Kinh tế Mỹ đang đối mặt với bí ẩn lớn nhất từ trước đến nay?
Vì sao lạm phát ở Mỹ vẫn ở mức thấp? Đây là vấn đề gây bối rối nhất ở nền kinh tế Mỹ vào lúc này. Ngay cả các nhà lãnh đạo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng đang gãi đầu lúng túng, CNNMoney đưa tin.
Thông thường, trong một nền kinh tế khỏe mạnh, khi tình trạng thất nghiệp giảm thì người đi làm sẽ kiếm được nhiều hơn và giá hàng hóa tăng lên – với mức lý tưởng là hơn 2%/năm.
Tuy nhiên, điều đó lại không đang xảy ra, dù tỷ lệ thất nghiệp đang ở rất thấp: 4.2%. Kể từ năm 2012 đến nay, lạm phát chỉ hai lần vượt mốc 2%.
“Chúng tôi không biết điều gì đang xảy ra với lạm phát”, Stanley Fischer, người vừa quyết định xin rút khỏi vị trí số 2 tại Fed gần đây, nói với CNBC.
Vào hôm Chủ Nhật (15/10), Chủ tịch Fed, bà Janet Yellen, cho biết “dự đoán tốt nhất” của bà là tình trạng lạm phát thấp sẽ không kéo dài lâu hơn nữa. Hồi tháng 9, bà gọi nó là “bí ẩn hơn cả bất kỳ điều gì khác”.
Sự mơ hồ đó từ ông Fischer và bà Yellen rõ ràng là không bình thường.
“Hiếm khi Fed thừa nhận họ không biết những gì mà họ không biết”, Joseph Brusuelas, Chuyên gia kinh tế trưởng tại công ty kế toán RSM, lên tiếng. Fed lên tiếng thừa nhận rằng: “Sau cuộc khủng hoảng tài chính, chúng ta hiện không hiểu rõ nguyên nhân của lạm phát”.
Lạm phát thấp là một dấu hiệu cảnh báo cho một điều tồi tệ hơn: Đó là giảm phát, khi giá cả và tiền lương cùng giảm xuống.
Lạm phát quá cao thì có thể sửa chữa được, nhưng giảm phát quá lớn thì rất khó mà khắc phục. Hãy nhìn trường hợp Nhật Bản thì rõ: Họ đang bị mắc kẹt suốt nhiều thập kỷ qua trong tình trạng giá cả và tiền lương đình trệ.
Lạm phát thấp phát triển theo một cách rất thật.
- Khách hàng bắt đầu tin rằng giá cả sẽ không – hoặc không nên – tăng lên.
- Điều đó khiến cho các công ty khó tìm được lý do để giải thích cho sự tăng giá.
- Nếu các công ty không thể tăng giá thì cũng khó mà có lý do để tăng lương nhân viên.
- Tăng trưởng lương èo uột khiến cho người Mỹ miễn cưỡng hơn trong việc chi tiêu những đồng tiền khó khăn lắm mới kiếm được.
- Nền kinh tế sẽ tăng trưởng chậm lại vì sức chi tiêu của người tiêu dùng – yếu tố góp phần lớn trong tăng trưởng kinh tế Mỹ – trở nên yếu đi.
Các chuyên gia hiện liệt kê một số lý do vì sao lạm phát thấp có thể tiếp diễn. Thế nhưng họ sẵn sàng thừa nhận rằng điều này khiến họ bối rối, cũng giống như bà Yellen và những nhà lãnh đạo khác.
Công nghệ, toàn cầu hóa, giá dầu thấp, thiếu kỹ năng cần thiết cho công việc, số lượng công đoàn lao động giảm, và năng suất của công nhân là tất cả những yếu tố góp phần gây ra lạm phát thấp theo nhiều mức độ khác nhau. Các khuynh hướng mới cũng đang góp phần vào chuyện này, giới chuyên gia cho biết.
Dù đã có các lời bàn luận về việc chi phí chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng lên, nhưng giá cả dành cho tất cả những hình thức chăm sóc sức khỏe, từ thiết bị y tế, dịch vụ bệnh viện, đến khám bệnh, đều đã giảm xuống kể từ khi đạo luật Obamacare được thông qua.
Suốt nhiều năm qua, giới chủ đã có thể chọn lựa nhân công theo ý mình sau cuộc Đại suy thoái vì tình trạng thất nghiệp rất cao mà không cần phải đưa ra mức tiền lương cao hơn.
Ngược lại, những người lao động không có quá nhiều chọn lựa trong và ngay sau cuộc Đại suy thoái. Họ phải nhận làm bất kỳ việc gì kiếm được.
Xu hướng rất quan trọng đó ngày nay không còn đúng nữa – những người làm công giờ đây là “kèo trên”. Nhưng khó mà thay đổi các thói quen cũ.
“Các doanh nghiệp có thể bắt đầu nhận thấy rằng họ đang mất lợi thế nếu không tăng lương đủ để tuyển người. ‘Vết sẹo’ do những gì đã xảy ra trong cuộc suy thoái gây ra cho người lao động vẫn chưa lành hẳn, vì thế họ còn do dự trong việc đòi hỏi tăng lương”, Gus Faucher, một chuyên gia kinh tế tại PNC Financial, phân tích.
Đã có một chút tia hy vọng trong tháng 9: Tiền lương tăng 2.9%, mức tăng tốt nhất trong cả năm và là tháng tăng thứ ba liên tiếp. Tiền lương đã tăng bằng với mức của tháng 12 năm ngoái, và là mức tăng tốt nhất kể từ năm 2009.
Dẫu vậy, tháng 12 năm ngoái cũng là một câu chuyện mang tính cảnh báo. Sau khi tăng trưởng lương chạm mức 2.9%, nó lại giảm xuống một cách bí ẩn suốt nhiều tháng trời.
Nhã Thanh (Theo CNNMoney)
FiLi
|