Thứ Ba, 28/02/2017 09:06

Có phải Yellen đang trêu tức Donald Trump và thị trường chứng khoán?

Đi chậm lại, Phố Wall! Điều này dường như là lời nhắn mà Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Janet Yellen, truyền đạt đến các nhà đầu tư trong ngày 22/02, MarketWatch đưa tin.

Những ghi chép lại từ cuộc họp của Fed từ 31/1 - 1/2 cho thấy ý định nâng lãi suất “khá sớm” của ngân hàng trung ương này, nhưng điều thật sự gây chú ý là sự nghi ngờ về triển vọng kế hoạch kích thích tài khóa của Tổng thống Mỹ Doanld Trump sẽ sớm diễn ra.

Hai điều cần lưu ý trong ngày thứ Tư như sau:

- Một vài quan chức tham dự cho rằng đà tăng của giá cổ phiếu có thể phản ánh những kỳ vọng không thực tế về chính sách.

- Một số quan chức lo ngại mức độ biến động thấp của thị trường dường như không ăn khớp với sự bất ổn về chính sách.

Nếu ảnh hưởng của 2 điều này là như nhau, có thể là do xuất phát từ quan điểm tương tự với quan điểm của Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Alan Greenspan trong năm 1996, lúc cận kề với đỉnh điểm của vụ bong bóng “dot-com”.

Rõ ràng, việc lạm phát thấp được duy trì liên tục cho thấy ít bất ổn hơn trong tương lai, và các phần bù rủi ro thấp hơn ám chỉ giá của cổ phiếu và các tài sản sinh lời khác cao hơn. Chúng ta có thể thấy điều này trong mối quan hệ ngược chiều giữa hệ số P/E và tỷ lệ lạm phát trong quá khứ. Tuy nhiên, làm sao chúng ta biết khi nào “tăng trưởng phi lý”.

Hiện tại, tầm quan trọng của các cam kết cắt giảm thuế, gia tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng và các biện pháp nhằm giải phóng thị trường tài chính của ông Trump không hẳn là quá cường điệu. Tất nhiên, có các yếu tố khác hỗ trợ các động thái của thị trường, như kết quả kinh doanh hàng quý của doanh nghiệp được cải thiện và một nền kinh tế có nền tảng vững chắc. Dù vậy, ông Trump được cho là đã hồi sinh lại cái gọi là “tâm lý bầy đàn”.

Tính tới ngày 22/02/2017, Dow Jones đã bay vút hơn 13.3% từ ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 8/11 và đánh dấu chuỗi phá kỷ lục dài nhất trong 3 thập kỷ trong ngày thứ Năm. Chỉ số Nasdaq Composite cũng không kém khi nhảy vọt 13% trong cùng khoảng thời gian trên và đã ghi nhận 19 lần lập kỷ lục trong năm 2017. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 đã vọt hơn 10%.

Hôm thứ Tư (22/02/2017), các nhà đầu tư trái phiếu Chính phủ và các chuyên viên giao dịch tiền tệ đã trở nên nhạy cảm trước việc Janet Yellen và các quan chức Fed cố gắng gây áp lực lên khả năng thực hiện các chính sách kích thích tài khóa từ Donald Trump. Cụ thể, Fed cho rằng các biện pháp trên có thể không trở thành hiện thực. Sau khi Fed công bố biên bản họp, chỉ số đồng USD - thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác - đã giảm sút và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ  kỳ hạn 10 năm giảm xuống 2.416% khi các nhà đầu tư tiếp tục đẩy giá trái phiếu lên cao, qua đó khiến lợi suất trái phiếu giảm xuống. Thông thường, lợi suất trái phiếu và giá trị tương đối của đồng USD sẽ tăng khi thị trường dự đoán sẽ có đợt nâng lãi suất.

Đồng USD, vốn chạm đỉnh 14 năm trong tháng 1/2017, và trái phiếu Chính phủ đều bị tác động bởi những hứa hẹn gia tăng chi tiêu cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và lạm phát của ông Trump. Nền kinh tế Mỹ mạnh hơn thường sẽ đi cùng với đồng bạc xanh mạnh, trong khi chi tiêu Chính phủ nhiều hơn và tác động bào mòn của lạm phát có xu hướng đẩy lãi suất trái phiếu cao hơn khi các nhà đầu tư từ bỏ trái phiếu.

Diễn biến bất thường của trái phiếu và tiền tệ sau khi có biên bản họp của Fed có thể là do các nhà đầu tư đang tập trung vào thông điệp của Fed về chính sách tài chính nhiều hơn và ít chú ý đến lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ.

“Thị trường có thể đang phản ánh rằng chúng ta có thể không chứng kiến một đợt chi tiêu mạnh cho cơ sở hạ tầng và kế hoạch cắt giảm thuế trong năm nay”, Brian Jacobsen, chiến lược gia danh mục hàng đầu tại Wells Fargo Funds Management, cho MarketWatch hay.

Một số chiến lược gia tranh luận rằng biên bản họp của Fed không quá mang hơi hướng chủ chiến hoặc chỉ ra sẽ có đợt nâng lãi suất vào thời gian tới khi Fed bị cản trở bởi sự không chắc chắn trong chính sách của Donald Trump và đồng USD mạnh. Một số thành viên của Fed dường như còn đề nghị đẩy nhanh tốc độ nâng lãi suất, nếu các chính sách tài khóa của Donald Trump được hiện thực hóa.

Trong khi đó, thị trường cổ phiếu, vốn hưởng lợi từ nhiều năm có lãi suất cực thấp, tỏ vẻ bình thản về khả năng nâng lãi suất sớm trong buổi họp của Fed vào ngày 14-15/03.

Nền kinh tế khỏe mạnh hơn có thể là một trong những nguyên nhân khiến cổ phiếu có khuynh hướng gạt bỏ những lời cảnh báo của Yellen và các quan chức Fed./.

Các tin tức khác

>   RCEP đang gặp phải những vấn đề gì? (27/02/2017)

>   Điều gì đã cản trở hoạt động thương mại quốc tế? (27/02/2017)

>   Hai câu chuyện đối lập về châu Á (25/02/2017)

>   Thương vụ Verizon - Yahoo cho chúng ta biết điều gì về bong bóng thị trường chứng khoán? (25/02/2017)

>   Vàng tăng 4 tuần liền khi đồng USD suy yếu (25/02/2017)

>   Dầu có tuần tăng nhẹ bất chấp đà suy yếu trong phiên (25/02/2017)

>   Vì sao một số quan chức Fed ủng hộ nâng lãi suất nhanh hơn? (24/02/2017)

>   Ai sẽ chịu thiệt nhất nếu Donald Trump châm ngòi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc? (24/02/2017)

>   Vàng lên đỉnh 3 tháng khi đồng USD suy yếu (24/02/2017)

>   Mỹ đang “ăn” miếng bánh thị phần dầu của OPEC (24/02/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật