Sức nóng cuộc đua nhượng quyền thức ăn đường phố
149.000 điểm bán hàng, doanh thu 46.900 tỉ đồng mỗi năm… những con số cho thấy tiềm năng lớn của thị trường thức ăn đường phố (street food) tại Việt Nam cũng như cơ hội nhượng quyền ra thế giới. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp Việt Nam không nhanh chóng bắt tay vào phát triển thương hiệu, mô hình đạt tiêu chuẩn rồi đem nhượng quyền thì các doanh nghiệp giàu tiềm lực tài chính của nước ngoài sẽ làm và thu lợi.
Thị trường thức ăn đường phố đang đem về nguồn thu đáng kể. Ảnh minh họa: TTXVN.
|
Đây là lời cảnh báo mà bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Retail & Franchise Asia, chuyên gia về nhượng quyền và bán lẻ, đưa ra tại buổi nói chuyện về tiềm năng của mô hình nhượng quyền ẩm thực đường phố diễn ra tại TPHCM hôm 16-11.
Để minh chứng cho cảnh báo của mình, bà Vân dẫn ra số liệu của các công ty nghiên cứu thị trường. Hiện tại, dù ở Việt Nam có 149.000 điểm bán thức ăn đường phố (tính đến 2016) nhưng những chuỗi thức ăn đường phố có thương hiệu chỉ chiếm 0,59% trong tổng doanh thu, một tỷ lệ rất nhỏ. Tại Hồng Kông, chuỗi ẩm thực đường phố nội địa có thương hiệu chiếm 5%, tại Philippines là 21%, tại Đài Loan là 30%, tại Singapore là 10%. Đặc biệt, các chuỗi ẩm thực đường phố của nhiều nước đã nhượng quyền ra thế giới. Ví dụ như Oldchangkee (Singapore) hay Shinhlin (Đài Loan).
Các chuỗi ẩm thực đường phố có thương hiệu ở Việt Nam hiện tại có thể kể đến như Five Star (gà năm sao), Bánh mỳ Que, 1 phút 30 giây hay Cà phê Gorthe.
Điều đáng chú ý, Five Star, chuỗi ki-ốt chuyên bán gà chiên của Tập đoàn CP (Thái Lan) đang nắm thị phần lớn nhất trên thị trường thức ăn nhanh hiện nay. Trong vòng 4 năm, thị phần của chuỗi này tăng từ 26,5% (năm 2013) lên mức 71,3% (năm 2016). Trong khi đó, các chuỗi còn lại trong các thương hiệu được kể tên ở trên đang giảm dần, thậm chí biến mất.
Giám đốc điều hành của Công ty cổ phần Bánh Mỳ Việt, một doanh nghiệp từng có ý định mang bánh mỳ đến bán ở Úc, chia sẻ câu chuyện của mình tại buổi nói chuyện. Ảnh: Minh Tâm.
|
Và với bối cảnh trên, nhìn theo hướng tích cực là dư địa, tiềm năng để phát triển ở thị trường ẩm thực đường phố còn rất lớn. Mức tăng trưởng của thị trường này là 2%, một tỷ lệ rất thấp xuất phát từ nguyên nhân người tiêu dùng Việt Nam bất an về độ an toàn của thực phẩm. Tuy nhiên, với chuỗi ẩm thực đường phố có thương hiệu, con số tăng trưởng hàng năm được ghi nhận lên tới 17,8% (về số lượng) và 20% (về doanh thu) trong giai đoạn 2011-2016.
Tuy nhiên, theo bà Vân, muốn khai thác được tiềm năng này thì các doanh nghiệp Việt Nam phải “nhanh lên”, nếu không muốn mất trắng vào tay các đại gia nước ngoài giàu tiềm lực tài chính, nhiều kinh nghiệm thương trường cũng như kỹ năng quản trị.
Trong cuộc chạy đua này, lợi thế lớn nhất mà doanh nghiệp Việt Nam hiện có là xu hướng bản địa đang lên ngôi, tức là người tiêu dùng trên thế giới hiện rất ưa thích các sản phẩm có nguồn gốc địa phương.
Chính vì vậy, các sản phẩm thuần Việt Nam, có nguyên liệu từ Việt Nam và có tính truyền thống sẽ có cơ hội lớn. “Bánh mỳ là một ví dụ rất hay. Nhưng Việt Nam cũng còn có rất nhiều món ăn đường phố khác có tiềm năng nhượng quyền ra thế giới. Vấn đề là phải có câu chuyện thuần Việt để kể”, bà Vân nhấn mạnh.
Và để có thể nhượng quyền được các sản phẩm ẩm thực đường phố Việt Nam ra thế giới thì các doanh nghiệp phải xây dựng nền tảng thật vững chắc, từ sản phẩm, mô hình đến ứng dụng công nghệ, chuỗi cung ứng, pháp lý… Xây dựng nền tảng vững chắc bao nhiêu thì sẽ càng tiến xa bấy nhiêu.
Minh Tâm
TBKTSG
|