Làm thế nào ngân hàng đầu tư tí hon này “có chân” trong thương vụ IPO của Snap?
Snap Inc - công ty mẹ của Snapchat, đang hy vọng sẽ huy động được khoảng 3 tỷ USD trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu tiên ra công chúng (IPO) của mình, Business Insider đưa tin.
Mischler Financial Group
|
Lần IPO này của Snap đang được so sánh với những vụ tương tự của các ông lớn công nghệ khác như Alibaba , Facebook và Twitter. Và đó có thể là một trong những vụ IPO lớn nhất trong năm 2017.
Danh sách các công ty bảo lãnh phát hành IPO của Snap gồm có một số tên tuổi lớn của Phố Wall như Morgan Stanley, Goldman Sachs, và JPMorgan. Tuy nhiên, một số công ty ít tên tuổi hơn cũng có mặt trong danh sách này.
Một công ty như thế là Newport Beach, thuộc Tập đoàn Tài chính Mischler có trụ sở ở California. Ngân hàng đầu tư tí hon này được thành lập vào năm 1994 và hiện đang được các cựu binh khuyết tật sở hữu và điều hành.
Phóng viên của Business Insider đã trò chuyện với Ryan Moran, Giám đốc kinh doanh và giao dịch cổ phiếu tại Mischler, để tìm hiểu câu chuyện đằng sau vai trò của họ trong thương vụ đình đám này.
“Năm 2014, chúng tôi là một trong những công ty bảo lãnh phát hành IPO của Alibaba. Khi ấy cũng có một số quản lý ở các ngân hàng đầu tư khác tham gia vào lần IPO đó của Alibaba. Sau đó, họ gia nhập đội ngũ của Snap và đề cử chúng tôi cho lần IPO sắp tới này”, Moran chia sẻ.
Dù Moran từ chối tiết lộ tên tuổi của các quản lý ấy khi được hỏi, nhưng có một sự thật mà ai cũng biết rằng Imran Khan, Giám đốc chiến lược của Snap, từng là người của Credit Suisse và đóng vai trò rất lớn trong lần IPO của Alibaba trước khi gia nhập công ty truyền thông xã hội này.
“Họ biết rằng chúng tôi có kế hoạch cẩn thận và hoạt động tốt”, Moran nói thêm.
Moran cho biết điều xác lập nên giá trị của công ty ông là ở sự phân phối. Ông nói rằng Mischler hiện được các “ngân hàng chuyên về cho vay” nể trọng chủ yếu là vì họ có vị thế tốt để phục vụ các thị trường tầm trung đang chưa được phục vụ đúng mức.
“Các nhà đầu tư này cực kỳ trung thành với công ty chúng tôi và như là đối tác của chúng tôi. Họ là các tài khoản thị trường tầm trung, các tài khoản mà không thuộc ‘tầm ngắm’ của một ngân hàng lớn hơn”, ông nói.
Theo Moran cho biết, ngoài việc “có chân” trong lần IPO của Alibaba, một vụ IPO lớn nhất trong lịch sử hoạt động của Mischler, Công ty cũng đang xử lý 500 đến 600 giao dịch trên thị trường vốn vay mượn. Hiện ngân hàng này cũng thực hiện nhiều vụ mua lại cổ phiếu của các công ty trong nhóm Fortune 500.
Tính ra ngân hàng này đã tiến được một bước dài kể từ ngày khởi đầu khiêm tốn của mình.
“Chúng tôi bắt đầu hoạt động chỉ bằng việc kinh doanh ở các thị trường thứ cấp như cổ phiếu, thu nhập cố định ...”, Moran nói. Ông cho biết đây là cách mà họ đã kinh doanh trong nhiều năm qua.
“Nhưng rồi vào năm 2009, khi nhiều công ty bị phá sản, chúng tôi lần đầu tiên nhảy vào các thị trường vốn cổ phiếu trong lần IPO của Citigroup”, ông kể lại.
Citigroup đã phải bán 17 tỷ USD cổ phiếu phổ thông và 3.5 tỷ USD cổ phiếu hữu hình vào cuối năm 2009 như là một phần trong thỏa thuận hoàn trả 20 tỷ USD mà chính phủ Mỹ dùng để cứu trợ ngân hàng này trong chương trình có tên là Giải Trừ Nợ Xấu (TARP) sau cuộc khủng hoảng tài chính.
Moran cho rằng sự hối thúc đa dạng hóa của Bộ Tài chính Mỹ đã đóng một vai trò lớn trong sự chọn lựa của họ cho lần IPO của Citigroup. Và kể từ đó, ông cho biết, chính thái độ làm việc cần mẫn và sứ mệnh phục vụ các cựu binh đầy vị tha của họ đã giúp cho họ thành một đối tác hấp dẫn.
“Chúng tôi rất quan tâm đến việc giúp lại đối với những người cần được giúp. Chúng tôi làm điều đó bằng cách hiến tặng tiền cho các tổ chức như Wounded Warriors (Thương binh), cũng như đào tạo và cố vấn cho các cựu binh khuyết tật”, Moran tâm sự./.
|