Lối đi nào cho kinh tế Nhật Bản?
Thủ tướng Shinzo Abe cho rằng nền kinh tế Nhật Bản vẫn hoạt động đủ tốt để giúp ông giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu quốc gia vào ngày Chủ nhật tới. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng ông vẫn chưa làm đủ tốt để có thể hồi sinh nền kinh tế nước này.
Mục tiêu của các chính sách kinh tế Abenomics là vực dậy tăng trưởng kinh tế – vốn ở gần mức 0% trong 2 thập kỷ qua, và giải quyết tình trạng lạm phát đình trệ.
Kết quả là đã xuất hiện một vài dấu hiệu khả quan: Tăng trưởng kinh tế đã bắt đầu tăng trong vài quý vừa qua, và niềm tin doanh nghiệp cũng ở mức cao nhất trong 1 thập kỷ.
Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn đối mặt với hàng loạt vấn đề nan giải:
Núi nợ khổng lồ
Nhật Bản là một quốc gia giàu có, nhưng nợ nần chồng chất. Trong đó, khoản nợ Chính phủ còn cao gấp đôi so với GDP của quốc gia.
Chính phủ Nhật Bản cần phải huy động vốn để trả bớt khoản nợ này, nhưng đồng thời cũng cần chi tiền chăm sóc xã hội dành cho những người cao tuổi.
Theo quan điểm của Shinzo Abe, việc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho quá trình giảm nợ vì khi đó, Chính phủ có nguồn thu thuế nhiều hơn.
“Quan điểm ở đây là tăng trưởng quan trọng hơn là giải quyết các vấn đề tài chính trong ngắn hạn và trung hạn”, Stephen Nagy, Giáo sư tại Đại học International Christian ở Tokyo, cho hay.
Nhật Bản cần có những quyết định cứng rắn hơn. Trong năm 2014, đất nước mặt trời mọc này đã tiến hành tăng thuế doanh thu với mục đích mang lại nguồn thu thuế cho Chính phủ, nhưng cuối cùng lại đẩy nền kinh tế đến bờ vực suy thoái. Và cũng vì thế, ông Abe đã trì hoãn quyết định nâng thuế doanh thu trong năm 2016.
Tuy nhiên, trong cái rủi có cái may là: Đa số khoản nợ của Nhật Bản đều do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) và các thành phần khác của Chính phủ nắm giữ, còn khoản nợ nước ngoài thì ở mức thấp.
Nỗi đau của người lao động
Tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản đang ở mức rất thấp so với nhiều nền kinh tế phát triển khác như Pháp. Tuy nhiên, tăng trưởng tiền lương thì rất ảm đạm – qua đó ngăn người Nhật Bản chi tiêu nhiều hơn.
Chính điều này đã kìm hãm lạm phát, và BoJ không thể đẩy lạm phát lại gần mức mục tiêu 2%, dù đã thực hiện các chính sách tiền tệ bất thường.
Tình trạng lạm phát đình trệ thường được xem là một thông tin xấu đối với một nền kinh tế. Người tiêu dùng trì hoãn mua hàng hóa, còn các công ty cũng khó gia tăng lợi nhuận. Do đó, họ có ít tiền mặt để đầu tư vào sản phẩm mới hoặc tăng lương.
“Rất khó để thay đổi tư duy của các hộ gia đình”, Marcel Thielient, Chuyên gia kinh tế Nhật Bản tại Capital Economics, cho hay.
Khó khăn từ các công ty Nhật Bản
Nhật Bản cũng đang chìm sâu vào các vụ bê bối doanh nghiệp trong vài năm vừa qua.
Mới đây, ông lớn ngành thép Kobe Steel đã thừa nhận làm giả dữ liệu về độ bền chắc của một số sản phẩm bán tới các khách hàng lớn như Toyota và Boeing. Bên cạnh đó, Nissan cho biết họ đã ngừng sản xuất xe hơi cho thị trường Nhật Bản cũng vì bê bối trên.
Ngoài ra, hãng túi khí Takata cũng tuyên bố phá sản và Toshiba vướng vào bê bối kế toán, còn Mitsubishi Motors thì bị điều tra số liệu giả.
“Nhà đầu tư lo lắng rằng tính cạnh tranh và tiêu chuẩn của các doanh nghiệp Nhật Bản đang giảm sút”, Thomas Clarke, Giáo sư tại Trường Kinh doanh UTS ở Sydney cho hay.
Không có nhiều động lực
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số thuận lợi kinh doanh (EBDI) của Nhật Bản đã rớt từ hạng 14 xuống hạng 26 trong các thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) kể từ khi ông Abe nhậm chức.
Các nhân viên Nhật Bản có năng suất thấp hơn khoảng 33% so với các nhân viên Mỹ, dựa trên thống kê của Capital Economics. Và khoản đầu tư của các công ty nước ngoài vào Nhật Bản cũng thấp so với các nền kinh tế giàu có khác.
“Không có quá nhiều động lực thúc đẩy trong lĩnh vực doanh nghiệp”, ông Thielient cho biết. Ông cho rằng chính quyền Shinzo Abe cần phải táo bạo hơn trong các cuộc cải cách và dự đoán Nhật Bản sẽ đánh mất đà tăng trưởng chỉ trong vòng vài năm tới.
Để có thể thay đổi cục diện, ông Abe có thể khuyến khích phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động thông qua các biện pháp như tạo điều kiện cho việc chăm sóc trẻ em trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, các kết quả từ những nỗ lực của ông Abe dường như rất hạn chế.
Nhận thêm nhiều người lao động nước ngoài cũng có thể hỗ trợ nền kinh tế, nhưng điều này sẽ phải đối mặt với rào cản chính trị rất lớn ở Nhật Bản.
Các khó khăn của Nhật Bản chỉ ngày càng gia tăng. Hơn 25% người dân có độ tuổi trên 64 tuổi và tình hình ngày một tệ hơn.
Vũ Hạo
FiLi
|