“Lối” nào cho ô tô Việt?
Trong bối cảnh nhiều khả năng các liên doanh ôtô sẽ chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc thay vì sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam thì Vinfast lại đang cho thấy quyết tâm ra mắt dòng xe đầu tiên vào năm 2019. Khi chính sách thuế không còn dư địa, không còn là “lá bùa hộ mệnh”, các doanh nghiệp sẽ phải có những “lối đi” riêng của mình.
Từ đầu năm 2018, làn sóng ôtô nhập khẩu giá rẻ từ các nước ASEAN có thể sẽ đổ vào Việt Nam do thuế giảm từ 30% xuống còn 0%. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính mới đây đã trình Chính phủ đề xuất điều chỉnh thuế suất nhập khẩu linh kiện ôtô về 0%. Qua đó nhằm giúp các hãng sản xuất ôtô trong nước giảm chi phí sản xuất, từ đó giảm giá xe, tăng lợi thế cạnh tranh với xe nhập khẩu.
Thuế nhập khẩu linh kiện từ 15% đến 25% đang làm tăng chi phí sản xuất ô tô trong nước. Ảnh: Dây truyền lắp ráp điện ô tô tại Trường Hải (Thaco)
|
Nghịch lý hay có lý?
Điều kiện để được hưởng thuế suất 0% là linh kiện không sản xuất được ở Việt Nam. Bên cạnh đó còn phải đáp ứng nhiều điều kiện khác như sản lượng tối thiểu phải đạt từ 34.000 xe/năm. Một điều kiện mà rất ít doanh nghiệp có thể đáp ứng được.
Ông Toru Kinoshita, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam(VAMA) cho rằng, nên giảm hoặc bãi bỏ thuế nhập khẩu linh kiện từ năm 2018 cho tất cả nhà sản xuất ôtô và các nhà sản xuất linh kiện ôtô mà không gắn với điều kiện về sản lượng, tỉ lệ nội địa hóa.
Bởi trong khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN bằng 0%, nếu tiếp tục duy trì chính sách thuế nhập khẩu linh kiện như hiện nay sẽ trở thành chính sách thuế hỗ trợ nhập khẩu thay vì khuyến khích sản xuất, lắp ráp trong nước. Mặt khác, nhiều dòng thuế linh kiện ôtô nhập khẩu chịu mức thuế suất từ 3% đến 25% nên ôtô sản xuất lắp ráp trong nước sẽ khó cạnh tranh.
Lý giải chi việc doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước phải chịu chi phí cao, ông Bùi Kim Kha, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) cho rằng, hiện nay, các nhà sản xuất ô tô Việt Nam vẫn phải nhập khẩu phần lớn các loại linh kiện vì chưa sản xuất được. Cùng với đó doanh nghiệp còn phải đóng mức thuế nhập khẩu linh kiện khá cao, từ 15% đến 25% tùy loại linh kiện. Đây là lý do khiến chi phí sản xuất ô tô tại Việt Nam cao hơn nhiều so với Thái Lan và Indonesia.
Tuy nhiên, điều này sẽ tạo nên một nghịch lý là trong khi chủ trương chung là khuyến khích nội địa hoá, công nghiệp phụ trợ thì các doanh nghiệp lắp ráp ô tô lại muốn giảm thuế linh kiện nhập khẩu. Nó chẳng khác nào một sự thừa nhận thất bại của chính sách nội địa hoá.
Tự cứu lấy mình
Thực ra, chính sách thuế liên quan đến nhập khẩu ô tô đã có lộ trình từ trước nhưng rõ ràng không thấy được sự chủ động của các doanh nghiệp. Và như thường lệ, VAMA đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ bày tỏ quan ngại về một số quy định mới với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ôtô tại Nghị định số 116/2017 có hiệu lực từ ngày 17/10/2017.
Một số ý kiến cho rằng, những quy định mới của Nghị định 116 dường như là một cách bảo vệ cho ô tô lắp ráp trong nước, ngăn chặn làn sóng xe nhập có thể ồ ạt vào Việt Nam kể từ năm 2018. Cho dù thuế nhập khẩu có về 0% thì ô tô ngoại cũng khó tràn vào Việt Nam. Nhưng cùng với đó, các chuyên gia kiến nghị, việc miễn thuế nhập khẩu linh kiện ô tô chỉ nên áp dụng cho các linh kiện, phụ tùng mà Việt Nam chưa sản xuất được như động cơ, hộp số. Còn những linh kiện, phụ tùng ô tô đơn giản mà Việt Nam đã sản xuất được thì ngược lại cần phải tăng thuế cao.
Một điều khá lạ là trong khi VAMA và các doanh nghiệp có “thâm niên” trong ngành ô tô lên tiếng “tố khổ” thì một tân binh với nhiều tham vọng là VinFast lại đang âm thầm đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy, tuyển dụng và đào tạo nhân lực; nghiên cứu chọn lựa các giải pháp công nghệ cho dòng xe đầu tiên sẽ ra mắt vào cuối năm 2018 – với xe máy điện và cuối năm 2019 – với xe ô tô. VinFast đặt mục tiêu sản xuất 100.000 xe trong năm đầu tiên và 500.000 xe vào năm 2025.
Với tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 3,5 tỷ USD, VinFast hướng tới sẽ thành lập một trung tâm nghiên cứu ôtô có tầm cỡ tại khu vực Đông Nam Á nhằm nghiên cứu và chọn lựa các giải pháp công nghệ cho các dòng xe đầu tiên của nhà máy. Thông qua lĩnh vực sản xuất ôtô, xe máy, Vinfast mong muốn góp phần tạo động lực, thúc đẩy công nghiệp nặng, công nghiệp chế tạo, công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam phát triển.
Phải chăng VinFast đã có “lối đi” riêng của mình thay vì tập trung quá nhiều vào chính sách thuế- vốn được coi là “phao cứu sinh” của của các doanh nghiệp ô tô trước đây?
Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc tập đoàn Hyundai Thành Công Việt Nam: Ủng hộ đề xuất của Bộ Tài chính
Đề xuất của Bộ Tài chính về việc điều chỉnh thuế xuất nhập khẩu linh kiện ô tô về 0% là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với chiến lược phát triển ngành công nghiệp này đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Điều này cũng tạo sự công bằng đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc và các doanh nghiệp sản xuất linh kiện và lắp ráp trong nước và cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.
Có ba điểm quan trọng mấu chốt khi giảm thuế nhập khẩu llinh kiện về 0%: Thứ nhất, đáp ứng được mục tiêu đề ra về sản lượng sản xuất nói chung trong 5 năm. Thứ hai là đáp ứng được việc sản xuất các mẫu xe chiến lược theo từng năm theo quy hoạch và cuối cùng là giúp ngành công nghiệp này đạt được tỷ lệ nội địa hóa theo lộ trình đề ra.
Ông Nguyễn Tuấn, giám đốc công ty TNHH Thiên An Phúc: Cần áp thuế nhập khẩu linh kiện ô tô
Tôi không đồng tình với đề xuất này của Bộ Tài chính bởi việc áp thuế nhập khẩu linh kiện ô tô sẽ giúp bảo hộ ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Hơn nữa, mức thuế nhập khẩu đối với các linh kiện đã được chia theo từng loại. Đối với các linh kiện nhập mà ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có thể sản xuất được như lốp, ghế da, áp quy, gương, kính… thì mức thuế được đánh cao, từ khoảng 15% đến 25%. Cách đánh thuế này sẽ giúp tăng tỷ lệ nội địa hóa ngành ô tô.
|
Phan Nam
DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP
|