Thứ trưởng Tài chính: Thuế bảo vệ môi trường giúp tăng thu ngân sách
Thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu giúp tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) trong bối cảnh Việt Nam đang miễn giảm thuế nhập khẩu để thực hiện cam kết theo các thỏa thuận thương mại với các nước, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết.
Bộ Tài chính khẳng định, thuế bảo vệ môi trường áp dụng cho xăng dầu giúp tăng thu NSNN. Ảnh TL.
|
“Đây là khoản thu làm tăng thu NSNN, khi thu khoản này giúp cơ cấu lại thu ngân sách, trong bối cảnh thuế nhập khẩu xăng dầu về 0%”, ông Hà khẳng định như vậy khi được hỏi về khoản thu thuế xăng dầu tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3-6.
Khung thuế bảo vệ môi trường do Quốc hội ban hành, còn mức cụ thể do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, theo ông Hà. Khung thuế hiện nay là 1.000-4.000 đồng/lít.
Ông Hà giải thích, hiện nay, giá xăng dầu của Việt Nam là thấp nhất so với các nước có cùng đường biên giới, khiến cho việc quản lý và hạn chế tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới gặp nhiều vấn đề. “Chúng tôi dự kiến báo cáo Chính phủ, Quốc hội tăng khung này lên khi xem xét thuế bảo vệ môi trường”, ông nói.
Ông Hà bổ sung, cần phải xem xét lợi ích doanh nghiệp, người dân và tác động chung của loại thuế trên đến lạm phát thế nào. “Đây là những tác động mà chúng tôi cho rằng khi quyết định về mức thuế bảo vệ môi trường cụ thể phải tính toán đầy đủ các yếu tố đó, để các cấp có thẩm quyền xem mức thuế cụ thể”, ông nói.
Theo giải thích của Bộ Tài chính, thuế bảo vệ môi trường hiện nay không chỉ được chi cho công tác bảo vệ môi trường.
Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính Phạm Đình Thi trong lần trả lời TBKTSG Online gần đây cho biết, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, thuế bảo vệ môi trường là khoản thu ngân sách nhà nước và được sử dụng chi thực hiện các nhiệm vụ chi theo Luật NSNN như chi đầu tư phát triển (chi đầu tư cho các dự án, chi đầu tư và hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp...), chi đảm bảo xã hội (bao gồm cả chi thực hiện các chính sách xã hội theo quy định),... Trong việc chi cho đầu tư phát triển, nhiều dự án quan trọng có tác động trực tiếp đến bảo vệ môi trường như xử lý nước thải, xây dựng, nâng cấp đường giao thông.
Riêng đối với kinh phí sự nghiệp môi trường, Bộ Tài chính đã có Thông tư số 02/2017/TT-BTC ngày 6-1-2017 nêu “Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường không thấp hơn 1% tổng chi ngân sách nhà nước trong dự toán ngân sách hàng năm”.
Ông Thi cho biết thêm, Chính phủ sẽ tăng dần tỷ lệ chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường, phấn đấu đạt 2% tổng chi ngân sách theo Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 5-9-2012 của Thủ tướng.
Chưa xem xét tăng giá điện
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nói rằng Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo trước mắt chưa xem xét việc tăng giá điện vì việc phát triển kinh tế còn khó khăn, theo chinhphu.vn.
Ông Hải cho biết thông tin trên tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5-2017 được tổ chức chiều 3-6 để thông tin về những vấn đề kinh tế - xã hội trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm. Ông nhắc lại thông tin Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã đề cập là hiện sự phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn, đặc biệt là so với năm 2016.
Ông Hải nói, mặt hàng điện và xăng dầu có vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế. Đây cũng là đầu vào của rất nhiều mặt hàng khác, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và đời sống của người tiêu dùng. Do vậy, bất cứ một sự thay đổi nào, đặc biệt là tăng giá, cần phải được tính toán hết sức kỹ lưỡng.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương là nếu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề xuất tăng giá điện thì bộ cần phải phối hợp với Bộ Tài chính cũng như các đơn vị có liên quan xem xét hết sức kỹ lưỡng và nếu vượt thẩm quyền của mình thì phải trình Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, 1/2 chặng đường của năm 2017 gần đi qua và một trong nhưng vấn đề nổi lên là tăng trưởng GDP quí 1 thấp hơn cùng kỳ năm 2016. Do đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, điều hành với quyết tâm phải đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay.
Tuy nhiên, ông Dũng cho hay, Chính phủ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng cũng có nhiều thuận lợi. Kết quả kinh tế - xã hội trong tháng 5 tiếp tục xu hướng tích cực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 giảm 0,53% so với tháng 4, chủ yếu là do giá thịt tươi sống và xăng dầu giảm.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng 7,2%, cao hơn 4,2% của quí 1; khu vực dịch vụ tiếp tục tăng khá; khách quốc tế đạt hơn 5,3 triệu lượt, tăng 30,8%. Xuất khẩu tăng 17,4%; trong đó xuất khẩu điện thoại và linh kiện tháng 5 tăng 31,9%, điện tử, máy tính tăng 47,2%. Thu ngân sách nhà nước tăng khá, 5 tháng đạt 39,7% dự toán và tăng 16,9%.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; giải ngân vốn đầu tư còn chậm; nông nghiệp còn khó khăn; nhập siêu lớn... Do vậy, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung đánh giá những khó khăn, vướng mắc; đề xuất biện pháp tháo gỡ cụ thể để đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư;…
|
http://www.thesaigontimes.vn/160957/Thu-truong-Tai-chinh-Thue-bao-ve-moi-truong-giup-tang-thu-ngan-sach.html
|