Nhật Bản đưa ra gói thỏa thuận cuối cùng cho TPP-11
Sáng nay 9-11, các bộ trưởng 11 thành viên TPP bước vào hội nghị TPP-11 cùng thảo luận về gói thỏa thuận cuối cùng do Nhật Bản soạn thảo.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng TPP tại Đà Nẵng - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH.
|
Bộ trưởng Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh cho biết các bên đã nỗ lực rất lớn trong thời gian qua nhằm giải quyết các vấn đề để đi đến đồng thuận cho gói thỏa thuận cuối cùng.
Tại hội nghị này, các bộ trưởng sẽ thảo luận gói thỏa thuận do Nhật Bản, nước đồng chủ trì cuộc họp, soạn thảo.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết sau cuộc họp tại Hà Nội các bên đã đàm phán liên tục trong hai tuần cho đến tận hôm nay.
"Nhờ các nỗ lực, chúng ta đã nhanh chóng đến được giai đoạn thảo luận các đề xuất cho gói thọa thuận cuối cùng có thể chạm đến tất cả các nền kinh tế. Phương án này nếu thống nhất sẽ được trình lên cuộc họp các lãnh đạo TPP bên lề APEC", Bộ trưởng Toshimitsu Motegi nói.
Theo Bộ trưởng Motegi, để xây dựng gói thoả thuận này, Nhật Bản đã cố gắng phản ánh tất cả các thảo luận về các đề xuất mà các bên đã góp ý để có thể đi đến thoả thuận bình đẳng, có lợi cho tất cả các bên.
Tuy nhiên ông Toshimitsu Motegi cho rằng cố gắng thoả mãn tất cả các bên cũng đồng nghĩa khiến tất cả các bên không hài lòng như nhau.
Trước đó, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Ando, Phó Thư ký báo chí của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, cho biết Ngoại trưởng Nhật Kono mong muốn các nước đồng ý về mặt nguyên tắc TPP-11 (không có Mỹ) trong cuộc họp của các bên về TPP tại Đà Nẵng.
"Chúng tôi hi vọng TPP-11 sẽ đóng góp cho việc hình thành các luật lệ của thế kỷ 21 cho một nền thượng mại và đầu tư tự do và công bằng", ông Ando dẫn lời Ngoại trưởng Kono.
Ông Ando cho biết thêm trong cuộc họp Liên Bộ trưởng Kinh tế - Ngoại giao APEC (AMM) ngày 8-11, Ngoại trưởng Nhật Bản Kono cho rằng APEC đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đầu tư và thương mại tự do trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ngoại trưởng Nhật Bản cũng khẳng định nước này sẽ tiếp tục dẫn đầu các nỗ lực thúc đẩy thương mại dựa trên luật lệ, tự do và công bằng trên thế giới.
Sáng ngày 9-11, các bộ trưởng 11 thành viên TPP bước vào cuộc họp sau một nghị trình căng thẳng trong Hội nghị Liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC (AMM) hôm qua.
Hội nghị AMM tối 8-11 diễn ra khá căng thẳng khi các bộ trưởng "quần thảo" nhau đến tận 19h30 khiến cho cuộc họp báo dự kiến diễn ra vào lúc 17h30 đã phải hoãn lại.
Đến sáng hôm nay, các bộ trưởng lại tiếp tục nhóm họp dự kiến đến 11h00 do còn nhiều vấn đề các bên chưa thể thống nhất.
Theo các nguồn tin, rất có thể cuộc họp AMM sẽ tiếp diễn song song với cuộc họp cấp bộ trưởng của 11 thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) diễn ra vào lúc 11h00 hôm nay, 9-11.
Toàn cảnh Hội nghị Bộ trưởng TPP tại Đà Nẵng - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
|
Trước đó, vào ngày 6-11, bên lề các cuộc họp chính thức của APEC, các trưởng đoàn của 11 thành viên TPP, gọi là TPP-11 sau khi Mỹ rút lui, đã có cuộc họp kín tại Đà Nẵng nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp cấp bộ trưởng mang tính quyết định vào ngày hôm nay.
Cuộc họp cấp thứ trưởng ngày 6-11 tập trung bàn thảo về các vấn đề kỹ thuật, thu hẹp những bất đồng và khác biệt, vốn được coi là một bước ngoặt quan trọng để các nước tiến tới một kết quả chung tích cực.
Nếu có thể hình thành, TPP-11 sẽ là hiệp định thương mại tự do lớn nhất toàn cầu, kết nối 11 nền kinh tế thành viên với tổng GDP lên đến hơn 12.000 tỉ USD.
TPP vốn đã được 12 thành viên ký kết tháng 2-2016. Tuy nhiên, sau khi Mỹ dưới thời tổng thống Donald Trum, rút lui, các thành viên của TPP đã khởi động một cuộc đàm phán cho TPP-11, nhưng vẫn để ngỏ khả năng nước Mỹ sẽ quay trở lại.
Nụ cười của Trưởng đoàn đàm phán TPP Việt Nam Trần Quốc Khánh tại Hội nghị Bộ trưởng TPP-11 tại Đà Nẵng - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
|
Hướng đến đảm bảo các tiến bộ trong TPP-11
Trong lịch trình làm việc bận rộn tại Tuần lễ cấp cao APEC 2017, Bộ trưởng Thương mại quốc tế và công nghiệp Malaysia Dato’Sri Mustapa Mohamed đã dành riêng cho Tuổi Trẻ buổi trao đổi vào tối muộn 7-11 về triển vọng TPP-11, mà cả Malaysia và Việt Nam đều là thành viên.
Bộ trưởng Thương mại quốc tế và công nghiệp Malaysia Dato’Sri Mustapa Mohamed - Ảnh: T.THẮNG
|
Ông Mustapa Mohamed nói: "Bây giờ đã hơn 10h đêm, chúng tôi vừa trở về từ cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh. Chúng tôi vẫn tin rằng TPP-11 có ý nghĩa đối với tăng trưởng và phát triển cho Malaysia và cả Việt Nam".
* Vậy đâu là vấn đề vướng mắc lớn nhất của TPP-11 hiện nay? Có lo ngại rằng TPP-11 sẽ bị loại bỏ nhiều điều khoản khiến nó không còn chất lượng cao nữa?
- Là người trực tiếp theo đuổi các đàm phán TPP của Malaysia, tôi cho rằng nền kinh tế của hai nước vẫn hoàn toàn được hưởng lợi từ TPP-11 và nếu bỏ qua, chúng tôi có thể sẽ bị lùi sau các nước ở khu vực.
Trong TPP-12, khi mà Mỹ chưa rút lui, cả Malaysia và Việt Nam đều có những vấn đề tương đồng trong đàm phán như vấn đề môi trường, lao động hay sở hữu trí tuệ.
Bây giờ TPP chỉ còn 11 nước, chúng tôi tiếp tục làm việc cùng nhau để tìm những điểm chung và hỗ trợ lẫn nhau giải quyết những điều này. Một mặt nào đó, chúng tôi có những thách thức giống nhau, một số thành viên đang thay đổi góc nhìn với hiệp định này, chúng tôi tiếp tục động viên nhau trong vai trò của mình.
Chúng tôi cam kết sẽ giữ những gì được coi là tốt của hiệp định, đảm bảo các tiến bộ mà hiệp định đem lại.
* Theo nhận định của ông, liệu TPP-11 sẽ đạt được thỏa thuận tại Đà Nẵng?
- Hiện tất cả đều chưa có gì chắc chắn. Một số thành viên vẫn muốn cân nhắc chuyện treo một số điều khoản. Hàng chục cuộc gặp song phương giữa các nước thành viên TPP-11 bên lề APEC kỳ này nhằm nỗ lực đảm bảo TPP-11 là một hiệp định thương mại chất lượng cao như mục tiêu ban đầu mà nó hướng tới.
Có thể nói, chúng tôi đang chạy đua với thời gian, còn sót một vài yếu tố trước khi diễn ra cuộc gặp cấp cao vào ngày
10-11. Với những cố gắng đó, cho đến thời điểm này tôi đặt niềm tin 65% TPP-11 sẽ tìm được tiếng nói chung tại Đà Nẵng, dịp APEC lần này.
* Một khi TPP-11 không có Mỹ, liệu Malaysia có đang đeo đuổi một hiệp định thương mại tự do khác?
- Chúng tôi cũng đang dành ưu tiên cho RCEP, hiệp định đối tác toàn diện khu vực giữa ASEAN và 6 đối tác đã có FTA với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và New Zealand, đây là những thị trường rộng lớn.
Chúng tôi xem trọng các hiệp định thương mại tự do và xem tự do hóa là một trong những con đường để tăng trưởng, phát triển. Năm 2020, Malaysia sẽ chủ trì APEC và mong muốn tiếp nối những kết quả đạt được của Năm APEC 2017 do Việt Nam chủ trì.
|
Trần Phương - Như Bình - Quỳnh Trung
Tuổi trẻ
|