Campuchia: Vốn FDI vào lĩnh vực ngân hàng tăng 89% trong 6 tháng đầu năm 2017
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rót vào lĩnh vực ngân hàng của Campuchia tăng gần gấp đôi trong nửa đầu năm nay nhờ sự thâm nhập của 2 nhà cho vay lớn từ nước ngoài vào thị trường nội địa và sự phản ứng của các tổ chức cho vay khi thời hạn đáp ứng yêu cầu vốn tối thiểu sắp hết, một quan chức của Ngân hàng Quốc gia Campuchia (NBC) cho biết gần đây, theo Phnom Penh Post.
Theo đó, Tổng giám đốc Chea Serey của NBC hôm 01/08 cho biết, tổng vốn FDI chảy vào lĩnh vực ngân hàng Campuchia đã tăng lên đến 439 triệu USD trong 6 tháng đầu năm nay, tăng 89% so với cùng kỳ năm trước.
Đề cập đến việc đặt chân vào hoạt động tại Campuchia của Ngân hàng BRED của Pháp và Ngân hàng Mizuho của Nhật Bản, bà Chea Serey nói: “Việc thành lập 2 ngân hàng mới trong giai đoạn đầu năm nay đã đóng góp vào mức tăng mạnh này”.
BRED Banque Populaire – một đơn vị thuộc Tập đoàn Ngân hàng lớn thứ 2 của Pháp – chính thức hoạt động tại Campuchia hồi tháng 3 năm nay, trong khi Mizuho Bank – một trong những tổ chức tài chính lớn nhất Nhật Bản – bước vào thị trường Campuchia vào tháng 4.
Bà Serey nói thêm, bên cạnh đó, các ngân hàng và nhà đầu tư nước ngoài cũng đã bơm thêm vốn vào các tổ chức cho vay hoạt động tại Campuchia để đáp ứng yêu cầu vốn tối thiểu đã được Ngân hàng Trung ương điều chỉnh tăng từ tháng 3 năm ngoái.
Bà Serey lý giải: “Các ngân hàng buộc phải nâng được ít nhất một nửa mức vốn yêu cầu tăng thêm đến tháng 3/2017 và phải đáp ứng đầy đủ mức vốn yêu cầu vào tháng 3/2018. Quy định mới này là một giải pháp được cân nhắc kỹ lưỡng nhằm đảm bảo các ngân hàng hoạt động an toàn trong khi vẫn duy trì được tính ổn định tài chính”.
Được biết, vào tháng 3/2016, NBC đã ban hành chỉ thị điều chỉnh tăng yêu cầu vốn tối thiểu đối với các ngân thương mại, kể cả chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Campuchia, các tổ chức tài chính vi mô nhận tiền gửi (MDI) và các tổ chức tài chính vi mô (MFI).
Theo đó, các ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải nắm giữ mức vốn tối thiểu là 75 triệu USD, nâng từ mức 37.5 triệu USD. Các ngân hàng chuyên ngành phải có vốn tối thiểu 15 triệu USD, nâng từ mức 7.5 triệu USD.
Đối với các MDI, yêu cầu vốn tối thiểu là 30 triệu USD, tăng hơn gấp 10 lần so với mức 2.5 triệu USD trước đó. Đối với các MFI không được phép nhận tiền gửi, yêu cầu vốn tối thiểu là 1.5 triệu USD, cao hơn gấp 24 lần so với mức trước đó là 62,500 USD.
Theo dữ liệu của NBC, tính đến cuối năm 2016 Campuchia có 37 ngân hàng thương mại, 15 ngân hàng chuyên ngành, 7 MDI và 63 MFI.
Bình luận về xu hướng tăng mạnh vốn FDI vào lĩnh vực ngân hàng Campuchia, cố vấn cấp cao tại Công ty tư vấn Emerging Markets Consulting, ông Chou Ngeth cho rằng dòng vốn từ 2 thành viên mới đầu tư vào Campuchia đã thể hiện niềm tin của thế giới vào thị trường tài chính của nước sở tại. Cả BRED và Mizuho đã đầu tư vào Vương quốc này như một phần của chiến lược mở rộng hoạt động trong khu vực về dài hạn của họ.
Theo ông Ngeth, yêu cầu vốn tối thiểu được điều chỉnh tăng của NBC đã giúp gia tăng dòng vốn nước ngoài vào lĩnh vực ngân hàng nhưng cũng rất có khả năng sẽ dẫn đến hoạt động củng cố nhiều hơn trong lĩnh vực này –thường được chứng kiến là một xu hướng tích cực, qua đó giúp lĩnh vực này mang tính thương mại hơn đồng thời cũng nâng cao năng lực của các tổ chức tài chính.
Ông nói: “Nhiều MFI và ngân hàng nhỏ đang chật vật chuẩn bị để đáp ứng các yêu cầu vốn tối thiểu trong khi một số đơn vị có ý định thoát khỏi thị trường thông qua hoạt động mua lại của các nhà đầu tư mới hoặc những tổ chức lớn hơn”.
Ông nói thêm, rất có thể hoạt động củng cố này sẽ được đẩy mạnh khi hạn chót để đáp ứng yêu cầu vốn tối thiểu vào năm 2018 sắp đến và ông kỳ vòng dòng vốn nước ngoài chảy vào Campuchia sẽ tiếp tục tăng trong nửa cuối năm nay.
Theo quan điểm của cố vấn Bun Mony của Hiệp hội Tài chính Vi mô Campuchia (CMA), quyết định nâng yêu cầu vốn tối thiểu của NBC là một động thái hợp lý và khả quan hơn đó là quyết định này đã phản ánh được tình hình của thị trường hiện nay. Ông cũng nói thêm, động thái hạ mức trần lãi suất MFI còn 18%/năm hồi tháng 3 của NBC đã gia tăng sự khó khăn cho các nhà cho vay nhỏ để có thể hòa vốn.
Ông nói: “Đối với các nhà điều hành tài chính, nếu chúng ta có ít vốn để kinh doanh trong lĩnh vực tài chính vi mô chúng ta sẽ không thể kiếm được lợi nhuận trong bối cảnh hiện nay. Theo tôi, nếu họ chỉ có mức vốn từ 2-3 triệu USD, thì họ không thể kiếm đủ lợi nhuận để duy trì hoạt động kinh doanh của mình”.
Ông Mony, Cố vấn của CMA kiêm Chủ tịch của Tổ chức tài chính vi mô tư nhân Vithey Microfinance Plc, cũng nhận thấy rằng một số MFI đang gắng gượng để đáp ứng được yêu cầu vốn tối thiểu cao hơn và ông kỳ vọng điều này sẽ dẫn đến hoạt động củng cố trong lĩnh vực này khi thời hạn đáp ứng yêu cầu sắp hết. Theo ông, nếu như hạn chót vẫn là tháng 3/2018 thì sẽ có một số tổ chức sẽ bán cổ phần lại cho các tổ chức lớn hơn và đây không phải là một tình huống xấu bởi vì theo ông, thông qua hoạt động củng cố như thế sẽ giúp lĩnh vực tài chính Campuchia phát triển bền vững theo hướng chất lượng cao hơn và dịch vụ tốt hơn./.
|