Trách nhiệm của Quốc hội với chi tiêu ngân sách
Quốc hội không thể đứng ngoài vòng trách nhiệm với việc chi tiêu ngân sách nhà nước (NSNN) luôn cao hơn nhiều so với dự toán, làm bội chi ngân sách và nợ công tăng cao trong các năm qua.
Ngày 9-6, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.
Đây là dịp quan trong để mổ xẻ nguyên nhân, vì sao chi tiêu ngân sách luôn luôn vượt dự toán, làm cho đà bội chi và nợ công không sao kiềm chế được cũng như trách nhiệm của các bên liên quan.
Liên tục trong nhiều năm năm gần đây, chi tiêu ngân sách luôn luôn vượt dự toán rất cao.
Ví dụ năm 2016, Quốc hội quyết định dự toán chi NSNN là 1.273.200 tỉ đồng; nhưng Chính phủ đã chi tiêu tới hơn 1.360.150 tỉ đồng, tăng 86.950 tỉ đồng (tăng 6,8%) so với dự toán.
Năm 2015, Quốc hội thông qua dự toán chi NSNN 1.177.100 tỉ đồng, nhưng Chính phủ chi tới 1.265.625 tỉ đồng, tăng 88.525 tỉ đồng (tăng 7,5%) so với dự toán.
Kỷ luật NSNN không nghiêm như trên diễn ra trong nhiều kỳ Quốc hội, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã nhiều lần than phiền rằng, bội chi, nợ công tăng cao là do tình trạng kinh tế tăng trưởng không như dự kiến nhưng vẫn phải giữ nguyên các chỉ tiêu chi NSNN như bội chi, nợ công, chi đầu tư công… Ông Dũng còn tha thiết đề nghị các vị đại biểu Quốc hội hiến kế vì tình trạng chi tiêu công thiếu kỷ luật đến mức “rất bức xúc”.
Tuy nhiên, đó mới là một mặt của vấn đề. Nhiều năm nay, dù có khó khăn như thế nào, thu NSNN vẫn luôn luôn tăng rất cao so với dự toán. Ví dụ, năm 2016 thu NSNN tăng 86,95 nghìn tỉ đồng (tăng 8,6%) so với dự toán; năm 2015 thu NSNN cũng tăng 87.117 tỉ đồng (tăng 9,6%) so với dự toán.
Những con số trên cho thấy, thu ngân sách luôn luôn vượt cao nhưng chi ngân sách nhà nước còn cao hơn, nên tình trạng mất cân đối NSNN ngày càng trầm trọng, làm kinh tế vĩ mô nhiều lần đối diện với rủi ro.
Các báo cáo của Kiểm toán Nhà nước luôn luôn chỉ ra cách chi tiêu không đúng với quy định, như nguồn vốn đầu tư được phân bổ cho một số lĩnh vực thấp hơn hoặc vượt mức quy định; bố trí vốn cho một số dự án chưa đủ điều kiện, sai nội dung nguồn vốn đầu tư, vượt tổng mức đầu tư được duyệt, không tuân thủ thứ tự ưu tiên, bố trí vốn thiếu căn cứ hoặc không sát thực tế; bố trí vốn cho một số dự án nhóm B quá 05 năm, nhóm C quá 03 năm; bố trí vốn ứng trước sai quy định; không bố trí vốn để thu hồi vốn ứng trước đến hạn phải thu hồi; điều chỉnh, bổ sung vốn sau thời gian quy định.
Về sai nội dung nguồn vốn đầu tư có các tỉnh Hà Nam 78,75 tỉ đồng; Đà Nẵng 79,3 tỉ đồng; Đắk Lắk 16,8 tỉ đồng; Tuyên Quang 60 tỉ đồng; Hà Tĩnh 54,64 tỉ đồng; Thái Nguyên 22 tỉ đồng; Bình Định 86,05 tỉ đồng; Bến Tre 95 tỉ đồng; Thanh Hóa 35 tỉ đồng; TP. Hải Phòng 50 tỉ đồng...
Về không bố trí vốn để thu hồi vốn ứng trước đến hạn phải thu hồi có Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) 4.373 tỉ đồng; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) 36 tỉ đồng; TP. Hà Nội 100 tỉ đồng; tỉnh Hà Nam 474 tỉ đồng; Lâm Đồng 248 tỉ đồng; Thừa Thiên Huế 238 tỉ đồng; Thanh Hóa 142 tỉ đồng...
Thật khó để kể tên hết những cách chi tiêu không theo quy định của pháp luật như trên vì quá nhiều bộ, ngành và địa phương được liệt kê trong danh sách của Kiểm toán Nhà nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, tính đến 27-3-2017, tỷ lệ nợ công/tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 61,5%. Dự kiến đến hết năm 2017, tỷ lệ nợ công/GDP là khoảng 64,6%GDP (GDP kế hoạch năm 2017 là 4.800.000 tỉ đồng). Thâm hụt ngân sách và nợ công ở mức cao, tiếp tục gây sức ép trả nợ và tạo rủi ro đối với phát triển bền vững của nền kinh tế.
Để phù hợp với Hiến pháp năm 2017 đã có rất nhiều luật được ban hành như Luật tổ chức Chính phủ, Quốc hội, Ngân sách nhà nước, Đầu tư công, và tới đây là nợ công; với những quy định rất cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm của Chính phủ, Quốc hội trong lĩnh vực chi tiêu NSNN.
Nhưng vì sao tình trạng chi tiêu công vẫn chưa được kiểm soát hiệu quả? Quốc hội năm nào cũng ban hành Nghị quyết về dự toán NSNN, nhưng rồi sau đó luôn thông qua các bản quyết toán với các chỉ số chi tiêu vượt trội.
Luật, và các quy định đã ban hành cần phải được thực hiện nghiêm từ phía Quốc hội thì mới giúp khắc phục được tình trạng chi tiêu công hiện nay.
http://www.thesaigontimes.vn/161177/Trach-nhiem-cua-Quoc-hoi-voi-chi-tieu-ngan-sach.html
|