Cơn bão Harvey ảnh hưởng như thế nào đến TTCK Mỹ?
Cơn bão Harvey đã tấn công vào vùng biển Texas trong những ngày gần đây. Người dân Mỹ theo dõi tin tức về tình hình cứu hộ dành cho vô số cư dân còn bị mắc kẹt trong đợt mưa không dứt. Giờ đây, nhiều nhà đầu tư đang đặt câu hỏi điều đó có thể có ý nghĩa gì cho những thương vụ đầu tư của họ, Forbes đưa tin.
Tuần làm việc mới đã bắt đầu bằng những tiêu đề như “Cổ phiếu bảo hiểm rớt giá vì tác động của bão Harvey tăng lên”, nghe cũng không thảm thương bằng cảnh khổ sở của những con người phía sau các câu chuyện. Nhà đầu tư được biết rằng 1/3 số nhà máy lọc dầu của Mỹ nằm ở Houston. Mặc dù các cơ sở vật chất đã tránh được thiệt hại lớn, nhưng một số chuyên gia cho rằng, có thể trong ngắn hạn giá xăng chưa tăng khi ngành này cố gắng giải quyết chuyện thiếu hụt nguồn cung trong những tuần sắp tới. Gần khu vực Dallas, vào hôm thứ Ba tuần trước, các tài xế phải xếp hàng chờ 45 phút mới được đổ xăng khi có tin đồn rằng thành phố này sẽ sớm hết xăng vì các nhà máy lọc dầu ở Houston đã bị hư hỏng nặng. “Họ dự báo sẽ hết hàng vào cuối tuần, nhưng hy vọng rằng Oklahoma sẽ gửi đến một ít vì ở đó cũng có nhà máy lọc dầu”, một người dân chia sẻ.
Những nhà đầu tư khôn ngoan biết rằng, quan trọng là phải tránh chú ý quá nhiều đến tin đồn gây nhiễu trên thị trường hàng ngày và thay vào đó là tập trung vào bức tranh lớn hơn. Chẳng hạn, trong lịch sử, đúng là các cơn bão lớn và những thảm họa thiên nhiên khác có xu hướng làm giảm sản lượng kinh tế trong ngắn hạn. Tuy nhiên, chúng cũng làm cho tăng trưởng kinh tế dài hạn tăng lên vì sẽ có những nỗ lực tái thiết sau đó.
Sau nhiều thảm họa thiên nhiên lớn, Chính phủ không những chi mạnh cho việc tái thiết, mà còn thực hiện mọi biện pháp “khác thường” cần thiết để bảo đảm rằng nền kinh tế sẽ vượt qua nỗi khổ của nhân loại và thiệt hại do Mẹ Thiên Nhiên gây ra. Chẳng hạn, sau cơn bão Katrina năm 2005, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho rằng có thể đã đến lúc chấm dứt xu hướng tăng lãi suất của họ. Trong khi đó, lượng dầu dự trữ chiến lược được tung ra để bù đắp cho sản lượng dầu bị thấp hơn. Các biện pháp giảm thuế cũng được thông qua.
Trong số những đề tài đầu tư trong cuốn sách Investment Atlas II của Kenneth G. Winans xuất bản cách đây vài tháng, có cả bài viết về thảm họa thiên nhiên tác động thế nào đến các thị trường. Khi đánh giá những tác động tiềm tàng của cơn bão Harvey đến danh mục đầu tư, tác giả có nhắc đến cách hai cơn bão gần đây nhất ở Mỹ có tác động mạnh đến các thị trường, đó là cơn bão Katrina năm 2005 và Andrew năm 1992.
Vài tháng sau cơn bão Andrew, Bill Clinton được bầu làm Tổng thống và sự lạc quan về kinh tế gia tăng
|
Các cổ phiếu đã tăng 5.8% trong năm sau cơn bão Katrina
|
Câu trả lời ngắn gọn là sau khi cả hai cơn bão xảy ra, các cổ phiếu Mỹ đều tăng cao hơn. Sau cơn bão Andrew, các cổ phiếu đã tăng 10.8% suốt 12 tháng, và tăng 5.8% trong năm sau cơn bão Katrina. Dĩ nhiên, điều đó không chứng minh được vấn đề nhân quả. Chỉ vì các thị trường tăng cao hơn, bạn không thể nói rằng bão là đồng nghĩa với việc cổ phiếu tăng giá. Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp, toàn bộ nền kinh tế đã ở tình trạng tương đối tốt, giống như ngày nay. Chẳng hạn, vài tháng sau cơn bão Andrew, các cử tri Mỹ đã bầu Bill Clinton vào Nhà Trắng và sự lạc quan kinh tế bắt đầu gia tăng. Ngoài ra, khi bão Katrina ập đến, thị trường chứng khoán đang ở giữa giai đoạn thị trường tăng giá 2003-2007 và sẽ không bị chệch hướng đi chỉ vì một cơn bão, cho dù cơn bão ấy có lớn cỡ nào.
Những gì mà con người phải chịu đựng trong cơn bão Harvey là khủng khiếp và nặng nề, nhưng cũng cần phải đánh giá những ý định đầu tư trong ngữ cảnh thiệt hại tài chính do cơn bão này có thể gây ra. Dù con số đó là chưa chắc chắn, nhưng một số chuyên gia ước tính rằng thiệt hại do bão Harvey gây ra (đã điều chỉnh lạm phát) sẽ ít hơn Katrina (82 tỷ USD) và siêu bão Sandy hồi năm 2012 (36 tỷ USD).
Với việc Tổng thống Donald Trump tới thăm khu vực Gulf Coast để đánh giá thiệt hại, những nhà đầu tư – vốn đang tìm manh mối về chuyện các thị trường sẽ diễn biến ra sao trong tương lai – nên tỏ ra dè chừng đối với các biện pháp tài khóa do Tổng thống gợi ý với mục đích bù đắp thiệt hại kinh tế do cơn bão gây ra. Mặc dù các thị trường thường không bị ảnh hưởng nặng nề bởi những cơn bão, nhưng chúng thường được thúc đẩy bởi chính sách thuế và các khoản chi tiêu dành cho cơ sở hạ tầng – hai biện pháp mà ông Trump tiếp tục nói tới trong thời gian gần đây./.
|