Ám ảnh với nhiều nỗi lo, đồng USD xuống đáy 33 tháng
Đồng USD trượt xuống mức thấp nhất trong 33 tháng trước áp lực từ hàng loạt nỗi lo lắng trên thị trường, từ thiệt hại do các cơn bão gây ra và căng thẳng với Triều Tiên cho tới bộ máy lãnh đạo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và định hướng chính sách tiền tệ nước này, Financial Times cho hay.
Trong phiên ngày thứ Sáu, có lúc chỉ số đồng USD – thước đo diễn biến đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác – giảm nhiều nhất là 0.7% xuống 91.011, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2015. Sau đó, chỉ số này đã xóa bớt đà giảm còn 0.4% tại thời điểm khép phiên.
Đà giảm trên đã nối tiếp chuỗi suy yếu của đồng USD bắt đầu từ đầu tháng 1/2017, và tính cho đến nay, đồng bạc xanh đã giảm hơn 10%. Chưa hết, đồng USD suy yếu so với hầu hết các đồng tiền được giao dịch thường xuyên trên thế giới trong năm nay.
Sau khi chuyển hướng chú ý vào đồng Euro vì cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và triển vọng giảm bớt quy mô của chương trình mua trái phiếu của cơ quan này, nhà đầu tư lại quay về đồng USD và thấy rằng họ có nhiều lý do để tiếp tục tâm lý bi quan về đồng tiền này.
Valentin Marinov, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu và Chiến lược ngoại hối tại Crédit Agricole, cho hay tuần này giống như một “cơn bão khủng khiếp” đối với đồng USD.
Vốn đã bị tác động nặng nề vì đà leo dốc của đồng Euro, đồng USD lại chịu thêm áp lực từ các lý do liên quan đến Fed. Cụ thể nhà đầu tư đã không còn đặt niềm tin quá nhiều vào việc Fed sẽ nâng lãi suất một lần nữa trong năm nay.
Trong lúc tranh luận về lộ trình nâng lãi suất, William Dudley, Chủ tịch Fed khu vực New York, cho biết dữ liệu lạm phát ảm đạm có thể xuất phát từ các lý do về cấu trúc hơn là các lý do mang tính tạm thời.
Cùng với một bài phát biểu tương đối “ôn hòa” từ Thống đốc Fed Lael Brainard, các thiệt hại tiềm tàng từ cả cơn bão Harvey lẫn Irma đã khiến nhà đầu tư phải hạ xác suất nâng lãi suất thêm một lần nữa trong năm 2017 xuống chỉ còn 25%, thấp hơn rất nhiều so với mức 40% tại thời điểm 1 tháng trước.
“Bạn phải tự hỏi rằng, trước những tác động tiềm tàng từ các cơn bão đến dòng chảy dữ liệu kinh tế Mỹ, thì liệu Fed sẽ còn tự tin trong quá trình đưa ra quyết định chính sách?”, Derek Halpenny, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu thị trường toàn cầu tại Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ, cho biết.
Đối với một số nhà đầu tư, diễn biến quan trọng hơn từ Fed là việc Phó Chủ tịch Stanley Fischer – một người được xem là có hơi hướng “diều hâu” và có sức ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định chính sách – đệ đơn từ chức. Vì thế, ngân hàng Rabobank cho biết sẽ hạ xác suất nâng lãi suất lần 3 trong năm nay.
Theo quan điểm của George Saravelos – Trưởng Bộ phận Nghiên cứu ngoại hối tại Deutsche Bank, danh sách các ứng viên tiềm năng theo ý ông Donald Trump khiến việc xác định lộ trình chính sách tương lai trở nên bất khả thi.
Nói rộng ra, Kit Juckes, Chiến lược gia của Société Générale, cho rằng hiện có rất ít lý do để thể hiện sự lạc quan về nền kinh tế Mỹ lúc này.
Các chuyên gia phân tích khác tập trung nhiều hơn vào Triều Tiên – một yếu tố có thể làm gia tăng căng thẳng ở Mỹ tại thời điểm này.
Ông Saravelos đề cập đến một lý do cấu trúc cụ thể để duy trì tâm lý bi quan về đồng USD. Một yếu tố mới đang chi phối thị trường ngoại hối là việc điều chỉnh tình trạng mất cân bằng dòng chảy tiền tệ do chính sách tiền tệ bất thường gây ra, ông cho biết.
Ông Saravelos nhận định: “Tỷ trọng đầu tư của người Mỹ ở những quốc gia khác đang ở mức rất thấp... Trong vài năm trở lại đây, người Mỹ đã thanh lý gần như tất cả danh mục tài sản thu nhập cố định ở nước ngoài. Nhiều khả năng là nhà đầu tư đang trong quá trình phân phối lại danh mục đầu tư của mình và đầu tư nhiều hơn ở các quốc gia bên ngoài”./.
|