Thủ tướng đồng ý thoái vốn Nhà nước tại CTCP Đầu tư Tháp Truyền hình Việt Nam
"Việc thoái vốn phải bảo đảm theo đúng các quy định của pháp luật, công khai, minh bạch, hiệu quả, không để thất thoát vốn Nhà nước", thông báo của Văn phòng Chính phủ cho biết.
* VTV xin xây tháp truyền hình cao nhất thế giới
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về thoái vốn tại CTCP Đầu tư Tháp Truyền hình Việt Nam diễn ra vào ngày 27/10/2017.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý Đài Truyền hình Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái vốn tại CTCP Đầu tư Tháp Truyền hình Việt Nam, bảo đảm theo đúng các quy định của pháp luật, công khai, minh bạch, hiệu quả, không để thất thoát vốn Nhà nước.
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ trao đổi với các đối tác, đề xuất cụ thể tỷ lệ thoái vốn tại Công ty này và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Thủ tướng cũng yêu cầu chủ đầu tư nghiên cứu, triển khai dự án tháp truyền hình Việt Nam thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật và các thủ tục về đất đai có liên quan theo đúng quy định.
Việc xây dựng tháp truyền hình cao nhất thế giới tại Hà Nội đã từng gây ra nhiều luồng dư luận trái chiều.
|
Trước đó, theo thông tin từ đầu năm 2016, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và hai đối tác là Tổng Công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Tập đoàn BRG của nữ đại gia Nguyễn Thị Nga đã thành lập CTCP Tháp Truyền hình Việt Nam để xây dựng tòa tháp 636m cao nhất thế giới tại khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội) với tổng mức đầu tư 900 triệu USD. 900 triệu USD là con số riêng để làm khối tháp, còn tổng mức đầu tư cả dự án này khái toán lên tới 1.3 -1.5 tỷ USD.
Địa điểm VTV đề xuất tại vị trí khu vực trung tâm Khu đô thị mới Tây Hồ Tây, thuộc ranh giới phường Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội với tổng diện tích khoảng 14.1ha. Thời gian xây dựng khoảng 6 năm, đến 2021 hoàn thiện và đưa vào sử dụng với thời gian hoàn vốn là 15 năm.
Tuy nhiên, vào nửa cuối tháng 5/2017, theo Báo cáo của Bộ Tài chính, VTV đã có công văn đề nghị thoái toàn bộ hoặc phần lớn vốn tại dự án tháp truyền hình với lý do cần tập trung ưu tiên dành nguồn lực đầu tư cho sản xuất chương trình và phát triển kinh doanh trong lĩnh vực truyền hình.
Đến tháng 7/2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã ký Quyết định 1001 phê duyệt phương án sắp xếp, phân loại doanh nghiệp của SCIC đến năm 2020. Theo đó, SCIC được chủ động bán vốn tại 4 doanh nghiệp trong giai đoạn 2017-2020, trong đó có CTCP Đầu tư Tháp Truyền hình Việt Nam.
Được biết, để triển khai dự án Tháp truyền hình cao nhất thế giới, tháng 12/2015, VTV đã thành lập CTCP Tháp Truyền hình Việt Nam, vốn điều lệ 600 tỷ đồng.
Thu Phạm
FiLi
Tài liệu đính kèm: VPCP-Ket-luan-thu-tuong-chinh-phu
|