TP.HCM có nhất thiết thành siêu đô thị 15-20 triệu dân?
Câu hỏi này được GS.TS Nguyễn Trọng Hòa, chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, đặt ra tại hội thảo “Tầm nhìn phát triển đô thị TP.HCM hướng tới mục tiêu xây dựng TP sống tốt” do viện tổ chức ngày 17-11.
Giảm nạn kẹt xe tại TP.HCM là một trong những tiêu chí mà các chuyên gia đưa ra để xây dựng thành phố sống tốt - Ảnh: TỰ TRUNG
|
Theo ông Hòa, TP.HCM không nên tự xoay xở, mà phải nhìn ra cả vùng để có hướng xử lý các vấn đề trong phát triển đô thị.
Nếu các tỉnh thành xung quanh trong vùng liên kết tốt thì TP.HCM không nhất thiết phải trở thành một siêu đô thị 15-20 triệu dân trong những năm tới. Ý kiến của ông Hòa về liên kết vùng được nhiều đại biểu phân tích, thảo luận.
Sống tốt thế nào ở siêu đô thị chật chội?
Vấn đề liên kết vùng đã được đặt ra tại nhiều diễn đàn. Nhưng theo ông Hòa, lâu nay liên kết TP.HCM với vùng vẫn chưa tốt, cần phải được đặt ra mạnh mẽ hơn nữa.
Lâu nay, việc quy hoạch phát triển các địa phương vẫn mang tính địa giới hành chính, mang tính địa phương hơn là đặt dưới cái nhìn tổng thể.
Để TP.HCM trở thành một siêu đô thị với số dân khổng lồ, theo ông Hòa, là không đúng. "Ý kiến này của tôi có thể bị phê phán, nhưng tôi bảo vệ quan điểm này vì một siêu đô thị quá chật chội thì mục tiêu trở thành TP sống tốt sẽ càng xa vời, chỉ là mơ ước" - ông Hòa nhấn mạnh.
TS Nguyễn Thị Hậu cho rằng dưới góc độ văn hóa xã hội, liên kết vùng hiện nay đang gặp khó là các địa phương còn nặng nề tư tưởng "sở hữu" đất đai.
Theo bà Hậu, chừng nào chưa giải quyết được vấn đề này thì chưa thể có liên kết vùng tốt được. Bà Hậu cũng bày tỏ sự lo ngại khi Bộ Xây dựng vừa cho phép xây những căn nhà có diện tích quá nhỏ trong lòng đô thị. Theo bà Hậu, không thể sống tốt với những căn nhà diện tích như vậy.
Ông Lê Quốc Hùng, phó viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam, cho biết đang có những đồ án rất lớn, trong đó có đồ án quy hoạch vùng TP.HCM.
Các chuyên gia quốc tế từ Đức, Anh, Thụy Sĩ, Pháp, Mỹ... khuyến cáo cần có quy hoạch tổng thể cho khu vực này, chứ không phải trên ranh hành chính.
Thách thức "nông thôn hóa"
Sự lãng phí thời gian, tiền bạc, "quốc nạn" nhậu nhẹt, giờ giấc "dây thun", tùy tiện vứt rác bừa bãi, tùy tiện phát ngôn, văng tục... là những biểu hiện của văn hóa, lối sống nông thôn có ảnh hưởng sâu đậm đến cư dân TP.
Đây là nhìn nhận của ông Nguyễn Quang Trung, nghiên cứu sinh Đại học Công nghệ TP.HCM.
Ông Trung đưa ra khái niệm "nông thôn hóa" là sự hiện hữu của văn hóa, lối sống nông thôn nơi cư dân TP, là sự ảnh hưởng sâu đậm của nông thôn ở TP.
"Đây là thách thức của TP.HCM trong phát triển đô thị" - ông Trung nói. Ông Trung cũng đưa ra một số biểu hiện của "nông thôn hóa" là tính chấp hành pháp luật thấp, lãng phí, thói quen tùy tiện, xu hướng "cơi nới", tâm lý đám đông nơi cư dân...
Theo ông Trung, "nông thôn hóa" là do nguồn gốc nông thôn của thị dân, sự phát triển văn hóa và con người không theo kịp tốc độ đô thị hóa, thiếu tác phong công nghiệp, tình trạng đô thị quá tải, trình độ quản lý đô thị chưa cao.
Từ những phân tích này, ông Trung cho rằng muốn xây dựng TP.HCM sống tốt thì trước tiên cần đô thị hóa tinh thần, đô thị hóa con người.
Đồng thời nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý đô thị, phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông đại chúng.
Bộ tiêu chí thành phố sống tốt
Ông Lê Văn Thành - chuyên gia Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM và nhiều đại biểu đưa ra một hệ thống tiêu chí của TP sống tốt.
Trong đó đáng chú ý là các tiêu chí giảm dần nạn kẹt xe, tăng diện tích đất dành cho giao thông lên gấp 3 lần so với hiện nay, vận tải công cộng đảm bảo được 40% lượng đi lại của dân.
Ngoài ra còn có các tiêu chí về cung cấp nước sạch và điện đầy đủ, chống ngập nước, giảm ô nhiễm, 100% rác được xử lý tốt, quản lý tốt dân nhập cư, khoảng cách giàu nghèo được rút ngắn (giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất chỉ cách nhau 5 lần)…
|
MAI HOA
Tuổi trẻ
|