Bị khủng bố đòi nợ vì làm 'tham chiếu' vay tiền
Không thiếu nợ ai nhưng nhiều người luôn bị gọi điện thoại gọi đêm ngày với những lời lẽ khó nghe để đòi nợ, bởi được người đi vay tiền đưa vào danh sách tham chiếu.
Các số điện thoại dùng để "khủng bố" ông Ngô Phương Tiệp - Ảnh: QUANG ĐỊNH
|
Thời gian gần đây, nạn nhân của những vụ "khủng bố" này liên tục gọi tới đường dây nóng báo Tuổi Trẻ than phiền bị gọi điện thoại đòi nợ suốt ngày đêm. Có những trường hợp không hề có dính líu gì với người đi vay nhưng rất phiền toái.
Có trường hợp chịu hết xiết, nạn nhân phải đổi số điện thoại.
Dùng 200 số điện thoại để "khủng bố"
Ông Ngô Phương Tiệp (Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết ông có một số điện thoại mạng Viettel từ năm 2011 và chỉ dùng khi đi nước ngoài. Mấy tháng nay, có nhiều người xưng là người của Công ty Home Credit liên tục gọi đến đòi tiền.
"Họ khẳng định tôi là ông Lâm Văn Hiền, cha của anh Lâm Văn Lít nào đó. Anh Lít nợ họ mấy trăm ngàn đồng, họ yêu cầu tôi phải trả.
Dù tôi liên tục giải thích cho họ mình không phải là ông Lâm Văn Hiền, nhưng họ không buông tha mà liên tục "khủng bố" tôi bất kể ngày đêm, kể cả thứ bảy, chủ nhật" - ông Tiệp bức xúc.
Giải thích không ăn thua, ông Tiệp đối phó bằng cách mở máy điện thoại lên rồi để đó không nghe, khi đầu dây bên kia cúp máy thì ông chặn số. Nhưng chặn số này thì họ gọi bằng số khác, đến nay danh sách chặn lên khoảng 200 số điện thoại.
"Lần nào họ cũng chất vấn tôi tại sao có nợ mà không dám nhận. Thực sự tôi không có nợ nần. Tôi cũng không hiểu tại sao số điện thoại mình lại được đưa vào danh sách tham chiếu cho một người khác vay nợ?" - ông Tiệp thắc mắc.
Tương tự, cuộc sống của anh Nguyễn Thành Huy (Tây Ninh) cũng đảo lộn bởi các cuộc gọi đòi món nợ không phải của mình.
Anh Huy cho biết một người bạn của anh vay Công ty FE Credit 30 triệu đồng, lấy số của anh để cung cấp cho công ty.
Lúc cung cấp, người bạn chỉ nói với anh là chuyện này làm theo thủ tục, khi công ty có gọi thì xác nhận là bạn là được. Nghĩ chuyện đơn giản nên anh đồng ý. Thế nhưng sau đó người bạn này gặp khó khăn không trả nợ đúng hẹn, anh bị công ty liên tục "khủng bố" bằng điện thoại.
"Mỗi ngày họ gọi trung bình 20-30 cuộc, ít nhất cũng 10 cuộc/ngày. Ban đêm, khi tôi đang ngủ họ cũng gọi. Tôi khẳng định với họ là mình không thiếu nợ, nhưng họ nói ngang là "anh không thiếu nhưng bạn anh cho số này nên anh phải có trách nhiệm kêu bạn anh trả. Nếu không trả tui gọi hoài". Đến giờ thấy các số lạ là tôi không dám bắt máy" - anh Huy than vãn.
Xin lỗi rồi vẫn gọi
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Công ty Home Credit cho biết sau khi nhận được phản ảnh, công ty đã yêu cầu xóa số của ông Tiệp khỏi hệ thống và sẽ không gọi cho ông Tiệp nữa.
Theo vị đại diện này, công ty quy định khi khách hàng điền vào đơn đề nghị vay vốn sẽ được yêu cầu ghi tên của 2-3 người thân để công ty có thể liên hệ trong những lúc không gọi được khách hàng.
Việc điền thông tin đòi hỏi sự trung thực và việc kiểm tra thông tin mà khách hàng khai báo được thực hiện ngẫu nhiên.
Trong khi đó, phía FE Credit cho biết đã loại bỏ số điện thoại của anh Huy, đồng thời xin lỗi khách hàng có số tham chiếu.
Công ty này còn khẳng định các cuộc điện thoại đều được ghi âm, trong trường hợp có những cuộc gọi được phản ảnh sai với quy chế của công ty hoặc quy định của pháp luật thì FE Credit đều cho kiểm tra xác minh lại và có biện pháp kỷ luật với những hành vi sai trái.
Tuy nhiên, khi Tuổi Trẻ liên hệ với anh Nguyễn Thành Huy lại được biết dù đại diện Công ty FE Credit có gọi điện xin lỗi và nói đã loại bỏ số điện thoại của anh khỏi hệ thống từ ngày 6-11, nhưng ngày 7-11 anh vẫn tiếp tục nhận được điện thoại đòi nợ.
Khi anh thắc mắc thì được trả lời là họ thuộc bộ phận khác, nhiệm vụ của họ là phải thu hồi khoản nợ.
Cần làm rõ khái niệm "người tham chiếu"
Theo luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM), thông tư 43 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ ngày 15-3-2017 quy định công ty tài chính khi áp dụng biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phải phù hợp với đặc thù của khách hàng và quy định của pháp luật.
Trong đó, thời gian nhắc nợ trong khoảng từ 7h-21h, không bao gồm biện pháp đe dọa.
Luật sư Trần Xoa (giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang) cho rằng cần làm rõ khái niệm "người tham chiếu", liệu họ có trách nhiệm gì với khoản nợ của người vay?
Theo ông Xoa, qua những phản ảnh về các cuộc "khủng bố" bằng điện thoại cho thấy những người bị đưa vào danh sách tham chiếu mang tính chất như người "bảo lãnh".
Theo đúng nguyên tắc, những người này phải đồng ý, thậm chí phải ký giấy xác nhận. Nếu không thì các công ty không được gọi điện truy đòi như vậy.
Ông Xoa đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần có quy định rõ về vấn đề này, bởi thời gian qua số lượng người than phiền bị các công ty tài chính "khủng bố" để đòi nợ rất nhiều.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết Ngân hàng Nhà nước TP ghi nhận những phản ảnh của khách hàng và sẽ đề nghị cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước có biện pháp kiên quyết với các công ty tài chính nếu các công ty này vi phạm quy định.
Chưa có quy định xử lý
Luật sư Hà Hải cho rằng bản chất của sự việc đòi nợ liên tục những người tham chiếu là "khủng bố", làm phiền người không vay.
Đến thời điểm hiện nay, chưa có quy định về việc xử lý các trường hợp này. Nhưng người bị khủng bố có thể vận dụng quy định pháp luật tương tự để đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Ví dụ, nếu họ cho rằng các cuộc gọi đòi nợ có tính chất tăng nặng như hù dọa, chất vấn, có lời nói mang tính xúc phạm, lăng nhục, lặp lại liên tục, đặc biệt không phải với người vay, ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, cuộc sống gia đình thì có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền vào cuộc xác minh làm rõ.
Về phía cơ quan có thẩm quyền, khi có đơn đề nghị phải xác minh xem trường hợp này thì phải răn đe nhắc nhở. Trên cơ sở hồ sơ đó, người bị "khủng bố" có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại.
|
MINH THÀNH
Tuổi trẻ
|