sẽ hoàn thành.Đây là sự thay đổi công nghệ từ quản lý bằng giấy tờ chuyển sang công nghệ thông tin.
Trung tướng Trần Văn Vệ - Ảnh: PHƯƠNG CHINH
|
Không phải bỏ chứng minh nhân dân
Trung tướng Vệ cũng thông tin: "Nói bỏ chứng minh nhân dân là không đúng. Nếu ra đường không mang theo chứng minh nhân dân, nếu không may bị tai nạn, hay có giao dịch hay có sự việc phát sinh thì ai biết anh là ai?"
Theo ông Vệ, hiện có nhiều người dùng chứng minh nhân dân 9 số, có người dùng 12 số, có người dùng căn cước công dân.
Chứng minh nhân dân có bất tiện là làm thủ công, lăn tay, đánh máy rất mất công và dễ bị làm giả. Chính vì thế năm 2013, chính phủ xem xét cấp căn cước công dân bằng công nghệ hiện đại. Hiện đang thí điểm ở 16 tỉnh và thành phố.
Năm 2014, Luật căn cước công dân ra đời nên tên chứng minh nhân dân đổi sang căn cước công dân. Nên hiện nay có chứng minh nhân dân 9 số, 12 số, căn cước công dân.
Nhưng từ 1-1-2020 thì công dân chỉ dùng căn cước công dân. Nếu bây giờ dùng chứng minh nhân dân thì vẫn còn hiệu lực theo thời hạn ghi trên chứng minh nhân dân.
Buổi họp báo của Bộ Công an sáng 7-11 - Ảnh: PHƯƠNG CHINH.
|
Tại buổi họp báo, các phóng viên cũng đặt nhiều câu hỏi với đại diện Bộ Công an.
* Cổng thông tin điện tử Chính phủ: Chủ trương không phải bỏ quản lý hộ khẩu mà là thay đổi cách quản lý từ thủ công sang công nghệ thông tin. Nhưng việc bỏ giấy tờ bằng thủ công trong giai đoạn đầu thì phải có cách quản lý thế nào?
* Dân Trí: Vấn đề bức xúc của người dân liên quan hộ khẩu là rất lớn. Vậy Bộ Công an có rà soát lại những phiền hà như việc cơ quan hành chính lạm dụng việc phải có sổ hộ khẩu để làm khó người dân hay không? Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ phụ thuộc thế nào vào việc hoàn thành cơ sở dữ liệu về căn cước công dân và hộ tịch và tính liên kết giữa ba cơ sở dữ liệu này thế nào? Sau này giữa các đơn vị với nhau có gặp vấn đề kết nối hay không?
* Tuổi Trẻ: Theo lộ trình của Bộ Công an thì đến năm nào sổ hộ khẩu bằng giấy chính thức bỏ và quản lý dân cư theo mã số định danh? Việc chậm cấp căn cước công dân hiện nay có ảnh hưởng đến lộ trình xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hay không và khi nào chính thức hoàn thành? Cơ sở dữ liệu này được chia sẻ thế nào để sau này công dân đi giao dịch đỡ bị phiền hà?
* Trung tướng Trần Văn Vệ trả lời:
Cơ sở dữ liệu quốc gia được xác định là cơ sở dùng chung. Lực lượng công an và chỉ có cơ quan công an thì mới có thể cập nhật, thu thập dữ liệu thường xuyên. Sau này sẽ có kết nối từ cơ sở dữ liệu chuyên ngành các bộ ngành thì vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Như vậy có vướng gì với dữ liệu khác? Hiện Bộ Công an có hai dữ liệu là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước. Hiện nay đã cấp được gần 1 triệu số định danh của các cháu mới sinh ra. Hiện Bộ Tư pháp đã kết nối được 17 tỉnh. Ba cơ sở dữ liệu này đã kết nối với nhau không có vướng gì cả.
Những người đã được cấp thẻ căn cước chính là số định danh cá nhân sau này.
Về lộ trình, ông Vệ cho biết hiện trong 1.934 thủ tục hành chính thì các bộ ngành đã đề xuất đơn giản hóa 1.267 thủ tục. Trong số đó đề xuất bỏ 34 thủ tục, đơn giản hóa 28 thủ tục, sửa đổi 182 mẫu đơn, đơn giản hóa 122 mẫu.
"Câu hỏi việc chậm căn cước không hề ảnh hưởng đến cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hay không, tôi trả lời không ảnh hưởng gì cả và sau này khi xong hai cơ sở dữ liệu sẽ kết nối với nhau. Đây là dự án công nghệ thông tin lớn nhất. Việc đang dùng thủ công chuyển sang công nghệ là quá trình rất dài", ông Vệ nói.
Bộ đang đầu tư công sức rất lớn. Khó khăn nhất là giai đoạn thu thập và cập nhật, phấn đấu 2-3 năm sẽ xong.
* Báo Thanh Niên: Đến thời điểm nào thì người dân đi đăng ký xe mới không cần mang sổ hộ khẩu nữa? Hiện rất nhiều bộ ngành quản lý bằng sổ hộ khẩu. Bộ Công an có kiến nghị gì để các ngành khác cũng bỏ đòi hỏi sổ hộ khẩu thì mới đồng bộ.
* Ông Trần Văn Vệ: Từ ngày 1-1-2020 thì sẽ cấp căn cước công dân trên toàn quốc nhưng thời điểm đó có người vẫn đang dùng chứng minh nhân dân, còn hiệu lực thì luật bắt buộc phải đổi.
Còn sổ hộ khẩu khi đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu quốc gia thì các cơ quan nhà nước dùng chung và không được gây phiền hà cho dân, điều này đã được ghi trong luật. Các bộ ngành có giao dịch gì thì phải lấy thông tin trong cơ sỏ dữ liệu quốc gia đó.
Đến năm 2020 sẽ cấp căn cước mới và sẽ có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì Bộ Công an sẽ đề xuất bỏ sổ hộ khẩu giấy.
* Báo Tuổi Trẻ: Trong nghị quyết 112 có nhiều nội dung, lộ trình thực hiện nội dung đơn giản hóa thủ tục hành chính, vậy lộ trình ấy thế nào? Khi nào công dân đi làm thủ tục xuất nhập cảnh hay mua xe... sẽ được bỏ các thủ tục này?
* Thiếu tướng Lương Tam Quang: Bộ Công an đã tham mưu, đề xuất sửa đổi Luật cư trú và luật sửa đổi và bổ sung luật cư trú, 7 nghị định và 5 thông tư liên tịch, 18 thông tư của Bộ Công an và 1 nghị quyết của Bộ Công an.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an.
Chính phủ thông qua phương án của Bộ về việc bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân.
Ở nhóm thủ tục đăng ký thường trú sẽ bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng "sổ hộ khẩu" và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đồng thời, các loại giấy tờ về chuyển hộ khẩu, chứng minh mối quan hệ gia đình, giấy khai sinh đối với trẻ em đăng ký thường trú cũng sẽ được bãi bỏ.
Tương tự, việc quản lý tạm trú cũng sẽ không còn "sổ tạm trú" mà thay bằng việc cập nhật thông tin cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Cùng với việc bỏ "sổ hộ khẩu", các thủ tục như tách sổ hộ khẩu, cấp đổi sổ hộ khẩu, cấp đổi sổ tạm trú, gia hạn tạm trú… cũng được bãi bỏ.
Tương tự, với phương án được Chính phủ thông qua, các thủ tục cấp mới, cấp đổi và cấp lại giấy chứng minh nhân dân (9 số) đang được thực hiện tại công an cấp tỉnh, cấp huyện cũng sẽ được bãi bỏ.
Đặc biệt, cùng với việc bãi bỏ "sổ hộ khẩu" và "giấy chứng minh nhân dân", các thủ tục liên quan đến lĩnh vực xuất nhập cảnh, đăng ký xe, đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện… cũng sẽ bỏ việc yêu cầu người dân phải xuất trình sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân.
Thậm chí trong một số tờ khai về lý lịch cá nhân, người dân sẽ không còn phải cung cấp các thông tin như ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi đăng ký thường trú.
|
Thân Hoàng - V.V.Tuân
Tuổi trẻ
|