Ủy ban tài chính Quốc hội: nguồn thu chưa thực sự ổn định
Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng hầu hết các khoản thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 đều đạt và vượt dự toán nhưng nguồn thu vẫn chưa thực sự ổn định, vững chắc.
Ủy ban Tài chính Ngân sách đưa ra nhận xét trên sau khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ về quyết toán thu, chi NSNN năm 2015 được trình tại phiên họp diễn ra vào chiều 22-5 của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14.
Tại phiên họp trên, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán thu, chi NSNN năm 2015. Trong đó, Chính phủ đề xuất mức bội chi NSNN năm 2015 là 263.135 tỉ đồng, bằng 6,28% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2015. Theo đó, ông Dũng trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán thu, chi NSNN năm 2015 như sau: tổng số thu cân đối NSNN là 1.291.342 tỉ đồng (bao gồm cả nguồn năm 2014 chuyển sang năm 2015, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2014, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật NSNN); tổng số chi cân đối NSNN là 1.502.189 tỉ đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2015 sang năm 2016); bội chi NSNN 263.135 tỉ đồng, bằng 6,28% GDP (không bao gồm kết dư ngân sách địa phương 52.288 tỉ đồng).
Sau khi ông Dũng trình bày, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã trình bày báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2015. Và ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách trình bày báo cáo có thẩm tra quyết toán NSNN năm 2015.
Theo đó, cả Kiểm toán Nhà nước và Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng đề nghị Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2015 như Chính phủ đề nghị.
Ngoài ra, Ủy ban Tài chính Ngân sách còn đề nghị Quốc hội xem xét, phê chuẩn thêm về nguồn bù đắp bội chi NSNN: vay trong nước là 195.900 tỉ đồng, vay ngoài nước là 67.235 tỉ đồng.
Một số vấn đề về NSNN 2015
Căn cứ báo cáo quyết toán NSNN năm 2015 của Chính phủ, Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2015 của Kiểm toán Nhà nước, qua thực tế giám sát tại một số bộ, ngành, địa phương và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Hải còn báo cáo một số nội dung chính về quyết toán NSNN năm 2015.
Theo báo cáo của Chính phủ, tổng thu cân đối NSNN năm 2015 là 1.291.342 tỉ đồng, trong đó các khoản thu theo dự toán được Quốc hội quyết định là 998.217 tỉ đồng, tăng 9,6% (87.117 tỉ đồng) so với dự toán. Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính Ngân sách đã chỉ ra một số vấn đề.
“Một số khoản thu không đạt dự toán được giao, nguồn thu chưa thực sự ổn định, vững chắc. Hầu hết các khoản thu NSNN năm 2015 đều đạt và vượt dự toán; một số khoản thu thuế, phí vượt cao so với dự toán đầu năm. Chỉ có 2 khoản thu không đạt dự toán là thu từ dầu thô (đạt 72,6% dự toán), thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (đạt 99% dự toán). Song đây là 2 khoản thu có ảnh hưởng đáng kể đến kết quả thực hiện dự toán thu NSNN năm 2015”, ông Hải nói.
Trong cơ cấu thu NSNN, thu nội địa từ hoạt động sản xuất kinh doanh chiếm 66% thu cân đối NSNN, đây là tỷ trọng khá cao so với các năm trước. Thu từ doanh nghiệp nhà nước có chuyển biến tích cực, tuy nhiên còn chưa tương xứng với nguồn lực và vai trò trong nền kinh tế. Số vượt thu trong năm 2015 chủ yếu là do tăng thu từ tiền sử dụng đất, thu từ cổ tức, lợi nhuận còn lại từ các doanh nghiệp nhà nước và thu từ đất đai, tài nguyên còn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu NSNN, thể hiện tính thiếu bền vững và chưa xuất phát từ nội lực phát triển của nền kinh tế…
Ông Hải chỉ ra việc hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) chưa kịp thời, dẫn đến quyết toán chưa phản ánh chính xác số thu và bội chi NSNN.
Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2015 thực hiện hoàn thuế GTGT theo chế độ là 92.452 tỉ đồng. Kết quả kiểm toán cho thấy, ngoài số hoàn thuế 92.452 tỉ đồng, còn phải chuyển sang năm 2016 tiếp tục hoàn thuế đối với các quyết định hoàn thuế năm 2015 do thiếu nguồn 5.847 tỉ đồng.
Ủy ban này cho rằng, việc chưa chi trả số tiền 5.847 tỉ đồng cho người nộp thuế theo các quyết định hoàn thuế năm 2015 là không bảo đảm tính kịp thời theo quy định, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người nộp thuế. Đề nghị các năm sau, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính cần phải cân đối, điều hành để không xảy ra tình trạng chuyển số hoàn thuế GTGT đã có quyết định hoàn thuế sang năm sau thực hiện, bảo đảm phản ánh đúng thực chất số thu NSNN.
Về chi NSNN, theo ông Hải, quyết toán chi cân đối NSNN năm 2015 là 1.502.189 tỉ đồng, trong đó chi theo dự toán được Quốc hội quyết định là 1.265.625 tỉ đồng, tăng 7,5% so với dự toán.
Ủy ban cho rằng, công tác quản lý chi NSNN năm 2015 còn một số tồn tại như chi thường xuyên vẫn còn tình trạng lãng phí, chi sai chế độ quy định, không đúng mục đích; một số khoản chi quan trọng không đạt dự toán; sai phạm, thất thoát, lãng phí trong chi đầu tư xây dựng cơ bản vẫn xảy ra, nợ đọng khối lượng xây dựng cơ bản đã hoàn thành lớn. Theo báo cáo của Chính phủ, quyết toán chi đầu tư phát triển năm 2015 là 308.853 tỉ đồng, tăng 37,3% so với dự toán. Trong đó quyết toán chi đầu tư phát triển ngân sách trung ương tăng 35,6%, ngân sách địa phương tăng 37,9%...
Ông Hải lưu ý rằng các chỉ số dư nợ công, dư nợ nước ngoài của quốc gia vẫn trong giới hạn cho phép nhưng dư nợ Chính phủ đã chạm trần là 50% GDP, nợ công là 61,8% GDP.
Quản lý nợ công còn hạn chế
Ủy ban Tài chính Ngân sách nhận xét, công tác quản lý nợ công còn những hạn chế như không lập báo cáo giám sát nợ công và bản tin nợ công năm 2015; theo dõi thống kê, tổng hợp số liệu nợ công chưa kịp thời, đầy đủ; 14/46 địa phương được kiểm toán có mức dư nợ vượt 30% vốn đầu tư xây dựng ngân sách cấp tỉnh; đã lập chứng từ ghi thu - ghi chi nhưng chưa thực hiện ghi thu - ghi chi và phản ánh vào quyết toán NSNN số tiền 18.123 tỉ đồng khoản vay nước ngoài về cho vay lại của 5 dự án đường bộ cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.
Nếu thực hiện ghi thu - ghi chi, thì khoản vay về cho vay lại sẽ chuyển thành khoản cấp phát từ NSNN. Do đó, Ủy banTài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý chặt chẽ nợ công, bảo đảm minh bạch, hiệu quả, an toàn tài chính quốc gia và sớm có phương án xử lý đối với 18.123 tỉ đồng nêu trên theo đúng quy định.
Thêm nữa, ủy ban này còn cho rằng theo quyết toán NSNN năm 2015, việc ứng trước dự toán, vay tồn ngân kho bạc còn lớn, chưa xử lý kịp thời, Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước cần rút kinh nghiệm và có giải pháp khắc phục. Đồng thời việc vay tồn ngân Kho bạc Nhà nước để bù đắp bội chi NSNN đã thực hiện từ nhiều năm nhưng chưa được thể chế hóa, cần sớm nghiên cứu, hoàn thiện bảo đảm quản lý, sử dụng tồn ngân kho bạc hiệu quả, an toàn...
http://www.thesaigontimes.vn/160344/Uy-ban-tai-chinh-Quoc-hoi-nguon-thu-chua-thuc-su-on-dinh.html
|