Thứ Tư, 18/10/2017 08:10

Du lịch hành hương: Những ngôi đền ngàn năm tuổi tại Koyasan - Nhật Bản

“Mắt các vị không nên mở cũng không nên khép chặt, chỉ lim dim thôi, như đức Phật vậy”, một nhà sư giảng giải cho nhóm du khách 15 người đến từ Mỹ, châu Âu và Australia đang tham gia lớp thiền dành riêng cho các vị khách nói tiếng Anh tại ngôi đền tồn tại gần 1,100 năm tuổi ở Koyasan – một thị trấn nằm bên ngọn núi thiêng Koya, Nhật Bản.

Koyasan hiện là một trong những điểm đến hàng đầu dành cho các đoàn hành hương Phật giáo ở Nhật Bản, và được xem là một trong những địa điểm linh thiêng nhất ở Xứ sở mặt trời mọc này.

Cách đây 1,200 năm, nơi này được nhà sư Kobo-Daishi chọn làm trụ sở chính của Phật giáo Mật tông vì có hình dáng giống như một đóa hoa sen – một thung lũng không sâu nằm trong lòng một ngọn núi. Tôn giáo có từ thời nhà Đường này nhấn mạnh vào những nghi lễ hàng ngày như là một phương tiện để đạt được sự khai sáng theo cách thực tế và tức khắc, đồng thời phát triển những gì mà một số nhà sư gọi là “tánh Phật”. Qua nhiều thế kỷ, nơi khai sinh ra tôn giáo này ngày càng trở nên hấp dẫn hơn đối với nhiều du khách không theo đạo Phật, những người đến để tìm kiếm các ngọn núi, sự thanh bình, lịch sử hay chỉ là một sự kết nối ngắn ngủi với sự thần bí của thời trước.

Ngọn núi này có tổng cộng 52 shukubo, những ngôi đền trước đây chỉ cung cấp chỗ nghỉ qua đêm cho các đoàn hành hương. Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, khi các ngôi đền ở Nhật Bản và những nơi khác bắt đầu gặp khó khăn về tài chính do nguồn công đức từ khách cúng dường ngày càng ít đi thì giải pháp tự nhiên là “mở cửa rộng hơn một chút” để chào đón du khách muốn tìm hiểu về Phật giáo.

Ngày nay, hầu hết các nơi này đều tiếp đón các vị khách không phải đến để hành hương. Với giá từ 80 USD đến 150 USD/đêm/người, khách có thể ngủ trên một tấm chiếu rơm tatami trải trên sàn của một phòng khách truyền thống ở một ngôi đền 1,000 năm tuổi, thưởng thức những món chay của các nhà sư, cùng tham gia các buổi thiền và cầu nguyện của họ. Một số ngôi đền còn quảng cáo có lớp chép kinh, xem các nhà sư làm cỏ những khu vườn bên dưới hay tắm suối nước nóng.

Koyasan chỉ cách Kyoto khoảng 86 dặm. Từ Kyoto, có thể đến bằng xe lửa sau khi vượt qua những nhà máy năng lượng, nhà kính, thị trấn nhỏ, vườn cây yuzu và các sân quần vợt bằng cỏ. Ở chân núi, du khách có thể đi bằng cáp treo lên đỉnh, rồi sẽ được xe buýt đưa vào trung tâm Koyasan.

Koyasan trở thành di sản thế giới của UNESCO vào năm 2004 (như là một phần của thánh địa Kii), và kể từ đó, số du khách nước ngoài hàng năm đến đây đã tăng gấp bốn lần.

Đến Eko-in (một phần của khu phức hợp Danjo Garan), du khách sẽ được một nhà sư hướng dẫn nơi cất giày và cho mượn đôi guốc gỗ để đi lại trong suốt thời gian lưu lại. Các phòng ở đây đều được trang bị tivi, lò sưởi, điện thoại và wifi.

Các nhà sư thực hiện nghi lễ buổi sáng tại Danjo Garan

Vào sáng sớm, trước khi được dùng bữa sáng, khách của ngôi đền này sẽ được mời tham dự buổi cầu nguyện sáng và lễ đốt lửa hàng ngày. Chương trình được in ra để sẵn trong phòng yêu cầu du khách không dùng máy chụp ảnh có đèn flash và cảnh báo: “Buổi lễ sáng và nghi lễ đốt lửa không phải là một cuộc trình diễn nhằm thu hút du khách, các nhà sư phải làm điều này mỗi ngày để bày tỏ sự biết ơn dành cho các vị thánh Phật giáo”.

Khi màn đêm buông xuống, nếu có nhu cầu, khách sẽ được tham gia vào một chuyến thăm Okunoin, nghĩa địa lớn nhất Nhật Bản. Một nhà sư sẽ dẫn khách qua các lối đi được thắp sáng bằng đèn lồng, và cung cấp thông tin về các ngôi mộ rêu phong của những nhân vật quan trọng đang yên nghỉ tại đây, như nhà phát minh Kabuki, hay người sáng lập ra tập đoàn Panasonic.

Các nhà sư tại Danjo Garan

Còn tại Shojoshin-in, những phương tiện cập nhật như tivi và internet đều có mặt ở tất cả các phòng dành cho khách. Một vài cửa hàng tiện lợi và một máy bán bia cũng có mặt tại con đường chính trong thị trấn. Dù vậy, Koyasan không hề mất đi sự kỳ diệu của nó.

Một phòng dành cho thiền tại đền Eko-in

Nhã Thanh

FiLi

Các tin tức khác

>   Sức mua giảm, giá rau vẫn tăng mạnh (17/10/2017)

>   H&M, Zara “tổng tấn công” thị trường Hà Nội (16/10/2017)

>   Coi chừng dính yến huyết giả (16/10/2017)

>   Sacombank chấp thuận thanh toán bằng QR (14/10/2017)

>   Sài Gòn… “bao hết”…! (17/10/2017)

>   Vinamilk dẫn đầu bảng xếp hạng quảng cáo YouTube khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (13/10/2017)

>   Thu phí du khách: UBND TP HCM phê bình giám đốc Sở Du lịch (12/10/2017)

>   TP.HCM sẽ chấm dứt việc CSGT ra đường bắt vi phạm (12/10/2017)

>   Muốn nhập tịch ở Vanuatu? Chỉ cần bỏ ra 44 Bitcoin! (12/10/2017)

>   Vacheron Constantin ra mắt mẫu đồng hồ mới lấy cảm hứng từ thập kỷ 1940 (12/10/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật