Bộ trưởng Tài chính: “Chúng ta không làm vẫn phải ăn”
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tỏ ra lo ngại khi tất cả gánh nặng về tài chính đều dồn hết vào nợ công và ngân sách nhà nước (NSNN) tại phiên thảo luận về Luật Quản lý nợ công sửa đổi, chiều 30-5.
Ông Dũng cho biết, năm ngoái tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng 6,21%, năm nay ước đạt 6,2%, thấp hơn kế hoạch là 6,7%. Ông nói: “Luật NSNN quy định, nếu thu không đạt dự toán thì phải giảm chi. Nhưng những năm qua, chúng ta không làm được điều đó, thậm chí còn tăng chi, nên gánh nặng dồn vào nợ công”.
Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa nhận, thực tế là nợ công cũng đã gần chạm trần.
“Nếu nói thẳng tưng, thu không được thì không chi thì quá đơn giản. Nhưng cuộc sống thì khác, chúng ta không làm vẫn phải ăn, quyết tâm thì cao, nhưng tổ chức thực hiện thì thấp. Nên gánh nặng dồn vào NSNN. NSNN không phải cái giỏ…”, ông nói.
Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, thời gian qua, nếu Quốc hội không quyết liệt thì còn lâu Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng mới tái cơ cấu được nợ công.
Bà Ngân dẫn chứng, trước đây Chính phủ vay thời hạn rất ngắn chỉ một hoặc hai năm với lãi suất cao, nên chưa phân bổ xong đã tới thời hạn trả nợ. Sau thấy áp lực lớn quá, Quốc hội yêu cầu không được vay kỳ hạn dưới 5 năm và không quá 30% kỳ hạn trên 5 năm.
Bà nhận xét, Bộ Tài chính đã cơ cấu lại kỳ hạn, lãi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) nên đã có kết quả tái cơ cấu được nợ.
Đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) lo ngại: “Trong tình hình như hiện nay GDP không đạt thì nợ công có thể vượt trần bất kỳ lúc nào, nợ Chính phủ thì đã vượt trần rồi. Đề nghị chỉ rõ trách nhiệm cá nhân của người ký bảo lãnh vay, nội dung này trong dự luật hãy còn sơ sài”.
Đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) nhận xét thêm: “Doanh nghiệp nhà nước vừa qua hoạt động rất kém hiệu quả, để lại nợ lớn. Nhất là nếu vay nước ngoài thì lại càng nguy hiểm, trước sau nhà nước cũng phải thanh toán để bảo vệ uy tín quốc gia. Tương tự, khoản vốn Chính phủ vay về cho địa phương vay lại thì hầu hết các địa phương này cũng khó khăn, được điều tiết ngân sách từ trung ương, thế thì suy cho cùng Trung ương vẫn trả”.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận trong tờ trình về dự án Luật rằng, nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Chỉ tính riêng quy mô dư nợ nước ngoài của Chính phủ (trong đó vay ODA, vay ưu đãi chiếm trên 94%) đến cuối năm 2015 so với cuối năm 2001 đã tăng 6,5 lần, tập trung vào 3 nhà tài trợ chính: Ngân hàng Thế giới tăng 11,5 lần (274,2 nghìn tỉ đồng/23,9 nghìn tỉ đồng); Ngân hàng Phát triển châu Á tăng 20,3 lần (151,1 nghìn tỉ đồng/7,5 nghìn tỉ đồng); Nhật Bản tăng 6,8 lần (243,9 nghìn tỉ đồng/35,9 nghìn tỉ đồng).
Trong giai đoạn 2010-2016, tổng trị giá cam kết ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài đạt gần 36,6 tỉ đô la Mỹ, trong đó đã giải ngân đạt gần 32,8 tỉ đô la Mỹ.
Bộ trưởng cho biết, việc quản lý, sử dụng vốn vay còn bất cập; phân bổ vốn đầu tư từ nguồn vốn vay nợ công còn dàn trải và hiệu quả đầu tư chưa cao.
”Đã phát sinh những rủi ro từ các dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ và vốn vay Chính phủ bảo lãnh dẫn đến không trả được nợ, Chính phủ phải trả nợ thay”, ông cho biết, và bổ sung tình trạng thiếu gắn kết giữa quyết định đầu tư với cân đối nghĩa vụ trả nợ.
Theo báo cáo, Chính phủ đã phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2010-2016 đạt hơn 1.277 nghìn tỉ đồng (tốc độ tăng bình quân 36%/năm).
Chính phủ đã cấp bảo lãnh 632,8 nghìn tỉ đồng trong giai đoạn 2010-2016 để hỗ trợ các doanh nghiệp, ngân hàng chính sách tiếp cận được với các nguồn vốn vay dài hạn trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đã vay trên 139 nghìn tỉ đồng trong giai đoạn 2010-2016.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhận xét, công tác quản lý nợ chặt chẽ, đảm bảo trả nợ trong và ngoài nước của Chính phủ đầy đủ, đúng hạn; nợ công được đảm bảo trong giới hạn an toàn được Quốc hội phê duyệt.
Đến cuối năm 2016, ước tỷ lệ nợ công/GDP ở mức 63,7% GDP, nợ của Chính phủ ở mức 52,6% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 44,3% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ là 14,8% tổng thu ngân sách Nhà nước.
http://www.thesaigontimes.vn/160772/Bo-truong-Tai-chinh-Chung-ta-khong-lam-van-phai-an.html
|