Thứ Tư, 18/10/2017 09:03

Truy xuất nguồn gốc thịt heo đã 'thất thủ'?

Có 5 bước để truy xuất nguồn gốc của thịt heo khi vào TP.HCM, tuy nhiên trước áp lực của thương lái chuyện truy xuất heo đeo vòng đã 'thất thủ'.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa (phải) - phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM đối thoại với thương lái heo ở chợ đầu mối Bình Điền - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ngay trong ngày đầu tiên áp dụng lệnh cấm với heo không đeo vòng truy xuất, rạng sáng 16-10 hai chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn (TP.HCM) đều "thất thủ", buộc phải xả cửa cho hàng ngàn con heo không đeo vòng vào chợ trước áp lực của thương lái.

Heo nhiều, truy xuất ít

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, phó ban quản lý đề án truy xuất - xuất hiện đối thoại và thông báo "dỡ bỏ lệnh cấm", cho tất cả heo vào chợ.

Theo ông Lê Văn Tiển, Phó giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn, ngay từ lô heo thứ 2 nhập chợ đã bị phát hiện không đầy đủ thông tin truy xuất.

"Khi nghe heo bị giữ lại, thương lái và thương nhân gọi đến "cháy máy" do lo ngại sẽ không có thịt cho mối, thậm chí bị thua lỗ nặng vì khách hàng mua của người khác", ông Tiển nói.

Số liệu tổng kết sáng cùng ngày, trong số 5.046 con heo về chợ Hóc Môn chỉ có 1.218 con (tương ứng 24%) có đeo vòng, trong đó có 910 con được giết mổ tại TP.HCM và 308 con từ các tỉnh đưa về, dù lượng heo của các tỉnh chiếm 65-70% lượng heo nhập chợ.

Tại chợ đầu mối Bình Điền, số lượng heo đủ thông tin truy xuất chỉ có 315 con, tương đương 23% tổng lượng heo về chợ.

Giá heo hiện đã giảm, chỉ còn khoảng 2 đến 2,2 triệu đồng mỗi tạ, vì thế từ nông dân đến tiểu thương và thương lái đều cho rằng nếu TP.HCM "cấm cửa" thì "tất cả đều chết".

Hiện tại, mỗi ngày TP.HCM tiêu thụ khoảng hơn 10.000 con heo, và số lượng này chủ yếu tập trung vào hai chợ đầu mối là Hóc Môn và Bình Điền.

Theo ông Lê Văn Tiển, nếu áp dụng nghiêm quy định truy xuất, khoảng 76% heo trong hơn 5.000 con sẽ không được vào chợ Hóc Môn, ảnh hưởng lớn đến nguồn cung và giá thịt.

"Lượng heo được giết mổ từ các địa phương khác chiếm tỉ lệ lớn trong số heo về chợ này, rất khó kiểm soát thông tin truy xuất", ông Tiển thừa nhận.

Một thương lái tên Hải từ Bến Tre cho biết muốn mua được vòng truy xuất người chăn nuôi bị làm khó như phải nộp thuế, phí môi trường cả triệu đồng mới được địa phương cấp giấy rồi mới mua được vòng.

Chưa kể hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng rất khó mua vòng truy xuất do số lượng ít.

"Nhiều thương lái phải bắt heo công ty hay trang trại lớn để có vòng truy xuất, người chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ khó bán được heo", ông Hải nói.

Ngoài ra, theo các thương lái, phần mềm kích hoạt truy xuất chỉ tương tác trên điện thoại có hệ điều hành Android nên rất hạn chế trong việc kích hoạt, đặc biệt ở trại nuôi.

Trong khi đó, một đại diện chợ đầu mối Bình Điền khẳng định chính cán bộ thú y và chủ lò mổ ở tỉnh không phối hợp hỗ trợ kích hoạt vòng truy xuất màu trắng khi heo ra khỏi lò.

tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Siêu thị tha thiết xin được xuất hóa đơn đỏ (18/10/2017)

>   Du lịch hành hương: Những ngôi đền ngàn năm tuổi tại Koyasan - Nhật Bản (18/10/2017)

>   Sức mua giảm, giá rau vẫn tăng mạnh (17/10/2017)

>   H&M, Zara “tổng tấn công” thị trường Hà Nội (16/10/2017)

>   Coi chừng dính yến huyết giả (16/10/2017)

>   Sacombank chấp thuận thanh toán bằng QR (14/10/2017)

>   Sài Gòn… “bao hết”…! (17/10/2017)

>   Vinamilk dẫn đầu bảng xếp hạng quảng cáo YouTube khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (13/10/2017)

>   Thu phí du khách: UBND TP HCM phê bình giám đốc Sở Du lịch (12/10/2017)

>   TP.HCM sẽ chấm dứt việc CSGT ra đường bắt vi phạm (12/10/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật