Phó Chủ tịch Fed bỗng dưng đệ đơn từ chức trước cuộc họp tháng 9/2017
Stanley Fischer, Phó Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đã đệ đơn từ chức kể từ giữa tháng 10/2017, qua đó cho phép Donald Trump bắt đầu tái định hình bộ máy lãnh đạo của Ngân hàng Trung ương sớm hơn dự kiến, và khiến triển vọng dài hạn của chính sách tiền tệ trở nên mù mịt, Bloomberg cho hay.
Stanley Fischer, người vừa nộp đơn từ chức Phó Chủ tịch Fed
|
Cựu Tổng thống Barack Obama đã bổ nhiệm ông Fischer (73 tuổi) vào vị trí Phó Chủ tịch Fed trong năm 2014 và theo dự kiến, ông sẽ chính thức chấm dứt nhiệm kỳ của mình vào tháng 6/2018. Tuy nhiên, trong lá thư từ chức gửi tới Donald Trump, ông Fischer cho biết ông sẽ rời đi vào hoặc gần ngày 13/10/2017 vì một vài lý do cá nhân. Dẫu vậy, ông vẫn sẽ có mặt tại cuộc họp Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) vào ngày 19-20/09 tới.
Trong lá thư từ chức của ông Stanley Fischer có đoạn: “Trong suốt khoảng thời gian tại vị, nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng mạnh, cung cấp thêm hàng triệu việc làm cho những người lao động Mỹ. Dựa vào các động thái trước đó, chúng tôi đã củng cố hệ thống tài chính trở nên vững mạnh hơn và gia tăng khả năng chống chịu trước các cú sốc”.
Dẫu đã dự đoán từ trước rằng Stanley Fischer sẽ từ chức nhưng những người theo dõi Fed lại không ngờ ông sẽ rời đi sớm đến như thế. Sự ra đi của ông sẽ làm mất đi một tiếng nói có sức ảnh hưởng trong thời điểm Fed bị chia rẽ quan điểm về lộ trình nâng lãi suất trong năm nay. Ngoài ra, ông cũng là người ủng hộ duy trì các quy định tài chính hậu khủng hoảng, trong khi chính quyền Donald Trump lại muốn dỡ bỏ nó.
Michael Feroli, Trưởng Bộ phận Kinh tế Mỹ tại JPMorgan Chase, cho hay: “Sự ra đi của ông Fischer sẽ làm nảy sinh thêm một yếu tố bất ổn đối với chính sách tiền tệ, và việc ai sẽ vận hành chính sách vào đầu năm tới vẫn còn là một ẩn số khó lường. Ngoài ra, điều này còn khiến triển vọng của chính sách tiền tệ trở nên mù mịt hơn.
Các thành viên của Fed được kỳ vọng sẽ công bố lộ trình cắt giảm số dư 4.5 ngàn tỷ USD trên bảng cân đối kế toán, đồng thời giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp ngày 19-20/09 ở Washington.
4 chỗ trống ở Fed
Sự ra đi của ông Fischer sẽ để lại 4 trong 7 vị trí chủ chốt của Fed. Ông Trump đã bổ nhiệm Randal Quarles, từng là quan chức cấp cao thuộc Bộ Tài chính Mỹ dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush, vào vai trò Thống đốc của Fed. Việc bổ nhiệm ông Quarles vẫn còn phải chờ Thượng Viện Mỹ thông qua.
Bên cạnh đó, bà Janet Yellen sẽ chấm dứt nhiệm kỳ Chủ tịch Fed vào tháng 2/2018. Ông Trump cho biết, ông đang cân nhắc việc tái bổ nhiệm bà Yellen, trong khi Nhà Trắng xem xét các ứng cử viên khác. Các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Bloomberg cho rằng Donald Trump sẽ chọn một ứng cử viên khác chứ không phải là bà Janet Yellen.
Carl Tannenbaum, Trưởng Bộ phận Kinh tế tại Northern Trust và từng là quan chức Fed khu vực Chicago, cho hay: “Tất cả chúng tôi đều tập trung vào quá trình chuyển đổi tại Fed, nhưng người mà chúng tôi đang quan tâm nhiều hơn là bà Janet Yellen”.
Stanley Fischer là một chuyên gia dày dặn kinh nghiệm về tài chính Mỹ. Ông từng là Phó Chủ tịch của Citigroup, Phó Giám đốc đầu tiên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), và Chuyên gia kinh tế trưởng ở Ngân hàng Thế giới (WB).
Ngoài ra, ông cũng từng là Thống đốc của Ngân hàng Trung ương Israel (BoI) trong giai đoạn 2005-2013. Trong hơn 20 năm qua, ông còn là Giáo sư của Viện Công nghệ Massachusetts – nơi sản sinh ra nhiều chuyên gia kinh tế lỗi lạc như cựu Chủ tịch Fed Ben Bernanke và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi./.
|