Liệu HTC và Google có thể phá vỡ sự thống trị của Apple và Samsung?
Hôm thứ Tư tuần trước, Google thông báo họ sẽ trả 1.1 tỷ USD để có được mảng sản xuất smartphone của HTC, qua đó làm dấy lên những làn sóng suy đoán về điều gì có thể xảy ra tiếp theo từ sự hợp tác này, Washington Post đưa tin.
Thế nhưng có một hy vọng đang dần hình thành: Sức mạnh của Google và thiết kế của HTC có thể mang lại cho chúng ta một điều gì đó để thách thức sự thống trị của Apple và Samsung.
Chẳng ai ghét bỏ Apple hay Samsung vì cả hai “ông lớn” này đều tạo ra những chiếc điện thoại đẹp. Cũng chẳng ai nói rằng không có công ty sản xuất smartphone tốt nào khác ngoài hai “ông lớn” trên. Tuy nhiên, dù có các công ty đang làm được những điều rất thú vị – như Essential, LG, hay thậm chí là “người cũ” của Google là Motorola – nhưng chắc chắn là ai cũng có cảm giác rằng đây chỉ là thị trường của riêng Apple và Samsung, và tất cả chúng ta đang sống trong đó.
Có nhiều công ty tham gia cuộc chơi hơn cũng là điều thúc đẩy sự sáng tạo. “Hai thì tốt hơn một, nhưng ba thì tốt hơn hai”, đó là nhận định của Patrick Moorhead, Chuyên gia phân tích trưởng tại Moor Insights & Strategy.
Vâng, cả Apple lẫn Samsung đều đang đối mặt với áp lực trên khắp toàn cầu từ những nhà sản xuất điện thoại thông minh (smartphone), đặc biệt là ở Trung Quốc, nơi sản xuất ra smartphone có giá rẻ hơn từ các công ty như Huawei và chất lượng đang ngày càng gia tăng. Dẫu vậy, Apple và Samsung đang giữ vị trí dẫn đầu khi cả hai đang chiếm đến 74% thị trường smartphone của Mỹ (theo số liệu của comScore), cũng như 94% lợi nhuận của ngành công nghiệp này trên toàn thế giới (theo số liệu của Strategy Analytics).
Nhiều công ty cố gắng nhưng rồi cũng thất bại trong việc trở thành một “tay chơi” thứ ba có thể “làm nên chuyện” trong thế giới smartphone. Microsoft và Nokia đã bắt tay nhau, và có lúc đã cho ra đời những chiếc điện thoại đáng chú ý, nhưng rồi rốt cuộc vẫn không chiếm được trái tim của người tiêu dùng. Vụ thâu tóm Motorola của Google là một nỗ lực rõ ràng để tranh đấu với iPhone và Samsung. Và thậm chí là HTC cũng đang cố gắng trở thành một tay chơi thứ ba đó, với các kiểu dáng thiết kế “độc nhất vô nhị” và chất lượng cao, qua đó khiến cho những chiếc điện thoại của họ khác biệt hẳn với các sản phẩm màu đen (hoặc bạc) khá nhàm chán còn lại.
Nhưng dĩ nhiên là mọi chuyện không phải thế. Chỉ là HTC không đủ lớn, và sau khi cố gắng tăng doanh số bằng cách tiến vào thị trường smartphone giá rẻ đang tăng trưởng, họ đã mất đi một ít sự bóng bẩy của mình trên thị trường cao cấp.
Google cũng không tạo ra được một dấu ấn lớn trên thị trường phần cứng nói chung. Họ đang làm khá tốt với những chiếc điện thoại của mình – đầu tiên là Nexus, và giờ đây là Pixel – nhưng chúng hiện không phải là trọng đối với công ty này và cũng không thể đột phá ra khỏi một thị trường hạn hẹp chỉ bao gồm người yêu thích Android. Bước tiến của Google vào thị trường phần cứng bằng thương vụ thôn tính Nest đã thành công ở một số khía cạnh, nhưng cũng đầy kịch tính bên trong. Có nhiều vụ thành công gần đây hơn, như Chromecast và Google Home, nhưng đó chỉ là những trường hợp ngoại lệ.
Người lạc quan có thể nhìn vào sự hợp tác này – vốn đặt hàng ngàn kỹ sư của HTC dưới sự giám sát của chuyên gia phần cứng Rick Osterloh đến từ Google), và nói rằng việc kết hợp những công ty này với nhau sẽ cho phép họ tập trung vào một sản phẩm và nhanh chóng cải thiện nó. Với nguồn tiền của Google và những tinh túy về hệ điều hành Android trong tay, có khả năng sẽ xuất hiện một sự hợp nhất giữa thiết kế phần cứng và phần mềm giống như Apple.
Trong khi đó, người bi quan có thể cho rằng không có lý do gì để nghĩ rằng những công ty này, vốn đang làm việc cùng nhau trên chiếc điện thoại Pixel, sẽ có thể đạt được mục tiêu mà chẳng ai trong số họ với tới được khi còn hoạt động riêng lẻ.
Để thành công trong việc giành được thị phần của Apple và Samsung đòi hỏi họ phải có một sự thay đổi trong những ưu tiên của Google, nhưng chúng ta cũng đã từng thấy điều này trước đây. Như Richard Windsor, chuyên gia của công ty nghiên cứu đầu tư Edison, có nói với nhà đầu tư hồi hôm thứ Năm: “Google chưa cho thấy dấu hiệu nào chứng tỏ rằng họ đã học được gì đó từ các sai lầm trước đó, nhưng trễ thì tốt hơn là không bao giờ”./.
|