Bước tiến mới trong chống chuyển giá
Nghị định 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, tạo hành lang pháp lý quản lý chặt chẽ hơn được kỳ vọng là bước tiến mới trong công tác chống chuyển giá.
Đây là khẳng định của đại diện Tổng cục Thuế tại buổi họp báo chuyên đề giới thiệu một số quy định mới về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết chiều 30/5.
Sẽ mạnh tay với các “ông lớn” FDI lợi dụng chuyển giá
Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra Thuế, Tổng cục Thuế, thời gian qua có hiện trạng một số tập đoàn đa quốc gia kinh doanh tại Việt Nam dù báo cáo thua lỗ kéo dài nhưng vẫn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đâu đó có hiện tượng tránh thuế, chuyển giá.
Dư luận cũng không ít lần lên tiếng về các tập đoàn đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam dính nghi án chuyển giá, như Coca-Cola Việt Nam, hệ thống siêu thị Big C, Metro…
Đáng chú ý, gần đây, theo báo cáo tài chính mới được Công ty Lotte Shopping Hàn Quốc công bố, trong 10 năm hoạt động tại Việt Nam, hết năm 2016, Công ty CP Lotte Vietnam Shopping - đang vận hành chuỗi 13 siêu thị Lotte Mart tại Việt Nam lỗ lũy kế tới 2.000 tỷ đồng. Dù thua lỗ như vậy, nhưng hệ thống siêu thị này vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng thêm nhiều điểm kinh doanh mới.
Thực hiện thông báo của Văn phòng Chính phủ, Tổng cục Thuế đã yêu cầu Cục Thuế các địa phương làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương để rà soát, xác định các thương hiệu bán lẻ trên địa bàn và xác định chủ sở hữu. Từ đó phân tích, đánh giá rủi ro về thuế để lựa chọn, bổ sung vào kế hoạch thanh tra của cơ quan thuế.
Tổng cục Thuế cho biết hiện đang tiến hành thanh tra và sẽ công bố kết quả thanh tra các doanh nghiệp bán lẻ của các tập đoàn đa quốc gia trước ngày 31/7/2017.
Được biết, trong giai đoạn 2010-2015, Thanh tra Thuế đã thanh kiểm tra giá chuyển nhượng với 130 doanh nghiệp, giảm lỗ 2.900 tỷ đồng, tăng thu nhập chịu thuế hơn 3.000 tỷ đồng, truy thu vào ngân sách Nhà nước hơn 34 tỷ đồng.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối năm 2016, lãnh đạo Chính phủ cũng đã thể hiện quan điểm khá rõ ràng với các doanh nghiệp FDI. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, coi doanh nghiệp FDI là một thành phần quan trọng và luôn nỗ lực cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp nước ngoài với thế mạnh về công nghệ, thị trường tiến hành đầu tư, đóng góp cho sự phát triển kinh tế các bên. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý với các doanh nghiệp FDI là: Việt Nam không đón chào các doanh nghiệp chỉ coi Việt Nam là nơi chuyển giá, trốn trách nhiệm môi trường, đi ngược lại với những giá trị cốt lõi đã cam kết.
Áp quy định mới hạn chế lỗ hổng
Qua quá trình nghiên cứu, tiếp thu các chuẩn mực quốc tế, nghiên cứu thực trạng chuyển giá phức tạp gây thất thu thuế thời gian qua, Bộ Tài chính đã dự thảo và Chính phủ sau khi tiếp thu các ý kiến đã ban hành Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 về quy định quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/5 vừa qua.
Ông Cao Anh Tuấn - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, Nghị định 20 ra đời đáp ứng được yêu cầu thực tế trong việc quản lý thuế đối với các giao dịch liên kết (GDLK). Nghị định 20 đã đánh dấu mốc phát triển quan trọng trong hệ thống quy định pháp luật về giá GDLK tại Việt Nam trong suốt 10 năm qua, thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc xây dựng chính sách thuế mang tính nhất quán đối với khung chính sách thuế toàn cầu (BEPS) về tính minh bạch và nỗ lực chống tránh thuế. Nghị định đã được đơn vị soạn thảo xây dựng trên nguyên tắc đảm bảo phù hợp với thực tế, đơn giản, dễ hiểu, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế. Vì sát với thực tế, nên nó có tính khả thi cao, đáp ứng được yêu cầu cải cách thủ tục hành chính theo tinh thần Nghị quyết 19 của Chính phủ, đáp ứng tinh thần cải cách hành chính hướng tới đơn giản, minh bạch sẽ góp phần củng cố lòng tin cho cộng đồng doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Lan Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Tổng cục Thuế đã giới thiệu những điểm mới đáng chú ý của Nghị định 20. Theo đó, quy định đã đưa ra các nguyên tắc để xác định giá GDLK như: Phân tích, so sánh với các giao dịch độc lập; nguyên tắc bản chất quyết định hình thức để xác định đúng bản chất giao dịch liên kết có tính chất tương đồng với các đối tượng so sánh độc lập; phân tích, so sánh phải đảm bảo tính tương đồng giữa đối tượng so sánh độc lập và giao dịch liên kết; áp dụng phương pháp đối chiếu, rà soát… đối với các yếu tố so sánh để lựa chọn các đối tượng so sánh độc lập.
Các yếu tố so sánh cần phân tích gồm: Đặc tính sản phẩm, chức năng hoạt động, điều kiện hợp đồng và điều kiện kinh tế khi phát sinh giao dịch.
Các phương pháp cụ thể làm căn cứ xác định GDLK gồm: Phương pháp so sánh giá giao dịch độc lập, phương pháp so sánh tỷ suất lợi nhuận của người nộp thuế với tỷ suất lợi nhuận của các đối tượng so sánh độc lập, phương pháp phân bổ lợi nhuận.
Nghị định 20 cũng “mạnh tay” với trường hợp báo lãi không đúng thực tế để trốn thuế, tránh thuế. Cụ thể, Nghị định 20 cũng quy định rõ, cơ quan thuế sẽ áp dụng phương pháp ấn định thuế khi phát hiện vi phạm giá GDLK trong các trường hợp: Người nộp thuế không kê khai, kê khai không đầy đủ thông tin; người nộp thuế cung cấp không đầy đủ thông tin hồ sơ xác định giá GDLK theo quy định; người nộp thuế sử dụng các thông tin về giao dịch độc lập không trung thực, không đúng thực tế để phân tích so sánh, kê khai xác định giá giao dịch liên kết hoặc dựa vào các tài liệu, dữ liệu và chứng từ không hợp pháp, không hợp lệ hoặc không nêu rõ nguồn gốc xuất xứ để xác định mức giá, tỷ suất lợi nhuận hoặc tỷ lệ phân bổ lợi nhuận áp dụng cho GDLK...
Đại diện cơ quan thuế cho biết, Nghị định 20 phù hợp với thông lệ quốc tế và bảo đảm đúng nguyên tắc “ngưỡng an toàn”, đây là một quy định rất có ý nghĩa thực tiễn trên phương diện cải cách hành chính. Ví dụ, tại Điều 12 đã quy định các trường hợp cụ thể, trong đó người nộp thuế được miễn kê khai, hoặc miễn lập hồ sơ xác định giá chuyển nhượng (GCN). Việc áp dụng nguyên tắc ngưỡng an toàn để giảm bớt nghĩa vụ kê khai và lập hồ sơ xác định GCN. Nghị định phản ánh đúng thực tiễn kinh doanh với sự hợp tác ngày càng phong phú giữa các doanh nghiệp, bảo đảm tính hiệu quả của đấu tranh chống gian lận thuế trong xác định GCN.
Nghị định 20 (Điều 15) quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trong công tác quản lý thuế đối với các doanh nghiệp tham gia GDLK đã tạo cơ sở pháp lý khiến cho việc quản lý GCN không chỉ là trách nhiệm, là “sân chơi một mình” của Bộ Tài chính, hay Tổng cục Thuế. Điều này sẽ khiến cho công tác quản lý GCN có hiệu quả hơn, đồng thời củng cố thêm lòng tin cho cộng đồng doanh nghiệp.
Để người nộp thuế và cơ quan thuế dễ dàng xác định như thế nào được gọi là giao dịch liên kết, tới đây Bộ Tài chính sẽ ban hành thông tư hướng dẫn chi tiết Nghị định 20.
http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Buoc-tien-moi-trong-chong-chuyen-gia/307507.vgp
|