Chủ Nhật, 19/11/2017 21:17

Nâng “chất” dòng vốn ngoại

Tình hình thực tế cũng như dự báo của các tổ chức quốc tế là vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục gia tăng. Vấn đề hiện nay, theo các chuyên gia là cần thay đổi định hướng thu hút nguồn vốn này sao cho hiệu quả hơn.

Hoạt động sản xuất của một doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam- Ảnh minh họa: Quốc Hùng.

Vốn cam kết tăng cao

Gặp gỡ các nhà đầu tư Nhật Bản mới đây, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Trúc cho biết trong 10 tháng đầu năm nay, tổng vốn đầu tư nước ngoài mà tỉnh này nhận được cam kết là 2,171 tỉ đô la Mỹ, vượt 55% kế hoạch cả năm, tăng 131% so cùng kỳ năm ngoái. Cùng thời gian trên, TPHCM dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, với tổng số vốn cam kết hơn 5 tỉ đô la Mỹ...

Còn theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), từ đầu năm đến ngày 20-10-2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 28,24 tỉ đô la Mỹ, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước đây, khi báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính năm nay sẽ có khoảng 28 tỉ đô la Mỹ vốn nước ngoài đăng ký đầu tư vào Việt Nam. Với đà tăng trưởng hiện nay, giới chuyên gia cho rằng đến cuối năm sẽ vượt mốc 30 tỉ đô la Mỹ.

Cần nâng “chất” nguồn vốn

Việt Nam cần vốn nhưng quan trọng hơn, theo giới chuyên gia, là cần công nghệ cao, hiện đại để tái cơ cấu nền kinh tế.

Việt Nam cần vốn nhưng quan trọng hơn, theo giới chuyên gia, là cần công nghệ cao, hiện đại để tái cơ cấu nền kinh tế phát triển bền vững, tăng năng lực cạnh tranh, nâng cao giá trị sản phẩm và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Gần 30 năm sau khi Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực, việc kết nối kinh doanh giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn còn mờ nhạt, hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và năng suất lao động từ các đối tác nước ngoài đến các doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế.

Báo cáo tăng cường năng lực cạnh tranh và liên kết của doanh nghiệp nhỏ và vừa của Ngân hàng Thế giới (WB) gần đây nhận định: (Việc) Việt Nam gia nhập các chuỗi giá trị toàn cầu thông qua các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã mang lại lợi ích đáng kể về tăng trưởng và việc làm do xuất khẩu. Tuy nhiên, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn không kết nối được với khu vực tư nhân trong nước. Bởi lẽ, trong quá trình định hình như một trung tâm sản xuất và xuất khẩu, Việt Nam chỉ chuyên về công đoạn lắp ráp cuối cùng, đòi hỏi nhiều lao động. Nhiều mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao của Việt Nam lại có hàm lượng nhập khẩu cao và giá trị gia tăng trong nước rất thấp, do đó đóng góp ròng vào nền kinh tế không cao. Điều này, cũng phản ánh sự thâm nhập hạn chế của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước vào các chuỗi giá trị toàn cầu thông qua việc trở thành nhà cung cấp cho các doanh nghiệp FDI sản xuất hàng xuất khẩu. Các liên kết cung ứng hiện nay thường có xu hướng gắn với sản phẩm có giá trị gia tăng thấp, như các vật tư đơn giản và bao bì.

Theo ông Charles Kunanka, chuyên gia trưởng về khu vực tư nhân của WB, dư địa trong nước dành cho các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam đang bị thu hẹp và hầu hết những chức năng đem lại giá trị gia tăng cao (như đổi mới sáng tạo, thiết kế, sản xuất phụ tùng, cấu kiện lõi) đều được thực hiện ở ngoài Việt Nam. Theo đánh giá của ông Kunaka, Việt Nam bị kẹt ở “bẫy giá trị gia tăng thấp”, do không phát triển được các chức năng có giá trị cao hoặc cần năng lực đổi mới sáng tạo. Điều này nếu tiếp tục sẽ dẫn đến nhiều rủi ro khi các đối thủ cạnh tranh có chi phí thấp hơn sẽ thu hút đầu tư nước ngoài ra khỏi Việt Nam.

Do đó, theo giới chuyên gia, trong bối cảnh dịch chuyển dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của thế giới và trong khu vực, Việt Nam cần đổi mới tư duy để khai thác hiệu quả nguồn vốn này. Xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang diễn ra với tốc độ nhanh càng đòi hỏi Việt Nam phải có sự chọn lọc hơn trong thu hút nguồn vốn nước ngoài.

Theo các chuyên gia, những lợi thế về lao động chi phí thấp, lực lượng đông đã không còn là lợi thế cho Việt Nam khi vận động thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Việt Nam cần tập trung vào những dự án công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng như công nghệ thông tin, điện tử, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI)...

Cùng với việc tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn, điều quan trọng không kém, Chính phủ và đặc biệt là chính quyền các địa phương, phải biết lựa chọn đối tác, dự án phù hợp với định hướng phát triển bền vững của địa phương mình và cho đất nước.

Về vấn đề này, theo GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), cần điều chỉnh chính sách ưu đãi đối với dự án đầu tư theo hướng gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội ở từng vùng, từng địa phương; nâng cao trình độ của các cơ quan quản lý. Theo ông, đối với các thành phố đã phát triển thì cần tập trung phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn; kiên quyết không chọn dự án thâm dụng lao động, gây ô nhiễm môi trường... Đối với các địa phương, vùng kinh tế còn kém phát triển thì có thể lựa chọn dự án thâm dụng lao động như dệt nhuộm, may, da giày nhưng phải bảo đảm đầu tư bảo vệ môi trường.

Một số chuyên gia cho rằng cần đặt vấn đề trách nhiệm nhà đầu tư khi đạt lợi nhuận. Đó là đóng góp lợi nhuận để đào tạo, lan tỏa công nghệ sang doanh nghiệp Việt, người lao động trong nước; hoặc có tác động lan tỏa, liên kết, giúp các doanh nghiệp Việt có thể tham gia nhiều hơn, hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo chuyên gia của WB, Việt Nam cần phải có một gói sáng kiến cải cách toàn diện như thu hẹp chênh lệch về hạ tầng giao thông; phát triển các thị trường dịch vụ cạnh tranh; hợp lý hóa các thủ tục biên giới để nâng cao minh bạch và khả năng tiên liệu; thúc đẩy quan hệ với các nước phát triển để đảm bảo nhu cầu mạnh mẽ và đầu tư về công nghệ...

Nếu đạt được vị thế cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam có thể thu hút thêm đầu tư nước ngoài quy mô lớn, qua đó tạo thêm việc làm và tạo thêm cơ hội cho các nhà cung ứng trong nước.

Quốc Hùng

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Vì sao CPTPP toàn diện, khả thi hơn TPP? (19/11/2017)

>   Làm gì để tiếp tục cắt giảm điều kiện kinh doanh không cần thiết? (19/11/2017)

>   Du lịch có thể thay thế được dầu thô? (19/11/2017)

>   “Lối” nào cho ô tô Việt? (19/11/2017)

>   Sức nóng cuộc đua nhượng quyền thức ăn đường phố (18/11/2017)

>   TP.HCM có nhất thiết thành siêu đô thị 15-20 triệu dân? (18/11/2017)

>   Huy động chuyên gia Hàn Quốc tìm nguyên nhân nứt dầm thép cầu Vàm Cống (17/11/2017)

>   Thống đốc Lê Minh Hưng: Sử dụng bitcoin là không hợp pháp (16/11/2017)

>   Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói gì về TPP mới? (16/11/2017)

>   Chi bao nhiêu cho một khách VIP đến Việt Nam mỗi ngày? (16/11/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật