Thứ Bảy, 04/11/2017 10:29

Tesla và Trung Quốc: Ai cần ai hơn?

Hôm 22/10 vừa qua, Tesla đã công bố một thỏa thuận mang tính dấu mốc để sản xuất xe hơi ở Trung Quốc.

Thỏa thuận này mang tính bước ngoặt ở nhiều khía cạnh: Trung Quốc đã dành cho Tesla nhiều tự do hơn những nhà sản xuất nước ngoài khác. Tesla là một trong những nhà sản xuất xe hơi nước ngoài lớn đầu tiên thiết lập các cơ sở hoạt động ở quốc gia này mà không bị ràng buộc phải có tỷ lệ liên doanh 50:50. Đây là một sự nhượng bộ quan trọng vì nó cho phép Tesla quyền kiểm soát chặt chẽ hơn đối với cả tài sản trí tuệ lẫn quy trình sản xuất hội nhập theo chiều dọc của mình.

Tesla cũng được hưởng lợi bằng cách giảm chi phí sản xuất cho những chiếc xe được bán ở Trung Quốc và, dù các chi tiết không được tiết lộ, cũng có thể nhận ưu đãi về thuế và những trợ cấp tương tự như các nhà sản xuất của Trung Quốc.

Chiến thắng mang tính biểu tượng của Trung Quốc

Thu hút được Tesla là một chiến thắng mang tính biểu tượng đối với Trung Quốc. Đất nước này hiện có những tham vọng rõ ràng để dẫn đầu thế giới ở lĩnh vực xe điện với hy vọng xây dựng một xã hội có ý thức về môi trường và sạch hơn. Điều này được nhắc đến trong suốt Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 càng củng cố thêm những mục tiêu lớn hơn của Chính phủ.

Tuy nhiên, một cái nhìn kĩ hơn cho thấy rằng Tesla cần Trung Quốc hơn là Trung Quốc cần Tesla. Như biểu đồ của IHS Markit dưới đây chỉ ra, Trung Quốc là một thị trường quan trọng đối với các nhà sản xuất xe hơi hàng đầu. Trung Quốc đã vượt qua Mỹ hồi năm 2009 để trở thành thị trường xe hơi lớn nhất, và doanh số ở các thị trường phương Tây đang được dự báo giảm, trong khi các thị trường mới nổi sẽ thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu.

IHS Markit

Với sự thay đổi gần đây trong các ưu tiên về môi trường của mình, Trung Quốc cũng đang trở thành một “tay chơi” lớn trên thị trường xe điện. Năm 2016, Trung Quốc chiếm 45% lượng xe điện đăng ký mới trên toàn thế giới với 336,000 chiếc, trong khi ở Mỹ chỉ là 160,000 chiếc. Trung Quốc cũng đang xây dựng cơ sở hạ tầng dành cho việc sạc xe điện để biến thị trường này ở trong tình trạng sẵn sàng cho một nhà sản xuất chất lượng cao như Tesla.

Năm 2016, Trung Quốc chiếm tỷ lệ 44% trong các trạm sạc điện công cộng trên toàn cầu, với 82% trong số đó là các trạm sạc nhanh. Nhu cầu xe điện đã phát triển nhanh hơn ở Trung Quốc so với bất kì thị trường nào khác, với tỷ lệ bán ra tăng gấp 3.6 lần trong giai đoạn 2014-2016. Với tỷ lệ xe điện bán ra hiện chỉ chiếm 1.37% trong tổng thị trường xe hơi, thị trường Trung Quốc dường như đã sẵn sàng cho tăng trưởng hơn nữa.

Xe điện giá rẻ thống trị

Dù được hưởng những điều kiện thị trường có vẻ ưu đãi, nhưng tính đến thời điểm hiện tại, Tesla đạt được rất ít thành công ở Trung Quốc. Trợ cấp đã thúc đẩy nhu cầu xe điện (Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ tới 50% giá mua của những chiếc xe điện được sản xuất trong nước). Những chiếc xe điện giá rẻ hơn đã thống trị, và Tesla vẫn còn bị đứng ngoài thị trường này. Trong năm 2016, Tesla chỉ chiếm được 3% trong thị trường xe điện ở Trung Quốc.

