Thứ Bảy, 14/10/2017 08:30

Có mới nới cũ

Trong vòng hai tuần trở lại đây, thanh khoản giao dịch hàng ngày của cổ phiếu KBC (Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc) bình quân là 1,72 triệu đơn vị/phiên, tương đối cao trong bối cảnh thanh khoản chung của thị trường sụt giảm. Thanh khoản tăng, nhưng thị giá của KBC lại rớt về 13.450 đồng/cổ phiếu (giá đóng cửa ngày 10-10-2017) chủ yếu do khối ngoại bán ròng mạnh.

Theo Hose, từ 7-9-2017 đến nay, khối ngoại đã liên túc bán ròng KBC. Ảnh TL

Thống kê của Hose chỉ ra từ ngày 7-9-2017 khối ngoại liên tục bán ròng KBC và tính từ đó đến nay, họ đã bán ra tổng cộng 17,9 triệu cổ phiếu, hạ tỷ lệ nắm giữ từ 33,4% cổ phần xuống 31,7% cổ phần.

Trong số những cổ đông ngoại lớn của Kinh Bắc, Pyn Elite Fund vẫn còn sở hữu 6,08% tính đến đầu tháng 10 này. Trước đây các quỹ do Dragon Capital quản lý gồm Grinling International Limited và VEIL là cổ đông chiếm giữ hơn 5% cổ phần KBC. Tuy nhiên sau đó họ đã bán bớt, giảm tỷ lệ sở hữu về dưới mức của cổ đông lớn. Dragon Capital đã mua KBC ở mức giá 15.000 đồng/cổ phiếu vài năm trước. Nếu bây giờ bán ra, có thể họ đang cắt lỗ.

Kinh Bắc xét về các chỉ số tài chính cơ bản không phải là một doanh nghiệp kém, nhưng nó không thuộc hàng ngũ các công ty xuất sắc. Với vốn chủ sở hữu 8.905 tỉ đồng, giá trị sổ sách 17.890 đồng/cổ phiếu; nợ ngắn hạn và dài hạn tổng cộng 1.900 tỉ đồng với nợ dài hạn chủ yếu, KBC tương đối “sạch”. Hai năm 2014-2015 Kinh Bắc đã hai lần phát hành cổ phiếu cấn trừ nợ và từ đó tổng công ty hầu như không vay thêm.

Câu chuyện của KBC dường như nằm ở sự không vay thêm vốn. Có thể Kinh Bắc không muốn vay thêm, hoặc cũng có thể không vay thêm được. Tài sản của Kinh Bắc là những khu công nghiệp quy mô, khai thác chúng rõ ràng cần vốn liếng, nên khó mà nói doanh nghiệp không muốn vay ngân hàng. Liệu có chuyện ngân hàng vì một lý do nào đó mà không cho Kinh Bắc vay? Câu hỏi này chỉ lãnh đạo doanh nghiệp mới trả lời được.

Trong khi đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ nửa đầu năm nay của KBC, theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2017 đã soát xét, chỉ đạt 484 tỉ đồng so với 1.113 tỉ đồng cùng kỳ.

Trao đổi với một số ngân hàng thương mại, được biết có những doanh nghiệp đủ khả năng để được cấp tín dụng, nhưng ngân hàng vẫn ngần ngại cho vay. Triển vọng dòng tiền, triển vọng tạo doanh thu, lợi nhuận eo hẹp khiến ngân hàng e dè. Cũng gần tương tự như KBC, Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) đã bốn năm nay toàn phát hành cổ phiếu để trả nợ, mà không vay thêm. Từ năm 2012 đến nay, ITA chưa một lần trả cổ tức bằng tiền, toàn bằng cổ phiếu, làm vốn điều lệ phình to lên 9.385 tỉ đồng, trong khi doanh thu sáu tháng đầu năm chưa đầy 270 tỉ đồng.

Mới đây xu hướng phát hành trái phiếu chuyển đổi, phát hành cổ phiếu để cấn trừ nợ đang trở nên thịnh hành. Sự thanh lọc khách hàng và tích cực xử lý nợ xấu từ phía các ngân hàng đã phần nào làm cho việc cấp tín dụng chặt chẽ hơn, đúng quy chế, quy trình hơn. Những doanh nghiệp có nợ to bắt buộc phải giảm nợ, không còn được tái cơ cấu dễ dàng như trước. Quá trình trên làm phình to vốn điều lệ của không ít doanh nghiệp, trong khi doanh thu, lợi nhuận không theo kịp, EPS tất yếu giảm xuống.

Vấn đề của phát hành cổ phiếu cấn trừ nợ hoặc phát hành trái phiếu chuyển đổi còn ở chỗ pha loãng giá trị cổ phiếu, đẩy thiệt thòi về phía cổ đông. Những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu lâu dài, một ngày đẹp trời bỗng dưng thấy giá trị cổ phiếu của mình bị pha loãng, mà số lượng cổ phiếu họ có không tăng lên (chỉ số lượng cổ phiếu niêm yết của doanh nghiệp tăng lên).

Bên cạnh đó là việc mua cổ phiếu quỹ. Nếu thị giá cổ phiếu thấp hơn giá trị thực và đang đi xuống bất chấp kết quả kinh doanh khả quan, thì việc mua cổ phiếu quỹ nên tiến hành. Tuy thế không thiếu trường hợp, giá cổ phiếu vừa tăng mấy chục phần trăm, doanh nghiệp cũng không có nhiều tiền mặt, lại nợ cả đống, vẫn đăng ký mua hàng trăm tỉ đồng cổ phiếu quỹ, còn cổ đông nội bộ, ban lãnh đạo lại đăng ký bán ra. Nhà đầu tư có quyền hỏi: phải chăng doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ để cổ đông nội bộ bán được giá cao. Vậy quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ sẽ như thế nào?

Trở lại với KBC, khối ngoại có lý do để thoái vốn bởi từ khi họ mua trái phiếu chuyển đổi và chuyển đổi thành cổ phiếu ở mức 15.000 đồng, thị giá KBC không nhúc nhích bao nhiêu. Sự tăng trưởng của cổ phiếu KBC đã thua VN-Index nói chung, chưa kể chi phí vốn “bất động” hàng năm trời. Các tổ chức nước ngoài giờ đây không nắm giữ cổ phiếu lâu dài, mà liên tục cơ cấu danh mục đầu tư, loại bỏ nhanh chóng và dứt khoát những cổ phiếu ngày càng có ít ảnh hưởng lên chỉ số. Họ đi đúng hướng bởi tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ còn “trình làng” nhiều tổng công ty tầm cỡ, có ý nghĩa đóng góp cho nền kinh tế. Có nhiều sự lựa chọn trong rổ hàng hóa mới, vậy thì hãy chuẩn bị tiền để tham gia cuộc chơi ở tầm cao hơn!

Thành Nam

Thời báo kinh tế sài gòn

Các tin tức khác

>   Bắt nghi can tống tiền nhân viên Công ty Chứng khoán 1 tỉ đồng (13/10/2017)

>   Vi phạm về giao dịch ký quỹ, PHS bị phạt 125 triệu đồng (13/10/2017)

>   Sẽ có những con sóng ngắn hạn trên thị trường trong nửa cuối tháng 10? (13/10/2017)

>   13/10: Đọc gì trước giờ giao dịch? (13/10/2017)

>   Hồi phục từ đáy, liệu SCD sẽ hồi xuân? (13/10/2017)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 13/10 (13/10/2017)

>   FLC: Kịch bản năm 2015 có lặp lại? (16/10/2017)

>   HOSE: Các công ty Việt Nam được khuyến nghị tiếp tục cải thiện thông lệ quản trị giao dịch bên liên quan (12/10/2017)

>   IR Awards 2017: Thời khắc quyết định (12/10/2017)

>   Nhịp đập Thị trường 12/10: Tụt áp (12/10/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật