Vàng có thể sớm chạm ngưỡng 1,400 USD?
Vàng vượt mốc 1,300 USD/oz trong tuần trước, và đang trên đà tăng ổn định khi tình trạng căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên tiếp tục leo thang. Hiện một số chuyên gia thị trường cho rằng vàng có thể tăng thêm nữa, CNBC cho hay.
Nizam Hamid, Chiến lược gia ETF tại WisdomTree, cho biết: “Xuất hiện một số sự kiện có thể thúc đẩy giá vàng, bao gồm bất ổn địa chính trị và hoạt động mua vàng của các quỹ đầu cơ. Nếu căng thẳng chính trị diễn biến ngày càng tiêu cực thì điều này có thể đẩy giá vàng lên 1,400 USD/oz”.
Theo ông Hamid, giai đoạn bất ổn ngày càng cao hiện nay (bắt nguồn từ cả chính sách nội bộ và chính sách ngoại giao của Mỹ) đang hỗ trợ giá vàng. Xét đến giá của các loại tài sản khác, nhiều khả năng vàng sẽ tiếp tục leo dốc, đặc biệt là nếu các nhà đầu tư chính muốn tham gia vào giao dịch.
Hiện vàng đang dao động quanh mức 1,340 USD/oz. Được biết, giá vàng đã tăng 2.45% trong 7 phiên vừa qua, và vọt gần 16% trong năm 2017. Nhà đầu tư thường đổ xô vào các tài sản trú ẩn an toàn như vàng, đồng Franc Thụy Sỹ và đồng Yên Nhật trong những lúc xảy ra bất ổn, khi đó các tài sản truyền thống như cổ phiếu và trái phiếu có thể là một khoản đầu tư biến động rất mạnh.
Ngoài ra, đà suy yếu của lợi suất trái phiếu và đồng USD cũng góp phần hỗ trợ giá vàng, theo quan điểm của Join Teves, Chiến lược gia tại UBS.
“Bên cạnh vai trò là kênh trú ẩn an toàn thì vàng vẫn còn được hỗ trợ từ nhiều yếu tố khác. Lợi suất trái phiếu Mỹ và đồng USD vẫn dao động gần mức thấp khi dữ liệu việc làm tháng 8/2017 ảm đạm hơn dự báo và các chi phí kinh tế tiềm ẩn do cơn bão Harvey gây ra đang kìm hãm tăng trưởng GDP”, ông Teves cho biết.
Vì được neo theo đồng bạc xanh nên vàng rất nhạy cảm với lãi suất Mỹ. Dữ liệu kinh tế yếu kém đã phần nào làm gia tăng lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể trì hoãn nâng lãi suất trong ngắn hạn – qua đó làm suy yếu đồng USD và hỗ trợ giá vàng. Mới đây, dữ liệu kinh tế Mỹ cho thấy số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng 62,000 người lên 298,000 người sau cơn bão Harvey, mức cao nhất kể từ mùa xuân năm 2015.
Chỉ số đồng USD, thước đo diễn biến đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác, đã giảm hơn 10% xuống 91.861 trong năm 2017. Vàng và đồng USD thường di chuyển ngược chiều vì kim loại quý được neo giá theo đồng bạc xanh.
Đồng Euro tăng mạnh so với đồng USD sau khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) quyết định vẫn giữ nguyên lãi suất. Trong một cuộc họp báo, Chủ tịch ECB, Mario Draghi, đã cho biết quyết định thời điểm và cách thức để cắt giảm chương trình mua tài sản của ECB có thể được đưa ra vào tháng 10.
Hoạt động mua vào cũng đang hỗ trợ vàng: Vị thế mua vàng (với hy vọng giá kim loại quý này sẽ tăng) đã vọt 16% trong tuần kết thúc ngày 29/08/2017, đồng thời các quỹ ETF vàng tăng thêm 500,000 oz trong tháng 9/2017, và hiện đã nhảy vọt 5.33 triệu oz trong năm 2017, dữ liệu từ UBS cho thấy.
Dẫu vậy, các rủi ro làm giảm giá vàng vẫn còn đó. Chẳng hạn, nếu đồng USD hồi phục trở lại thì giá vàng sẽ quay đầu giảm, Carsten Menke, Chuyên gia phân tích nghiên cứu hàng hóa tại ngân hàng tư nhân Julius Baer, lên tiếng cảnh báo.
“Trong bối cảnh tăng trưởng mạnh ở Mỹ và triển vọng lãi suất tăng cao hơn, chúng ta có thể hy vọng đồng USD sẽ hồi phục”, ông cho biết trong một lá thư điện tử gửi đi hôm thứ Năm.
“Góp phần tăng thêm tâm lý lạc quan về thị trường tương lai cũng như nhu cầu ảm đạm trong thị trường vật chất, chúng tôi nhận thấy rủi ro giảm giá so với các mức hiện tại nhiều hơn là tăng giá, và chuyển lập trường của mình sang thận trọng”.
Ông Menke nói thêm mục tiêu giá vàng 3 tháng và 12 tháng vẫn ở mức 1,200 USD/oz./.
|