Bị tụt lại so với những thương hiệu thượng hạng nước ngoài

Hiệu suất ì ạch của Tesla ở Trung Quốc là một sự tương phản đáng chú ý với những nhà sản xuất xe hơi toàn cầu khác. Giống như ở phương Tây, xe hơi là một biểu tượng địa vị ở Trung Quốc và người tiêu dùng thích những thương hiệu toàn cầu, có uy tín. Những chiếc xe hơi ngoại hiện chiếm đến 60% thị phần ở Trung Quốc, và chiếm 7 trong số 8 vị trí hàng đầu dành cho những chiếc xe được bán ra trong năm 2016. Các thương hiệu thượng hạng đã làm đặc biệt tốt ở Trung Quốc.

Nguồn: Carsalesbase

Khoảng 1/4 tới 1/3 tổng doanh số toàn cầu của Audi, BMW, Mercedes và Porsche xuất phát từ Trung Quốc – tăng bình quân 10% trong 5 qua. Riêng Volkswagen, họ đang bán phân nửa lượng xe trên toàn cầu của mình ở quốc gia này. Những gì xảy ra với các thương hiệu xe hơi ngoại khác cho thấy rằng Tesla sẽ thành công ở Trung Quốc nếu họ có thể giảm chi phí sản xuất và giá xe cho phù hợp với thị trường nội địa.

Cuộc chiến giành thị phần toàn cầu

Bối cảnh này cho thấy Tesla cần Trung Quốc hơn là Trung Quốc cần Tesla. Thị trường xe điện của Trung Quốc vẫn sẽ tăng trưởng cho dù có hay không có Tesla. Tuy nhiên, thỏa thuận của Tesla với chính quyền Thượng Hải là vừa đúng thời điểm vừa cần thiết.

Khi thị trường xe điện ở Trung Quốc “cất cánh”, Tesla phải làm tốt ở thị trường quan trọng này để duy trì vị trí dẫn đầu trên toàn cầu. Họ cần phải tăng khối lượng sản xuất ở Trung Quốc để giảm chi phí sản xuất và giá cả trên thị trường toàn cầu cũng như trong nước. Cuối cùng, như chúng ta đang thấy ở những ngành khác, Tesla có thể hiểu ra rằng tài năng công nghệ ở Trung Quốc cũng sẽ là điều quan trọng để giúp họ duy trì vị trí “Kẻ đổi mới hàng đầu” trên toàn cầu.

Nhã Thanh (Theo Forbes)

FiLi

Các tin tức khác

>   Donald Trump bổ nhiệm Jerome Powell cho ngôi vị Chủ tịch Fed (03/11/2017)

>   Mặc kệ căng thẳng với Triều Tiên, kinh tế Hàn Quốc vẫn tăng trưởng mạnh nhất trong 7 năm (27/10/2017)

>   Ả-rập Xê-út mở cửa TTCK cho nhà đầu tư nước ngoài (26/10/2017)

>   Vì sao Ấn Độ lên kế hoạch bơm 32 tỷ USD vào ngành ngân hàng? (26/10/2017)

>   Siêu dự án 500 tỉ đô của Saudi Arabia (25/10/2017)

>   Kinh tế Mỹ đang đối mặt với bí ẩn lớn nhất từ trước đến nay? (23/10/2017)

>   Donald Trump sẽ bổ nhiệm Jerome Powell và John Taylor vào 2 vị trí quan trọng ở Fed? (21/10/2017)

>   Thời của những 'soái ca' và mỹ nhân làm lãnh đạo? (20/10/2017)

>   Lối đi nào cho kinh tế Nhật Bản? (20/10/2017)

>   Cựu tổng thống Obama quay trở lại chính trường (20/10/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật