Thứ Ba, 03/10/2017 20:30

Đâu là nguyên nhân có thể gây ra cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo?

10 năm đã trôi qua kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu, mọi thứ đang có vẻ khá tốt với nền kinh tế toàn cầu, Business Insider đưa tin.

Đà tăng trưởng trên khắp thế giới hiện đang ổn định, và sự điều hành tốt hơn (ít nhất là trên lý thuyết) sẽ làm giảm xác suất xảy ra một cuộc khủng hoảng ngân hàng mới.

Tuy nhiên, tâm lý quá tự tin khi nói rằng khủng hoảng sẽ không còn là điểm đặc trưng thường thấy của hệ thống tài chính hiện tại kể từ đầu những năm 1970 đến nay”, Deutsche Bank cho biết trong thông cáo tuần trước.

Lời cảnh báo đó được chiến lược gia danh tiếng Jim Reid cùng đội ngũ của ông đưa ra sau khi xem xét những sự kiện toàn cầu có thể trở thành chất xúc tác cho một cuộc khủng hoảng tài chính mới, nếu và khi nó xảy ra.

Deutsche Bank nhận diện được 11 khả năng có thể là ngòi nổ cho cuộc khủng hoảng mới đó, gồm: Việc tháo gỡ chính sách nới lỏng tiền tệ nhanh quá mức của các ngân hàng trung ương – vốn được tạo ra trong những năm hậu khủng hoảng tài chính, một cuộc khủng hoảng ở Trung Quốc, và thất bại của Nhật Bản – nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới – trong việc thúc đẩy tăng trưởng.

Những rủi ro khác gồm có Brexit và tình hình kinh tế, chính trị “mong manh dễ vỡ” của Italy.

Dưới đây là những rủi ro đáng chú ý nhất theo nhận định của Deutsche Bank, cùng bình luận của Reid và đội ngũ của ông:

Tình hình kinh tế và chính trị không ổn định của Italy

Nguồn: Deutsche Bank 

Italy hiện có 3 vấn đề lớn có thể đe dọa đến tính ổn định của quốc gia này. Đầu tiên là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy dưới dạng Phong trào 5 Sao và nhà lãnh đạo của phong trào này là Beppe Grillo – một diễn viên hài trở thành nhà hoạt động. Nếu phong trào này gia tăng sức ảnh hưởng, nó có thể gây bất ổn đến vị thế quốc tế của quốc gia này.

Vấn đề lớn thứ hai là nền kinh tế của họ. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính đến nay, Italy không thể tạo ra tăng trưởng mạnh bền vững và phải chứng kiến đống nợ của mình tăng lên mức cao thứ hai trong khối các quốc gia sử dụng đồng tiền chung Euro (Eurozone).

Tỷ lệ nợ/GDP của Italy hiện ở mức 133%, chỉ xếp sau Hy Lạp, Nhật Bản và Lebanon. Ngoài ra, nước này còn bị thâm hụt 2.4% và điều này nghĩa là, Italy phải chi một lượng tiền đáng kể để trả hết số lãi của họ, như biểu đồ trên cho thấy. Điều đó khiến cho quốc gia này rơi vào nguy cơ vỡ nợ.

Cuối cùng, các vấn đề trong hệ thống ngân hàng của quốc gia này tiếp tục đáng lo ngại.

Brexit

Thủ tướng Anh, Theresa May

Brexit cũng có thể châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo, Deutsche Bank cảnh báo.

Dù không thể có chuyện Brexit sẽ trục trặc đến nỗi gây ra một cuộc khủng hoảng mới, Jim Reid và đội ngũ của ông cho biết, nhưng Thế chiến thứ II cũng từng không thể như vậy, và hiện có một số điểm tương đồng giữa hai kịch bản này.

“Ví dụ cực đoan là Thế chiến thứ II, khi không ai thật sự kỳ vọng chiến tranh xảy ra, nhiều tuần và nhiều tháng trước khi nó xảy ra. Nhận định đó đã cực kỳ sai lầm. Vì thế, rất đáng phải nhấn mạnh chuyện Brexit có thể trục trặc và tạo ra một cuộc khủng hoảng tài chính như thế nào”, Deutsche Bank viết.

Nhà đầu tư kỳ vọng 2 bên sẽ tiến tới một thỏa thuận, nhưng gần như tất cả những ai trong Chính phủ Anh và Liên minh châu Âu (EU) cũng đều nghĩ rằng Brexit sẽ không xảy ra.

“Tình trạng (thiếu) thanh khoản trên thị trường tài chính và cấu trúc thị trường thay đổi”

Thị trường đang thay đổi. Phương tiện đầu tư ngày nay khác với cách đây 10 năm. Ví dụ rõ nhất là sự tăng trưởng của các quỹ ETF.

ETF là một quỹ đầu tư hoạt động theo phương pháp thụ động, cụ thể theo dõi một chỉ số và dường như có thành quả tốt hơn so với việc mua bán thường xuyên của các khoản đầu tư cá nhân.

ETF đã bùng nổ trong khoảng 10 năm qua, kể từ cuộc khủng hoảng trước, và ngày càng nhiều nhà đầu tư lựa chọn đầu tư vào quỹ ETF, thay vì đầu tư vào những quỹ theo phương pháp chủ động khác, vốn có chi phí cao hơn nhưng lại có lợi nhuận thấp hơn suốt thập kỷ qua.

ETF đã tăng trưởng nhanh chóng, nhưng khả năng chống chọi trước các khó khăn của loại quỹ này chưa được kiểm nghiệm thật sự, qua đó khiến một số nhà quan sát đặt câu hỏi liệu lĩnh vực này sẽ có thể đương đầu với một sự điều chỉnh đáng kể trên thị trường nếu như điều đó xảy ra trong tương lai gần.

Điều này thật sự đúng khi xét đến chuyện một số người tin rằng ETF có thể bóp méo thị trường bằng cách khuyến khích nhà đầu tư bỏ tiền vào các công ty lớn – chỉ vì đó là những tên tuổi lớn – bất chấp những yếu tố cơ bản (như hệ số giá trên lợi nhuận (P/E), lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE),…).

Các vấn đề xã hội và kinh tế kéo dài của Nhật Bản

Các vấn đề của Nhật Bản được Reid cùng đội ngũ của ông tóm tắt ngắn gọn khi họ cho rằng: “Quốc gia này tiếp tục đối mặt với thách thức trong việc cố gắng kiểm soát những khoản thâm hụt ngân sách lớn, gói nới lỏng định lượng khổng lồ và tỷ lệ nợ công cao nhất trong nhóm các quốc gia phát triển trong bối cảnh dân số đang giảm và già hóa, với ngày càng ít người lao động chịu trách nhiệm trả nợ và lượng người già tham gia hỗ trợ vấn đề này ngày càng nhiều”.

Deutsche Bank lưu ý rằng hầu hết các vấn đề Nhật Bản đang đối mặt không hẳn là mới. Nợ cao, tăng trưởng thấp, và dân số đang già đi đã là những vấn đề dai dẳng của quốc gia này trong suốt một thời gian dài.

Các ngân hàng trung ương cuối cùng đã có chính sách siết chặt tiền tệ, nhưng lại làm sai cách.

Được Deutsche Bank xem là “Cuộc tháo gỡ vĩ đại” (Great Unwind), các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đang cố gắng tháo gỡ chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng – vốn được hình thành từ những năm sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009.

Ở Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã nâng lãi suất và đang bắt đầu tháo gỡ số dư trên bảng cân đối kế toán của họ. Ở khu vực Eurozone, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang bắt đầu thu hẹp dần gói nới lỏng định lượng. Chưa hết, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) rất có thể sẽ nâng lãi suất lần đầu tiên trong hơn 10 năm qua.

“‘Cuộc tháo gỡ vĩ đại’ là một hành trình vào thế giới chưa biết tới và lịch sử cho thấy rằng sẽ có những hậu quả lớn của động thái này, đặc biệt là khi xét đến mức tăng của nhiều loại tài sản trên toàn cầu”, Reid và đội ngũ của ông cho biết.

“Chúng ta có bị ‘hết đạn’ khi cuộc suy thoái tiếp theo xảy ra?”

Có lẽ rủi ro đáng lo ngại nhất là các Chính phủ trên khắp thế giới hiện không thể đương đầu với bất kỳ cuộc suy thoái nào, nghĩa là một cuộc suy thoái có thể nhanh chóng trở thành một cuộc khủng hoảng lớn.

“Với mức nợ Chính phủ tăng cao kể từ cuộc suy thoái trước, liệu các chính trị gia có thể hành động mạnh tay?”

“Liệu lần tiếp theo có thể là cuộc suy thoái mà các nhà làm chính sách bất lực nhất trong 45 năm qua, hay họ đơn giản chỉ chọn những chiến thuật thậm chí cực đoan hơn và dùng đến giải pháp in tiền để trả nợ cho sự phung phí tài chính? Có cảm giác rằng chúng ta đang ở một ngã tư đường và cuộc suy thoái tiếp theo có thể được đánh dấu bởi những sự kiện cực đoan”, đội ngũ Deutsche Bank cho biết trong báo cáo.

Khủng hoảng ở Trung Quốc

Với tư cách là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, và là nền kinh tế lớn có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, Trung Quốc thu hút rất nhiều sự quan tâm của những người tham gia thị trường. Cuối năm 2015, một cơn hoảng loạn nhỏ đã lan ra khắp các thị trường toàn cầu sau khi “ngày thứ Sáu đen tối” chứng kiến các cổ phiếu Trung Quốc lao dốc. Cuộc khủng hoảng đó là tương đối ngắn ngủi, nhưng đợt hoảng loạn tiếp theo ở Trung Quốc có thể tệ hại hơn nhiều.

Theo lời của ông Reid, biểu đồ trên cung cấp “một hình ảnh đơn giản nhưng rất đáng chú ý về những gì Trung Quốc đang đối mặt.

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy

Nếu 2016 là năm mà chủ nghĩa dân túy bước vào bức tranh chính trị toàn cầu, thì 2017 sẽ là năm chứng kiến những tác động của nó.

Với quá trình rời khỏi EU của Anh chính thức bắt đầu và Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ, chủ nghĩa dân túy sẽ vẽ ra một bức tranh toàn cầu mới trong những năm tới.

Sau chiến thắng vượt trội của Emmanuel Macron trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp hồi tháng 5, dường như rằng mặc dù chủ nghĩa dân túy ở châu Âu có thể đang giảm xuống, nhưng sự thể hiện “ấn tượng” của Đảng Cực hữu Sự lựa chọn khác cho nước Đức (AfD) trong cuộc bầu cử Đức cho thấy điều ngược lại.

“Dù hậu quả của cuộc trỗi dậy gần đây trong chủ nghĩa dân túy chưa làm mất đi sự ổn định của các thị trường tài chính, nhưng bất ổn sẽ chắc chắn duy trì ở mức cao khi những đảng như thế vẫn là những người phá vỡ quyền lực thực sự ở các cuộc bầu cử quốc gia lớn”, Deutsche Bank viết.

“Mặc dù chủ nghĩa dân túy đã chứng tỏ không thể dự báo trước được trong những năm gần đây, nhưng sự trỗi dậy này chắc chắn gia tăng các rủi ro đối với trật tự thế giới hiện tại và có thể nhanh chóng khởi xướng một cuộc khủng hoảng tài chính”./.

Các tin tức khác

>   Goldman Sachs tìm cách khai thác hoạt động giao dịch tiền kỹ thuật số (03/10/2017)

>   Quý 4 có phải là khoảng thời gian tồi tệ nhất đối với giá dầu? (03/10/2017)

>   Vàng thế giới xuống đáy gần 2 tháng khi đồng USD tăng mạnh (03/10/2017)

>   Dầu sụt hơn 2% xuống thấp nhất trong hơn 1 tuần (03/10/2017)

>   Phân tích Kỹ thuật Tiền tệ tháng 10/2017: Xu hướng phục hồi của USD/JPY và GBP/USD đang gặp khó (05/10/2017)

>   Thị trường tiền ảo châu Á sẽ tiếp tục tăng trưởng bất chấp các lệnh cấm từ Trung Quốc? (02/10/2017)

>   Đối thủ của Grab và Uber chuẩn bị mở rộng hoạt động ra nước ngoài? (02/10/2017)

>   Nomura: Hồng Kông có nguy cơ xuất hiện khủng hoảng tài chính cao nhất (30/09/2017)

>   Bitcoin đang “đổ bộ” vào thị trường xa xỉ như thế nào? (30/09/2017)

>   Vàng thế giới tăng 3 quý liên tiếp bất chấp đà sụt giảm trong tháng 9 (30/09/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật