Thứ Ba, 12/09/2017 20:30

Thế giới sẽ bị ảnh hưởng thế nào nếu quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thay đổi chiến lược?

Theo các chuyên gia trong ngành, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác có thể chứng kiến những biến động mạnh trên thị trường trái phiếu của họ nếu như Na Uy thực hiện những đề xuất mới dành cho quỹ đầu tư quốc gia của mình, CNBC đưa tin.

Trong một bức thư được công bố hồi cuối tuần qua, Ngân hàng Trung ương Na Uy (Norges Bank) đã đề xuất một số thay đổi lớn về chỉ số cơ bản của mình đối với trái phiếu – một chỉ số được dùng để đo hiệu suất của quỹ này. Họ đề nghị chỉ có những trái phiếu Chính phủ được định giá bằng đồng USD, Euro hay bảng Anh mới được dùng trong chỉ số này, và cho biết thêm rằng loại trái phiếu này không nên có thời gian đáo hạn lâu hơn “khoảng 10 năm”.

Quỹ này có thể tiếp tục đầu tư vào các đồng tiền và phân khúc mà trước đó được khuyến cáo nên loại bỏ khỏi chỉ số cơ bản này – như các đồng tiền của thị trường mới nổi, đồng Yên Nhật Bản, đồng Đô la Canada và đồng Franc Thụy Sĩ. Tuy nhiên, danh mục đầu tư của Ngân hàng này thường được điều chỉnh cho phù hợp với tiêu chuẩn của họ theo thời gian.

Ngân hàng Trung ương Na Uy hiện đang quản lý lượng tài sản có giá trị hơn 987 tỷ USD, với 30% trong số đó được đầu tư vào tài sản có thu nhập cố định. Họ là quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới.

Lý do đưa ra là Ngân hàng này không thấy lợi ích gì từ việc đa dạng hóa các khoản đầu tư trái phiếu của họ: “Trong dài hạn, lợi nhuận từ việc đa dạng hóa quốc tế rộng rãi là đáng kể với cổ phiếu nhưng lại khiêm tốn đối với trái phiếu. Với một nhà đầu tư có 70% nguồn vốn đầu tư vào danh mục đầu tư cổ phiếu được đa dạng hóa trên quốc tế, thì việc đa dạng hóa những nguồn đầu tư trái phiếu của họ bằng nhiều loại tiền tệ cũng không làm giảm rủi ro quá nhiều”.

Bức thư trên giờ đây được gửi tới Bộ Tài chính Na Uy và sau đó, Bộ này sẽ có đánh giá và sẽ quyết định sau những thảo luận cẩn thận của Quốc hội vào tháng 06/2018. Dường như điều này không hề có ảnh hưởng tức thì tới thị trường tài sản thu nhập cố định, vì bức thư không nói rằng Ngân hàng này phải bán những trái phiếu đang nắm giữ của họ. Tuy nhiên, các chuyên viên giao dịch nghĩ rằng một động thái như thế có thể tạo tiền lệ cho những tổ chức khác trong tương lai và có thể gây hậu quả tiêu cực cho các thị trường mới nổi và Na Uy.

Bị ép ra khỏi Nhật Bản?

Đề xuất của Ngân hàng Trung ương Na Uy chứng tỏ rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đang ép nhà đầu tư ra khỏi thị trường trái phiếu của riêng họ, theo những chiến lược gia tại Ngân hàng đầu tư Nomura của Nhật Bản. BoJ đã đặt mục tiêu lợi suất của họ cho trái phiếu Chính phủ Nhật Bản thời hạn 10 năm là 0%, và đã mạnh tay mua vào trái phiếu để đạt được con số đó.

“Trong khi các ngân hàng trung ương lớn có lẽ có sức ảnh hưởng yếu hơn trên thị trường trái phiếu thì vấn đề thanh khoản của thị trường trái phiếu Nhật Bản – một điều mà Ngân hàng Trung ương Na Uy đã nhấn mạnh cụ thể – có thể khiến nhà đầu tư nước ngoài không muốn dấn thân vào trái phiếu Chính phủ Nhật Bản, bên cạnh vấn đề lợi suất thấp dai dẳng của họ”, các chuyên gia phân tích của Nomura lên tiếng.

“Nếu được Chính phủ chấp thuận, sự thay đổi trong danh mục đầu tư sắp tới của Ngân hàng Trung ương Na Uy có thể tạo ra một khối lượng bán đồng Yên Nhật Bản có trị giá lên tới 19 tỷ USD”, Ngân hàng Nomura cho biết. BoJ hiện sở hữu hơn 40% trong tất cả trái phiếu Chính phủ Nhật Bản.

Ảnh hưởng gì đến các thị trường mới nổi?

Ngân hàng Trung ương Na Uy là một "tay chơi" khổng lồ trên thị trường trái phiếu toàn cầu, và vì thế nhiều quỹ đầu tư quốc gia hiện làm theo “tấm gương” phân phối tài sản của họ, Nicholas Glinsman, chuyên gia đầu tư trưởng tại Công ty tư vấn tài chính Evo Capital, cho biết.

“Theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), trái phiếu của thị trường mới nổi đã tăng lên một con số khó tin là 56 ngàn tỷ USD vào cuối quý 1 năm nay, tương đương với 218% tổng GDP của các quốc gia đó”, Glinsman nói. Điều đó nghĩa là sẽ có một tác động “không thể nào tránh khỏi” lên trái phiếu và các đồng tiền của thị trường mới nổi nếu nhu cầu dịu xuống, trong khi cung tiếp tục tăng trưởng với một tốc độ nhanh như thế.

Những “tay chơi” khác trên thị trường đã lưu ý rằng thời điểm thực hiện đề xuất trên có thể là thú vị, đặc biệt khi xét đến việc trái phiếu doanh nghiệp hiện đang giao dịch ở mức giá đắt như thế này, cũng như là về vấn đề giá cả của những trái phiếu có lợi suất thấp ở châu Á – cụ thể là ở Singapore và Hàn Quốc. Những thông báo như thế này cũng có góp phần nhấn mạnh rằng việc sở hữu thu nhập cố định của châu Âu và Mỹ vẫn có thể có giá trị nếu một cuộc suy thoái nữa xảy ra./.

Các tin tức khác

>   Đâu là 5 quốc gia muốn cấm xe chạy bằng xăng và dầu diesel? (12/09/2017)

>   Trung Quốc sắp cấm giao dịch Bitcoin qua sàn, nhưng lại cho phép giao dịch… qua OTC? (12/09/2017)

>   Vàng thế giới giảm hơn 15 USD khi lo ngại về bão Irma dịu bớt (12/09/2017)

>   Dầu tăng giá khi cơn bão Irma ập đến (12/09/2017)

>   Kinh tế Mỹ lận đận vì siêu bão (11/09/2017)

>   Ám ảnh với nhiều nỗi lo, đồng USD xuống đáy 33 tháng (09/09/2017)

>   Vàng thế giới leo dốc 3 tuần liên tiếp (09/09/2017)

>   Dù sụt hơn 3% trong phiên, dầu vẫn tăng nhẹ trong tuần qua (09/09/2017)

>   Euro lên sát đỉnh 2 năm rưỡi (08/09/2017)

>   Vàng có thể sớm chạm ngưỡng 1,400 USD? (08/09/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật