Thứ Năm, 08/06/2017 07:50

Thuế môi trường và gót chân Achilles của ngân sách

Cho mãi đến hôm nay, những tranh luận liên quan đến việc Bộ Tài chính đề xuất tăng khung thuế môi trường cho xăng từ 1.000-4.000 lên 3.000-8.000 đồng/lít (trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường) vẫn là vấn đề thời sự trên nhiều mặt báo. Không chỉ bởi nó đụng trực tiếp, rất lớn đến đồng tiền mồ hôi nước mắt trong túi người dân, doanh nghiệp, mà còn vì liên quan đến những vấn đề thời sự nóng khác về môi trường xảy ra trong dịp Ngày Môi trường thế giới 5-6 và liên quan đến chuyện nợ công, thâm hụt ngân sách đang được Quốc hội thảo luận.

Khi Bộ Tài chính công bố tổng mức chi cho các hoạt động bảo vệ môi trường giai đoạn 2012-2016 là 131.857 tỉ đồng, trong khi mức thuế môi trường thu được là 105.985 tỉ đồng, nhiều người ngạc nhiên và tò mò. Bởi lẽ, một trong những lập luận không đồng tình với đề xuất tăng khung thuế môi trường cho xăng là thu nhiều nhưng không biết bộ đã chi cho việc gì, bao nhiêu... để bảo vệ môi trường. Nhưng thực ra không có gì đáng ngạc nhiên cả, vì con số chi này bao gồm cả các khoản chi “góp phần” bảo vệ môi trường, như... chi cho đầu tư tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, điều mà chuyên gia kinh tế Bùi Trinh bình luận trên báo điện tử Giaoduc.net là “Vô lý đến mức buồn cười”.

Có thể tạm hiểu lý lẽ của Bộ Tài chính là đầu tư đường sắt trên cao sẽ giúp giảm phương tiện cá nhân di chuyển, qua đó giảm tác động từ khí thải do phương tiện cá nhân gây ra. Song, đó chỉ là dưới góc độ lý thuyết, bởi trên thực tế, dự án này bị chậm tiến độ nhiều năm, đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động, mà kể cả đi vào hoạt động rồi thì cũng chưa biết ngay được nó sẽ thu hút bao nhiêu khách, hay là cũng “ế” giống như xe buýt nhanh hiện nay.

Đó là chưa nói đến việc để xây tuyến đường sắt trên cao này, Hà Nội đã chặt rất nhiều cây xanh, hiệu quả bảo vệ môi trường hay hậu quả phá hoại môi trường của nó vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.

Thực ra, nếu thật lòng muốn bảo vệ môi trường, có thể có nhiều cách chưa cần phải dùng đến tiền thuế của người dân nhiều đến như vậy. Nếu chính sách phát triển công nghiệp của Nhà nước có tầm nhìn vì sự phát triển bền vững hơn, thay vì tăng trưởng trước mắt, Nhà nước không cấp phép cho những dự án sản xuất thép, nhiệt điện, xi măng có công nghệ lạc hậu, gây ra những khủng hoảng ô nhiễm môi trường như hiện nay. Nhà nước cũng không cấp phép cho những dự án kinh doanh du lịch gọi là... sinh thái nhưng lại phá hệ sinh thái rừng, núi, động vật quý hiếm... từ đó gây tác động tiêu cực đến thời tiết. Khi quyết định làm một con đường, cây cầu, Nhà nước cân nhắc sao cho ít phải chặt cây xanh nhất. Vấn đề là sự lựa chọn!

Hiện nay, không còn nhiều thời gian cho việc lựa chọn này nữa. Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, lượng khí thải CO2 và hiệu ứng nhà kính (GHG) cho một đơn vị giá trị gia tăng của Việt Nam đang ở nhóm nước hàng đầu trên thế giới và có xu hướng tăng lên. Điều xấu này chỉ một phần do xe máy, ô tô, còn một phần lớn là do nhóm ngành chế biến, chế tạo, đặc biệt là sản xuất thép, nhiệt điện.

2. Vừa rồi, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ rút ra khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, báo chí trong nước trích dẫn phản ứng thất vọng của nhiều nước trên thế giới. Đó là thái độ đúng đối với một hiệp định - vấn đề quan trọng mang tính toàn cầu mà Việt Nam cũng là thành viên. Nhưng trong khi làm việc đó, hãy ghé ánh nhìn gần hơn, vào đợt nắng nóng lịch sử vừa mới kết thúc ở Hà Nội.

Hiện tượng thời tiết cực đoan này có liên quan gì đến tình trạng chặt phá cây xanh trong thời gian qua? Tương lai nền nhiệt độ sẽ như thế nào khi tình trạng đó sẽ tiếp tục diễn ra? Gần như đồng thời với các tin tức về việc người dân phải khổ sở như thế nào với nắng nóng, báo chí đưa tin: Nằm trong dự án đầu tư mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Cầu Thăng Long, 1.300 cây xanh nằm hai bên đường Phạm Văn Đồng từ chân cầu Mai Dịch đến cầu Thăng Long sẽ bị chặt, di dời, trong đó có hơn 1.000 cây bị chặt. Dù trong cuộc họp ngày 7-6, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội giải thích đây mới là đề xuất của chủ đầu tư, “bất khả kháng mới chặt hạ” thì lời giải thích này vẫn chưa làm yên lòng dư luận.

Hay hãy phóng tầm nhìn từ Hà Nội tới Thái Bình - địa phương vừa lên kế hoạch phá 150 héc ta rừng ngập mặn có tác dụng phòng hộ ở huyện Thái Thụy để làm khu công nghiệp. Báo Thanh Niên Online ngày 31-5 trích dẫn lời một người dân tại đây bất bình: “Mới đầu tháng 2, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường còn về đây trồng rừng và kêu gọi người dân trồng rừng bảo vệ đất ngập mặn và bảo tồn sinh thái nhưng cuối tháng thì họ bàn việc phá rừng”. Đó hẳn nhiên cũng là một nghịch lý.

Ở nước mình, biết bao nghịch lý khác đã và đang diễn ra. Trước đây, khi muốn phá rừng nguyên sinh, các nhóm lợi ích trấn an rằng không sao, họ sẽ trồng rừng. Giờ thì, lập luận cho quyết định phá 150 héc ta rừng do dân trồng nói trên, Thái Bình trấn an đó không phải là rừng nguyên sinh và sẽ trồng lại ở chỗ khác. “Một đời người, một rừng cây”, mà ông Trời thì đâu có chờ mình trồng rồi chờ tiếp cây lớn!

3. Quay lại câu chuyện tăng khung thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3-6-2017, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà nói thẳng “Đây là khoản thu làm tăng thu ngân sách nhà nước, khi thu khoản này giúp cơ cấu lại thu ngân sách, trong bối cảnh thuế nhập khẩu xăng, dầu về 0%”.

Luật Ngân sách Nhà nước quy định các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật được tổng hợp đầy đủ vào cân đối ngân sách nhà nước, theo nguyên tắc không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể. Mới đây, Bộ Tài chính đã căn cứ vào đó giải thích rằng “kinh phí ngân sách nhà nước bố trí cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường có thể bằng hoặc thấp hơn so với số thu thuế bảo vệ môi trường”.

Thì đã rõ vì sao Bộ Tài chính đeo đuổi quyết liệt mục tiêu tăng thuế môi trường đối với xăng, dầu. Bộ đã “so bó đũa, chọn cột cờ” - xăng, dầu được chọn làm đối tượng để cơ cấu lại nguồn thu ngân sách đang bị giảm sút. Được chọn vì nguồn thu từ xăng dầu đang lớn nhất, lại dễ thu, gần như đổ đồng trên đầu dân chúng (tạo cảm giác công bằng giả tạo) so với các đối tượng khác cùng chịu sự điều chỉnh của sắc thuế này như than đá hay túi nylon.

Giả sử đề xuất tăng thu này của Bộ Tài chính được Quốc hội thông qua thì bài toán cơ cấu lại nguồn thu của bộ cũng chỉ là giải pháp tình thế giật gấu vá vai. Không chỉ thuế nhập khẩu xăng, dầu giảm về mức 0%, cùng với việc ký kết và có hiệu lực của nhiều hiệp định thương mại tự do, nguồn thu từ thuế nhập khẩu của hầu hết các mặt hàng sẽ giảm về mức này theo lộ trình. Lúc đó, chẳng lẽ tăng thuế môi trường tiếp với xăng, dầu; hay đối tượng nào khác sẽ bị chọn hy sinh để bù đắp?

Bài toán cơ cấu lại thu ngân sách phải là bài toán tổng thể. Nếu nguồn thu giảm thì phải tìm cách thay thế, từ thuế là chủ yếu, không có cách nào khác. Đã đến lúc đi tìm nguồn thu mới, hiệu quả, công bằng, khả thi, theo thông lệ quốc tế. Mới đây (ngày 3-6-2017), Nghị quyết Trung ương 5 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng đã đặt ra yêu cầu “nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về thuế sử dụng tài sản, nhất là về sử dụng đất đai”. Hay chống thất thu thuế một cách có hiệu quả trong những lĩnh vực, từ những đối tượng mà mắt thường cũng có thể thấy được cũng như những lĩnh vực mới phát sinh.

Nhưng trước hết, Bộ Tài chính và Chính phủ phải chứng tỏ mình là một tay hòm chìa khóa chi tiêu có trách nhiệm.

Hiện nay, về tổng thể, thu ngân sách năm sau đều tăng hơn năm trước. Vấn đề là tốc độ tăng thu không theo kịp tốc độ tăng chi. Nói nôm na thu ngân sách giảm là nói trong mối tương quan với nhiệm vụ chi. Tỷ lệ chi thường xuyên cho bộ máy đang chiếm tỷ trọng quá cao trong chi ngân sách, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chi cho đầu tư phát triển để có tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Vậy mà sau bao năm hô hào giảm biên chế, giảm chi phí hành chính, bộ máy hầu như vẫn như vậy với mức tiêu xài có khi còn hơn. Vậy mà, trong nguồn chi ít ỏi cho đầu tư phát triển, Kiểm toán Nhà nước phát hiện còn chi sai, chi không hợp lý, đồng nghĩa với lãng phí, thất thoát... Gót chân Achilles của ngân sách nằm ở chỗ chi chứ không phải là thu. Thâm hụt ngân sách, nợ công tăng cao cũng từ đây.

http://www.thesaigontimes.vn/161098/Thue-moi-truong-va-got-chan-Achilles-cua-ngan-sach.html

Các tin tức khác

>   Rà soát, sửa đổi pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp (07/06/2017)

>   Kho bạc Nhà nước đang “rủng rỉnh”, ai mừng, ai lo? (05/06/2017)

>   Thứ trưởng Tài chính: Thuế bảo vệ môi trường giúp tăng thu ngân sách (04/06/2017)

>   Mời phổ biến thuế, nhiều người bán hàng qua Facebook né tránh (03/06/2017)

>   Tổng cục Thuế lý giải việc tăng lệ phí trước bạ ô tô (03/06/2017)

>   Triệu phú đô la nhờ kinh doanh trên Facebook khai thuế (03/06/2017)

>   Sửa đổi, bổ sung bảng giá tính lệ phí trước bạ một số dòng xe ô tô, xe máy (01/06/2017)

>   Chi cho bảo vệ môi trường mỗi năm gần 26.400 tỉ đồng (31/05/2017)

>   Bước tiến mới trong chống chuyển giá (31/05/2017)

>   Đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu (31/05/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật