Campuchia: Tăng trưởng tín dụng MFI đang chậm lại
Sau 7 năm chứng kiến tốc độ tăng trưởng nhanh, xu hướng mở rộng tín dụng được thực hiện bởi hàng loạt các tổ chức tài chính vi mô (MFI) đã bất ngờ chững lại từ năm 2016 và khiến nảy sinh những lo ngại về khả năng những người nghèo tại Campuchia sẽ rơi vào tay những kẻ cho vay nặng lãi để vay vốn hoặc trang trải cho các khoản nợ của họ, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết trong báo cáo mới đây về tình hình kinh tế Campuchia.
Theo Phnom Penh Post, trong báo cáo WB đã lưu ý việc tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực tài chính vi mô tại Campuchia đã đạt đỉnh điểm với mức tăng trưởng hàng năm hơn 50% hồi năm 2014 trước khi có dấu hiệu chững lại trong năm 2016. Tổng dư nợ của tất cả các MFI đã đạt mức cao nhất vào tháng 3/2016 trước khi giảm còn 3.16 tỷ USD vào tháng 11. Tổng tăng trưởng tín dụng MFI trong năm ngoái chỉ đạt mức 4.7%. Theo báo cáo, tổng số các hộ gia đình được cấp tín dụng bởi tất cả các MFI cũng sụt giảm từ mức 2.19 triệu hộ trong năm 2015 còn 2.14 triệu hộ trong năm vừa qua.
Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của lĩnh vực tài chính vi mô lại tăng gấp đôi hồi năm 2016 lên 1.5%, cao hơn so với mức 0.7% trong năm 2015. Báo cáo của WB cho biết: “Trong bối cảnh tín dụng tăng nhanh, với những gì đã xảy ra trong 6 năm qua tại Campuchia, chất lượng của các khoản cho vay thường bị che mờ bởi tốc độ tăng trưởng của chúng. Chỉ khi nào xuất hiện một cú sốc hay một sự sụt giảm chính tạo nên những biến động mạnh, thì bất ngờ xuất hiện một lượng lớn những người vay mượn nợ mới để thanh toán các khoản vay cũ”.
Báo cáo của WB đã đề cập đến một số nguyên nhân có thể dẫn đến sự trì trệ tín dụng MFI tại Campuchia. Báo cáo cho biết: “Các khảo sát ban đầu chỉ ra rằng, đã xuất hiện sự cạnh tranh khốc liệt hơn từ sự gia tăng số lượng các hoạt động tài chính vi mô cấp tín dụng tương tự trái phép, trong đó gồm có các nhà cho vay tư nhân”. Do cạnh tranh gia tăng nên tiêu chí để được vay cũng dễ hơn, qua đó tạo điều kiện cho các khoản vay không chính thức và không được kiểm soát. Và vì thế xuất hiện ngày càng nhiều hộ gia đình dựa vào những nhà cho vay không chính thức để được vay nhanh hơn, nhận được khoản tiền mặt mà không cần có tài sản đảm bảo để trả nợ, trang trải chi phí khám chữa bệnh hay chi phí sửa chữa nhà cửa.
Những nguyên nhân khác gồm có sự bão hòa của thị trường và nhu cầu từ các hộ nông dân và nhân viên giao dịch ít hơn do việc áp dụng các quy định khắt khe hơn đối với các mặt hàng xuất khẩu không chính thức. Báo cáo cũng lưu ý đến sự sụt giảm về tín dụng tồn đọng do sự phân cấp lại của Tổ chức tài chính vi mô Sathapana sau khi đơn vị này sáp nhập vào Maruhan Japan Bank.
Sathapana, tổ chức trước đây từng là MFI lớn thứ 2 của Campuchia, có tổng dư nợ gần 600 triệu USD vào thời điểm cuối năm 2016. Khi tổng số này được cộng vào tính toán của Ngân hàng Quốc gia Campuchia (NBC), thì tổng tín dụng MFI đã được đẩy lên 3.7 tỷ USD hồi năm rồi, đạt mức tăng hàng năm đáng kể là 27%.
Ông Bun Mony, cố vấn của Hiệp hội tài chính vi mô Campuchia và cũng là cựu CEO của Sathapana Bank cho rằng, sự loại trừ tổng dư nợ của Sathapana ra khỏi các tính toán chung là nguyên nhân chính dẫn đến sự trì trệ xuất hiện trong tăng trưởng tín dụng MFI. Tuy nhiên, ông cũng đề cập đến một nguyên nhân khác đó là nhu cầu tín dụng chậm hơn từ các hộ nông dân do hạn hán kéo dài và giá cả hàng hóa nông nghiệp thấp hồi năm rồi.
Ông nói: “Để duy trì hoặc thúc đẩy tỷ lệ tăng trưởng cho vay, các quy định của Chính phủ cần phải đảm bảo nhu cầu của thị trường cho các vụ mùa nông sản chính như lúa gạo, tiêu, điều và cao su”.
CEO Hout Ieng Tong tại Công ty Hattha Kaksekar đã chỉ ra thêm một số yếu tố khác dẫn đến sự suy giảm về tăng trưởng tín dụng, trong đó có việc áp dụng tỷ lệ duy trì thanh khoản đối với các tổ chức tài chính vi mô nhận tiền gửi – một giải pháp mà theo ông đã dẫn đến việc hạn chế thực hiện các khoản cho vay.
Tuy nhiên, vị CEO này cho rằng sự suy giảm về tăng trưởng tín dụng MFI lại mang tính tích cực cho lĩnh vực này. Ông nói: “Tôi cho rằng xu hướng tăng trưởng tín dụng chậm hơn là một dấu hiệu tốt vì khi đó nó có thể sẽ trở thành xu hướng tăng trưởng chậm mà chắc, qua đó mang lại lợi ích cho tất cả các bên”./.
|