Thứ Sáu, 20/10/2017 09:48

Hoen ố danh tiếng “Made in Japan”

Các sản phẩm công nghiệp của Nhật Bản, gắn mác Made in Japan, lâu nay đã tạo được uy tín về chất lượng và độ tin cậy. Song, danh tiếng này đang bị xói mòn vì hàng loạt những vụ bê bối làm giả dữ liệu của các công ty Nhật trong thời gian qua.

Ông Hiroya Kawasaki, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Kobe, cúi đầu xin lỗi khi trả lời với báo chí hôm 12-10 ở Tokyo. Ảnh: Reuters

Tuần trước, dư luận Nhật Bản và cả thế giới đã rúng động sau khi tập đoàn sản xuất thép Kobe thừa nhận đã làm giả dữ liệu về độ bền của một số sản phẩm nhôm và đồng. Điều đáng nói là các vật liệu này được sử dụng trong các lĩnh vực quan trọng như chế tạo ô tô, máy bay, tàu cao tốc, thậm chí cả tên lửa.

Nhân viên của tập đoàn lẽ ra phải tiến hành thử nghiệm sản phẩm để đảm bảo chúng đáp ứng các tiêu chuẩn đặc biệt theo yêu cầu của khách hàng. Song, theo thừa nhận của công ty, các cuộc thử nghiệm nhiều khi đã không được thực hiện. Hoặc có trường hợp các nhân viên tự điền vào các kết quả giả mạo để cho sản phẩm đạt các thông số kỹ thuật đề ra, trong khi thực tế không phải như vậy.

Theo công bố của Kobe, điều tra nội bộ cho thấy dữ liệu đã được làm giả cho khoảng 19.300 tấn sản phẩm nhôm, 2.200 tấn sản phẩm đồng và 19.400 sản phẩm đúc nhôm. Các sản phẩm này được giao cho khách hàng từ tháng 9-2016 đến tháng 8-2017. Song theo tiết lộ của tập đoàn này, hành vi làm giả dữ liệu có thể đã xuất hiện từ cách đây 10 năm.

Cho đến nay, ít nhất sáu nhà sản xuất ô tô nổi tiếng của Nhật, gồm Toyota, Mitsubishi Motors, Subaru, Mazda, Nissan và Honda đều cho biết họ có sử dụng vật liệu bị làm giả dữ liệu của Kobe Steel.

Lãnh đạo cấp cao của Kobe Steel, ông Yoshihiko Katsukawa cuối tuần trước cho biết, đến nay có tổng cộng khoảng 500 công ty bị ảnh hưởng trong vụ bê bối trên, cao hơn so với con số 200 được thông báo trước đó. Ông cho biết, trong hai tuần tới sẽ công bố kết quả điều tra về độ an toàn của sản phẩm đã được giao cho khách.

Bê bối của tập đoàn thép Kobe chỉ là vụ việc mới nhất trong hàng loạt xì căng đan liên quan đến gian lận và giả mạo dữ liệu, đang làm lu mờ uy tín của ngành công nghiệp Nhật Bản.

Tháng 2-2017, hãng sản xuất túi khí ô tô Takata thừa nhận đã nói dối khách hàng để họ mua các sản phẩm bị lỗi, gây nguy hiểm tới tính mạng. Vụ bê bối trên đã khiến hãng sản xuất túi khí lớn nhất thế giới này bị phá sản.

Tháng 3, hãng lốp xe Toyo Tire & Rubber cũng nhận lỗi vì làm giả dữ liệu về cao su, được dùng cho các tòa nhà có khả năng chống động đất.

Hãng xe Nissan đã phải thu hồi mọi chiếc xe mới bán tại Nhật Bản trong ba năm qua sau khi bị phát hiện làm giả số liệu về kiểm tra an toàn.

Cả hai tập đoàn Suzuki Motor và Mitsubishi Motors cũng phải đối mặt với những vụ tai tiếng về độ chính xác của số liệu trong các cuộc thử nghiệm tiết kiệm nhiên liệu trên các phương tiện của họ.

Năm 2016, Shinko Wire, công ty con của Kobe Steel, đã thổi phồng dữ liệu về độ bền chắc của sản phẩm dây thép không gỉ.

Tập đoàn Toshiba cho đến giờ vẫn đang phải đương đầu với một vụ xì căng đan về kiểm toán, dẫn tới nhiều sai phạm trong Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO).

Lãnh đạo của Kobe Steel cho biết, trong vòng một tháng nữa công ty sẽ công bố nguyên nhân dẫn tới vụ giả mạo số liệu đang gây xôn xao dư luận vừa qua. Song, theo các chuyên gia, nguyên nhân gốc rễ dẫn tới hiện tượng này là việc các nhà sản xuất Nhật Bản đang không đạt được các tiêu chuẩn hiện đại khi họ phải vật lộn với thị trường nội địa đang thu hẹp và cạnh tranh toàn cầu gia tăng.

Khi nền kinh tế thế giới hoạt động theo cơ chế thị trường, thay vì các thỏa thuận dựa trên mối quan hệ thân thiết trước đây, các nhà sản xuất Nhật Bản bắt đầu phải cạnh tranh về giá cả và khách hàng.

“Sự cạnh tranh toàn cầu gia tăng đã buộc các nhà sản xuất Nhật phải cắt giảm chi phí để có hiệu quả hơn, đồng thời vẫn phải hoàn thành chỉ tiêu sản xuất, mà thường rất khó đạt được” - Motokazu Endo, luật sư của văn phòng luật Tokyo Kasumigaseki, nhận định với hãng tin Reuters.

Ông Hiroshi Osada, chuyên gia về chất lượng sản phẩm, Giáo sư Đại học Bunkyo, nói: “Việc đặt ra các mục tiêu là tốt, song nó đã đi quá xa, Với các công ty không thể đạt được mục tiêu của mình, họ phải viện đến sự lừa dối”.

Ngoài ra, nền kinh tế Nhật Bản đã phải chịu tình trạng trì trệ trong nhiều thập kỷ qua, bị sa lầy trong giảm phát, dân số thì co lại, trong khi sự cạnh tranh ngày từ các nước láng giềng châu Á ngày một gia tăng. Những áp lực này đã làm giảm khả năng cạnh tranh của các công ty Nhật.

“Nhật Bản sẽ phải đối mặt với nguy cơ thua cuộc khi các nền kinh tế châu Á khác, bao gồm Trung Quốc, dần dần nâng cao chất lượng và độ tin cậy trong các sản phẩm của họ” - Giáo sư Thomas Clarke, một chuyên gia về quản trị doanh nghiệp tại Đại học Công nghệ ở Sydney, nói với Reuters. 

Minh Đức

Thời báo kinh tế Sài Gòn

Các tin tức khác

>   Sẽ sửa luật, ban hành thủ tục về phạt nguội (20/10/2017)

>   Chốt phương án lịch nghỉ 2 ngày trước Tết Mậu Tuất 2018 (19/10/2017)

>   TPHCM sẽ ngưng thu tiền điện tại nhà (19/10/2017)

>   Khu dân cư công nghệ cao của Alphabet ở Toronto sẽ có gì? (18/10/2017)

>   Bạn sẽ xài xăng E5 vì 'chất' hay vì giá? (18/10/2017)

>   'Chợ sỉ Đàm Vĩnh Hưng' đổi chủ (18/10/2017)

>   Truy xuất nguồn gốc thịt heo đã 'thất thủ'? (18/10/2017)

>   Siêu thị tha thiết xin được xuất hóa đơn đỏ (18/10/2017)

>   Du lịch hành hương: Những ngôi đền ngàn năm tuổi tại Koyasan - Nhật Bản (18/10/2017)

>   Sức mua giảm, giá rau vẫn tăng mạnh (17/10/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật