Bạn sẽ xài xăng E5 vì 'chất' hay vì giá?
Trạm xăng "chuẩn Nhật" bán rẻ hơn 200 đồng/lít, dĩ nhiên khách hàng đến vì "chất". Còn xăng E5 dù bị chê tả tơi nhưng 2 tháng nữa sẽ thay thế A92. Bạn có xài E5 nếu giá rẻ hơn?
Xăng E5 bơm vào xe bồn để đưa đến các đại lý bán lẻ trên địa bàn TP.HCM - Ảnh: HỮU KHOA.
|
Bắt đầu từ 1-1-2018 khi đi mua xăng người tiêu dùng chỉ còn 2 lựa chọn: xăng khoáng A95 và xăng sinh học E5, thay thế cho xăng A92 bị xóa sổ.
Xăng sinh học E5 thực ra là hỗn hợp giữa 95% xăng khoáng A92 pha với 5% cồn sinh học ethanol.
Loại xăng E5 này được cho là phù hợp với động cơ của các loại xe lại vừa bảo vệ môi trường hơn so với xăng khoáng, vì thế đang được khuyến khích sử dụng.
Dù vậy, trong thời gian qua, khi đưa ra thị trường, người tiêu dùng đã chê và quay lưng lại với sản phẩm sinh học này khi chất lượng bị nghi ngờ gây ra sự hỏng hóc động cơ.
Nhưng chỉ còn hơn 2 tháng nữa người tiêu dùng sẽ phải lựa chọn hoặc xăng A95 (có giá cao) và xăng E5 (có giá thấp).
Dù vậy, ở thời điểm hiện tại, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp vẫn lo xăng E5 bị ế và xóa sổ xăng A92 sẽ chỉ khiến cho người tiêu dùng chỉ còn một chọn lựa là xăng A95. Vậy là nhu cầu xăng khoáng sẽ bị đẩy lên cao hơn nữa.
Vậy để khuyến khích người dân dùng xăng E5, mấu chốt của vấn đề ngoài chất lượng còn là giảm giá hơn nữa?
Mà mấu chốt để giảm giá xăng lại chính là mức thuế đánh vào nguyên liệu để phối trộn xăng sinh học là ethanol..
Ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Petrolimex, cho biết hiện lượng xăng E5 được tiêu thụ trong hệ thống Petrolimex chỉ chiếm 5-7%, vì thế khi bỏ xăng A92, thay bằng xăng E5, với lượng tiêu thụ xăng lên tới 3 triệu m3/năm, cần phải có nguồn cung ethanol ổn định.
Ông Lý Quang Thái, Chủ tịch Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam, nhấn mạnh hiện các nhà máy sản xuất ethanol đều lấy khoai mì làm nguyên liệu chính.
Hiện tại, do nhu cầu nhập khẩu khoai mì của Trung Quốc thấp nên giá khoai mì Việt Nam đang thấp, đủ để sản xuất ethanol bán với giá 13.200 đồng/lít. Thế nhưng sắp tới nếu nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu này từ Trung Quốc gia tăng thì giá ethanol cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Do đó, ông Lý Quang Thái đề nghị cần có quy định mức giá trần và giá sàn của khoai mì để ổn định nguyên liệu cho sản xuất cồn và đảm bảo lợi ích người nông dân.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng, việc thay thế xăng không chỉ là vấn đề kinh tế, kỹ thuật mà còn tác động đến đông đảo người tiêu dùng.
Ông Hùng cũng cho rằng mức chênh lệch giá xăng E5 và xăng RON 92 hiện chưa đủ khuyến khích để người dân dùng E5.
Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng E5 là 2.850 đồng/lít, xăng khoáng là 3.000 đồng/lít.
Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng E5 vẫn là 8%, trong khi xăng khoáng là 10%.
Theo ông Nguyễn Lộc An (Bộ Công thương), từ 1-1-2018 nếu thuế môi trường tăng, giá xăng sinh học chênh với giá xăng A95 khoảng 1.200 - 1.500 đồng/lít.
Nếu cộng các chi phí, giá xăng E5 sẽ thấp hơn xăng A92 trên 1.000 đồng/lít, phần nào khuyến khích người dân sử dụng.
|
Ở TP.HCM, việc triển khai bán xăng E5 đã được thực hiện từ ngày 01-12-2014 với 58 cửa hàng xăng dầu, chiếm 11,19%.
Đến ngày 31-08-2017 đã 240 trong tổng số 533 cửa hàng xăng dầu tham gia phân phối, đạt tỉ lệ 45%.
Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ bình quân chỉ đạt 8.053 mét khối mỗi tháng, chiếm 6,2% tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu, giảm 3,3% so thời điểm tháng 10/2016.
Lý do đầu tiên được cho là thói quen tiêu dùng, lý do thứ hai chính là chênh lệch giá bán giữa xăng E5 và A92 chỉ 270 đồng/lít.
Người bán cũng chẳng mặn mà vì doanh thu xăng E5 thấp do tiêu thụ chậm, tồn kho nhiều, hao hụt lại cao dẫn tới lợi nhuận ít.
|
Ngọc An
Tuổi trẻ
|