Chủ Nhật, 19/11/2017 10:28

Du lịch có thể thay thế được dầu thô?

Du lịch và những ngành dịch vụ liên quan đang có triển vọng đóng góp rất lớn cho ngân sách và tăng trưởng kinh tế, có thể bù đắp sự sụt giảm của sản lượng dầu thô.

Liên tục trong năm 2016 và 10 tháng năm 2017, ngành du lịch tăng trưởng mạnh mẽ cả về lượng khách lẫn doanh thu. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, năm 2016, ngành du lịch đạt "kỳ tích tăng trưởng" đón 10 triệu lượt khách quốc tế, tăng 25,4% và 62 triệu lượt khách nội địa. Tổng doanh thu từ khách du lịch đạt khoảng 400.000 tỉ đồng, tăng 18,6% so với năm 2015. Mười tháng năm 2017, có hơn 10,4 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm 2016.

Động lực mới của nền kinh tế

Hầu hết các thị trường khách đều tăng, trong đó Hàn Quốc tăng 53,9%, Trung Quốc tăng 45,6%, Nga tăng 38,3%, Hồng Kông tăng 37,1%... Thị trường châu Phi tiếp tục tăng 28,5% so với cùng kỳ năm 2016. Tại nội địa, khách du lịch nội địa 10 tháng đầu năm 2017 đạt 63,1 triệu lượt khách, trong đó có 30,5 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch đạt 417.400 tỉ đồng, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm 2016. Các ngành dịch vụ của Việt Nam cũng đã đã hưởng lợi với tăng trưởng đạt mức nhanh nhất kể từ năm 2013. Đặc biệt, ngành du lịch đã hỗ trợ cho các ngành vận tải và nhà ở khi ngành vận tải có mức tăng trưởng nhanh nhất trong 4 năm qua.

Hội An (tỉnh Quảng Nam) thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước mỗi năm Ảnh: Hoàng Triều

Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Việt Nam tháng 11-2017 của Ngân hàng HSBC, thời gian gần đây, Chính phủ áp dụng một số biện pháp tự do hóa để tạo điều kiện cho ngành du lịch tiếp tục phát triển. Cụ thể, năm 2016 lần đầu tiên Chính phủ tổ chức hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch và giới thiệu chương trình miễn thị thực cho 5 quốc gia ở châu Âu (Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Anh), thu hút lượng du khách từ châu Âu vào Việt Nam từ đầu năm đến nay tăng 21% so với năm trước. Chương trình này cũng đã được gia hạn đến năm 2018, hứa hẹn thu hút lượng khách rất lớn du lịch tới Việt Nam trong tương lai. Ngoài ra, từ đầu năm 2017, Việt Nam đã áp dụng quy trình cấp visa đơn giản cho công dân Trung Quốc, bao gồm thủ tục xin thị thực trực tuyến cho du khách Trung Quốc du lịch ngắn ngày và 3 ngày miễn thị thực cho du khách Trung Quốc nhập cảnh từ cửa khẩu Quảng Ninh. Dự báo, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam tiếp tục tăng và tới năm 2018 sẽ vượt qua con số 9 triệu du khách.

Ngành du lịch đang đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian gần đây. Cũng như nhiều nước khác trên thế giới, Chính phủ Việt Nam đã xác định mục tiêu khai thác, phát triển du lịch để tăng nguồn thu thay vì tận dụng khai thác tài nguyên khoáng sản hoặc phát triển các ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường.

Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã đề ra mục tiêu đến năm 2020, ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Mỗi năm thu hút được 17-20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỉ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỉ USD; tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp… Phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành kinh tế xanh phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Cần chính sách để bứt phá

Vậy làm sao để du lịch khai thác hết tiềm năng, phát triển bền vững và thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là động lực của ngành kinh tế? Mới đây, tại hội nghị các doanh nghiệp (DN) lữ hành, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết để duy trì tốc độ của thị trường khách quốc tế đến Việt Nam, ngành du lịch sẽ đổi mới cách thức, nội dung xúc tiến du lịch trong và ngoài nước theo hướng tập trung, chuyên nghiệp, hiệu quả; xây dựng các mô hình liên kết giữa những DN lữ hành với các đơn vị cung cấp dịch vụ để cùng phát triển thị trường, thành lập các nhóm khai thác thị trường chuyên sâu với những DN mạnh có vai trò dẫn dắt.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, trước hết cần xác lập rõ vai trò trung tâm, động lực của DN du lịch theo hướng loại bỏ những yếu tố cản trở, gây khó khăn cho DN, tạo hành lang pháp lý thông thoáng để DN cạnh tranh lành mạnh. Bên cạnh đó, có chính sách thiết thực tạo điều kiện cho ngành du lịch phát triển.

Ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Golden Travel, nhấn mạnh đến việc cần phải có sự hỗ trợ hiệu quả và có tâm hơn từ các cơ quan, ban ngành của nhà nước. Không thể trong khi Tổng cục Du lịch trải thảm mời khách đến Việt Nam nhưng các đầu mối khác lại gây phiền hà. Ví dụ như thủ tục xuất nhập cảnh cần nhanh gọn với thái độ niềm nở thì ngành giao thông vận tải hỗ trợ khách trong việc ưu tiên phân luồng giao thông để khách không cảm thấy ức chế trước cảnh lộn xộn trên đường. Các công ty lữ hành cần tương hỗ nhau về nhân sự, sản phẩm và tránh bán phá giá vì cạnh tranh không lành mạnh để giành khách của nhau.

Nhà nước cũng đầu tư hơn nữa trong truyền thông quảng bá du lịch Việt Nam qua các kênh quốc tế, sự kiện văn hóa tại nước ngoài, tuần Việt Nam ở nước ngoài, tọa đàm… nhằm tiếp cận các DN du lịch uy tín và khách nước ngoài. Mời các đoàn làm phim uy tín quốc tế đến Việt Nam để truyền thông ra thế giới, mời các hãng du lịch lớn quốc tế đến Việt Nam khảo sát… 

Ông Trần Văn Long, Tổng Giám đốc Công ty CP Truyền thông Du lịch Việt:

Không đầu tư làm sao phát triển

Ngành du lịch được ví như con gà đẻ trứng vàng, vậy muốn nhặt trứng vàng thì phải chăm sóc con gà tật tốt. Cốt lõi của vấn đề phát triển ngành du lịch nằm ở con người và nếu không được đầu tư thì không thể phát triển được, tiềm năng vẫn mãi là tiềm năng. Chúng ta chưa có bộ máy quy hoạch phát triển du lịch đồng bộ, đào tạo con người làm du lịch đúng chuẩn. Muốn ngành du lịch phát triển mạnh thì trước hết phải có những DN mạnh hoạt động trong ngành. Phải đầu tư, đào tạo, hướng dẫn, hỗ trợ để xây dựng những DN mạnh, đủ khả năng cạnh tranh.

Bản thân chúng tôi đã đổ rất nhiều nguồn lực vào việc kinh doanh nhưng đến nay vẫn thiếu vốn, khó phát triển thêm. DN du lịch chưa có được cơ chế hỗ trợ vay vốn ưu đãi như các ngành trọng yếu, chúng tôi cũng không có nhà xưởng, máy móc làm tài sản thế chấp nên khó tiếp cận các ngân hàng để vay vốn. Trong khi đó, nếu muốn, ngân hàng có thể dễ dàng kiểm soát được tài chính của DN du lịch để quyết định cho vay và cân nhắc gói vay.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty Dã ngoại Lửa Việt:

Thay đổi thói quen, cách làm

Lâu nay, ngành du lịch phát triển tự phát, vai trò của nhà nước mờ nhạt; nếu tạo được môi trường cạnh tranh minh bạch, thúc đẩy thật sự thì khả năng sẽ tăng trưởng gấp 2-3 lần hiện tại. Hiện chưa có điều tra xã hội học nào để trả lời câu hỏi vì sao khách du lịch đến Việt Nam tăng, họ cần gì, mong muốn gì ở du lịch Việt Nam và có nguyện vọng quay lại không, vì sao? Cái cần làm bây giờ là thay đổi thói quen, thay đổi cách làm chứ không nên làm du lịch theo tư duy, lối mòn cũ.

Ngành du lịch phải làm dịch vụ theo chất lượng của người Nhật, phục vụ niềm nở ân cần như người Đài Loan…Sự thay đổi bắt đầu từ lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo DN và truyền cảm hứng cho người dân, nhân viên. Nếu không thay đổi, mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn sẽ khó thành hiện thực mà không khéo ngược lại, đây sẽ là mũi nhọn giải ngân.

Ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Golden Travel:

Đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng

Lợi thế của ta là tài nguyên du lịch, gồm cả thiên nhiên và nhân văn, rất phong phú nên theo tôi, cần thiết lập các liên minh liên kết giữa các tuyến điểm du lịch. Bên cạnh đó là hỗ trợ các điểm đến, các nhà cung cấp dịch vụ về các quy định trong ứng xử du lịch, đào tạo nhân sự. Cần có đội ngũ những người làm du lịch được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp chứ không chụp giật như thực tế đang diễn ra ở nhiều nơi hiện nay. Đầu tư hơn nữa cho cơ sở hạ tầng như đường sá dẫn đến điểm du lịch, có nhiều điểm dừng chân với nhà vệ sinh đạt chuẩn 4-5 sao vì với du khách đến từ các nước phát triển thì nhà vệ sinh hết sức quan trọng nên càng chú trọng càng ghi điểm.

Th.Nhân - Y.Anh ghi

Phương An - Yến Anh

NGƯỜI LAO ĐỘNG

Các tin tức khác

>   “Lối” nào cho ô tô Việt? (19/11/2017)

>   Sức nóng cuộc đua nhượng quyền thức ăn đường phố (18/11/2017)

>   TP.HCM có nhất thiết thành siêu đô thị 15-20 triệu dân? (18/11/2017)

>   Huy động chuyên gia Hàn Quốc tìm nguyên nhân nứt dầm thép cầu Vàm Cống (17/11/2017)

>   Thống đốc Lê Minh Hưng: Sử dụng bitcoin là không hợp pháp (16/11/2017)

>   Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói gì về TPP mới? (16/11/2017)

>   Chi bao nhiêu cho một khách VIP đến Việt Nam mỗi ngày? (16/11/2017)

>   Sân bay Tân Sơn Nhất tính giá giữ xe theo giờ (16/11/2017)

>   Hàng loạt doanh nghiệp nhập khẩu ô tô bị truy thu thuế trăm tỷ (15/11/2017)

>   Bộ Công an mở rộng điều tra vụ VN Pharma (15/11/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật