ExxonMobil sẽ sớm khai thác mỏ dầu khí tỉ đô tại Việt Nam
Dự án tỉ đô mỏ dầu khí Cá Voi Xanh đang được triển khai giữa Petrovietnam và ExxonMobil dự kiến sẽ được khởi động vào cuối năm 2019.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam ngày 7-11 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
|
"Đây là dự án lớn nhất, phức tạp nhất của tập đoàn khi đầu tư bên ngoài. Hãng sẽ phải khai thác dầu khí ở độ sâu 1.500m dưới đáy biển, sau đó chuyển lượng dầu và khí tự nhiên về bờ xử lý tại nhà máy ở Quảng Nam", ông Liam Mallon, Chủ tịch ExxonMobil Development thuộc Tập đoàn ExxonMobil nói.
Tiết lộ của ông Liam Mallon được đưa ra trong hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2017 diễn ra tại Đà Nẵng ngày 7-11 nhân Tuần lễ cấp cao APEC 2017.
Ông Mallon nhấn mạnh rằng Việt Nam đang chạy đua trong thu hút đầu tư nước ngoài thì "các bạn chỉ cần môi trường ổn định, dễ đoán để doanh nghiệp tự tin làm ăn lâu dài. Và các thành quả của các dự án lâu dài 30 - 40 năm ấy cần được chia sẻ công bằng giữa các bên".
Tại hội nghị này, ông Alexander C. Feldman, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Hoa Kỳ - ASEAN, cho rằng Việt Nam đã thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài nhờ nỗ lực cải cách môi trường, thủ tục hành chính.
Ngay cả khi Hoa Kỳ không còn trong Hiệp định đối xuyên Thái Bình Dương thì các doanh nghiệp Hoa Kỳ vẫn đang không ngừng mở rộng hoạt động của mình tại đây.
Theo bà Victoria Kwakwa, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Việt Nam là một câu chuyện điển hình về phát triển thành công cho đến nay. Từ một quốc gia thuộc nhóm nghèo nhất trên thế giới, nhưng 30 năm sau Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh ngạc.
"Đà tăng trưởng của Việt Nam tương tự với đà tăng trưởng của các quốc gia Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan. 20 năm vừa qua, Việt Nam đã tạo 20 triệu việc làm, FDI tăng 16 tỉ USD hằng năm...", bà Victoria Kwakwa nêu một số thành tựu của Việt Nam.
Theo ông Philipp Rosler, Giám đốc điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), các chính sách, thể chế đúng đắn sẽ giúp phát triển được năng lực và năng suất lao động của Việt Nam. Ông Rosler nhấn mạnh rằng tài sản lớn nhất của Việt Nam cho đến nay không phải là dầu khí, cơ sở hạ tầng... mà chính là giới trẻ.
Sáng kiến của Việt Nam được đánh giá cao
Chiều 7-11, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn - chủ tịch SOM APEC 2017 - chủ trì buổi họp báo sau khi khép lại Hội nghị tổng kết quan chức cấp cao APEC (CSOM).
Ông Bùi Thanh Sơn cho biết các đại biểu tại CSOM vừa qua đã đánh giá cao tiến độ thực hiện các sáng kiến phát triển, tạo động lực mới do Việt Nam đưa ra.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về sáng kiến để các thành viên APEC cùng thúc đẩy nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, ông Sơn cho biết: "Có rất nhiều sáng kiến liên quan tới việc này, trong đó có khuôn khổ tạo thuận lợi thương mại điện tử xuyên biên giới, vốn được các nền kinh tế rất quan tâm và ủng hộ".
Cũng theo ông Bùi Thanh Sơn, sở dĩ các sáng kiến của Việt Nam, đơn cử là sáng kiến liên quan tới phát triển nguồn nhân lực thời đại số, được ủng hộ một phần vì nó phù hợp với phát triển kinh tế bao trùm, phù hợp với vấn đề của thời đại.
|
Như Bình - Quỳnh Trung
Tuổi trẻ
|