Thứ Tư, 08/11/2017 07:13

Sẽ "kiểm soát đặc biệt" về môi trường 28 dự án công nghiệp lớn

 28 dự án sản xuất công nghiệp thuộc loại lớn nhất Việt Nam sẽ có tên trong danh sách kiểm soát đặc biệt về môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), theo dự thảo Đề án kiểm soát đặc biệt đối với cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm.

Các trung tâm điện lực phía Nam sẽ chịu sự kiểm soát đặc biệt về môi trường. Trong ảnh là đoàn kiểm tra tiến độ xây dựng dự án TTĐL Vĩnh Tân. Ảnh:TL

16 danh mục dự án cần kiểm soát đặc biệt

Theo dự thảo đề án đã hoàn tất hồi tháng 10, Bộ TN-MT đề xuất hình thức “kiểm soát đặc biệt” đối với các dự án sản xuất công nghiệp lớn nói trên.

Các dự án này sẽ đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường ở trung ương hoặc địa phương theo các tiêu chí kiểm soát được phân loại bằng cách tính điểm số cụ thể, chia theo mức độ cần kiểm soát đặc biệt cao hay thấp.

Đối tượng bị kiểm soát là các dự án, cơ sở sản xuất lớn thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao hoặc có công nghệ lạc hậu, lượng phát sinh chất thải lớn, vị trí đặt dự án nhạy cảm về môi trường. Cách thức kiểm soát là thông qua sự phối hợp của cơ quan quản lý môi trường và chủ dự án trong việc rà soát, đánh giá, xác định nguy cơ gây ô nhiễm và các yêu cầu cần thực hiện.

Danh mục 16 loại hình sản xuất công nghiệp thuộc diện cần kiểm soát đặc biệt ở cấp trung ương gồm: luyện gang, thép; nhiệt điện; khai thác, chế biến khoáng sản kim loại có sử dụng hóa chất độc hại; sản xuất giấy, bột giấy; nhuộm (vải, sợi); mạ; chế biến mủ cao su; chế biến tinh bột sắn; sản xuất xi măng; sản xuất hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học (trừ loại hình phối trộn); lọc hóa dầu; thuộc da; chế biến thủy sản; chế biến mía đường; sản xuất pin, ắc quy; xử lý chất thải.

Nguy cơ gây ô nhiễm môi trường của dự án, cơ sở sản xuất thuộc danh mục cần kiểm soát đặc biệt được phân thành mức rất cao, cao và thấp dựa trên các tiêu chí về trình độ công nghệ sản xuất, mức độ đáp ứng yêu cầu của các công trình và biện pháp bảo vệ môi trường, năng lực phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường, năng lực quản lý và giám sát môi trường và chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Dự án, cơ sở sản xuất sau khi được các bộ, ngành, UBND tỉnh rà soát, đánh giá; hoặc sau khi thực hiện các biện pháp khắc phục, cải tiến, đổi mới cần thiết, nếu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường được đánh giá ở mức thấp sẽ được đưa ra khỏi danh mục cần kiểm soát đặc biệt.

Kèm theo các tiêu chí này, Bộ TN-MT đề xuất 28 dự án có tên trong danh sách kiểm soát đặc biệt ở trung ương. Cấp địa phương sẽ được rà soát và báo cáo lại với bộ vào dịp cuối mỗi năm.

Cần phải nhấn mạnh rằng, ngoại trừ dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Formosa (Hà Tĩnh) đã phải chịu sự kiểm soát đặc biệt của BộTN-MT từ tháng 5-2017, các dự án còn lại là các dự án đã, đang và sẽ xây dựng dự kiến sẽ phải kiểm soát đặc biệt về môi trường kể từ năm 2018. Và không có nghĩa tất cả các dự án chịu sự kiểm soát đặc biệt về môi trường là các dự án đã có vấn đề về môi trường. Hình thức kiểm soát đặc biệt còn đồng nghĩa với việc phòng ngừa rủi ro.

Các dự án có nguy cơ lại chưa có tiêu chí để xác định khả năng ô nhiễm

Dự thảo đề án của Bộ TN-MT cho biết hiện quy định chỉ có các tiêu chí để xác định các cơ sở đã hoạt động và đang gây ô nhiễm môi trường để thực hiện các biện pháp xử lý triệt để. Còn với các dự án chưa đi vào vận hành thương mại và các cơ sở sản xuất có nguy cơ, khả năng gây ra ô nhiễm, sự cố môi trường cao lại chưa được rà soát, đánh giá, thống kê để có biện pháp quản lý, giám sát.

Ngay cả các dự án đã và đang hoạt động, việc phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường được thực hiện một cách bị động, hiệu quả chưa cao, thực hiện chưa đồng bộ theo từng loại hình và mức độ tác động đến môi trường.

Việc giám sát, kiểm tra đặc thù về môi trường đối với các cơ sở, dự án này chưa được quy định trong hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường nên việc thực hiện kiểm soát vấn đề môi trường gặp khó. Do đó, nguy cơ về ô nhiễm, sự cố môi trường diễn ra trên diện rộng, liên vùng, liên tỉnh, phức tạp từ các cơ sở, dự án sản xuất lớn vẫn còn hiện hữu.

Quy luật phát triển và kinh nghiệm của các nước cho thấy nhóm 20% doanh nghiệp, dự án, cơ sở sản xuất lớn, công nghệ lạc hậu gây ra phần lớn (70-80%) vấn đề về môi trường trong cả vòng đời sản xuất. Do vậy, việc kiểm soát các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm đặc biệt về môi trường mang tính phòng ngừa cần được thực hiện sớm hơn, thay vì chờ các dự án đi vào sản xuất mới “chạy theo” kiểm soát.

Toàn bộ các hoạt động kiểm soát đặc biệt nêu trên sẽ lấy nguồn từ ngân sách nhà nước. Đồng thời, khi triển khai đề án này cần sửa đổi, bổ sung và luật hóa các quy định về kiểm soát, phòng ngừa rủi ro cụ thể, nhằm cảnh báo hơn là mang tính áp đặt doanh nghiệp.

Danh sách 28 dự án dự kiến sẽ chịu sự kiểm soát môi trường đặc biệt

- Dự án luyện thép Formosa (Hà Tĩnh) hiện đã chịu sự giám sát đặc biệt của Bộ TN-MT

- Dự án khu liên hợp gang thép Hòa Phát (giai đoạn III) - đang xây dựng

- Dự án Trung tâm điện lực (TTĐL) Vĩnh Tân (Bình Thuận) với 4 nhà máy. Hiện nhà máy Vĩnh Tân 2 đã hoạt động và gây ra các sự cố về môi trường

- Dự án TTĐL Duyên Hải (Trà Vinh) với 4 nhà máy, hiện nhà máy Duyên Hải 1 đã đi vào hoạt động

- Dự  án TTĐL Thái Bình - đang xây dựng

- Dự án sản xuất và chế biến vonfram Núi Pháo (Thái Nguyên) - đã bị xử phạt về bảo vệ môi trường

- Dự án khu mỏ tuyển đồng Sinh Quyền (Lào Cai) - Bộ Công Thương giám sát môi trường

- Dự án tổ hợp bauxit-nhôm Tân Rai và Nhân Cơ - Bộ Công Thương giám sát môi trường

- Dự án mỏ sắt Thạch Khê - đang ngừng hoạt động, Bộ Công Thương giám sát môi trường

- Dự án nhà máy giấy Lee& Man (Hậu Giang) - đang vận hành thử nghiệm và giám sát môi trường

- Dự án nhà máy bột giất VNT 19 (Quảng Ngãi)

- Dự án nhà máy giấy An Hòa (Tuyên Quang)

- Dự án nhà máy giấy Bãi Bằng

- Dự án nhà máy hóa chất, phân bón DAP số 1 Đình Vũ (Hải Phòng), DAP Lào Cai

- Dự án nhà máy sản xuất phốt pho vàng Việt Nam (Lào Cai)

- Dự án khu công nghiệp Tằng Loỏng (Lào Cai)

- Dự án KCN Texhong, KCN Lai Vu, KCN Xuyên Á

- Các dự án Khu liên hợp sản xuất lọc hóa dầu Bình Sơn, Long Sơn và Nghi Sơn

- Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (TPHCM) và Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Hà Nội).

Lan Nhi

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Sau APEC, Mỹ có quay lại với TPP? (08/11/2017)

>   Thủ tướng: Ba định hướng lớn của Chính phủ (07/11/2017)

>   Nghị quyết 112 'khai tử' những thủ tục, giấy tờ gì? (07/11/2017)

>   Đà Nẵng sau lăng kính APEC: "Bán lẻ vẫn cần một lực đẩy" (07/11/2017)

>   APEC tại Đà Nẵng: Du lịch vẫn là điểm nhấn (07/11/2017)

>   Thông điệp của Thủ tướng tại thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam (07/11/2017)

>   Các nhà lãnh đạo kinh tế châu Á-TBD chung tay hướng về tương lai (07/11/2017)

>   Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia đã vượt giới hạn cho phép (07/11/2017)

>   APEC 2017: Mở cơ hội kinh doanh thành công tại Việt Nam (07/11/2017)

>   Vụ Vinashin gần ngàn tỉ bồi thường, chưa thu được gì (06/11/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật