Mỹ đang “ăn” miếng bánh thị phần dầu của OPEC
Kim ngạch xuất khẩu dầu thô của Mỹ đã đạt mức kỷ lục, vượt mốc 1 triệu thùng/ngày trong 2 tuần liên tiếp và khỏa lấp khoảng trống trên thị trường dầu thế giới do đợt cắt giảm sản lượng của OPEC để lại, CNBC cho hay.
Cụ thể, các nhà sản xuất dầu từ đá phiến và các nhà sản xuất khác tại Mỹ đã xuất khẩu 1.2 triệu thùng dầu thô vào các thị trường trên thế giới trong tuần trước, tăng gần 200,000 thùng/ngày so với thời điểm tuần trước đó và cao hơn 350,000 thùng so với mức bình quân trong 4 tuần, dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy.
Kyle Cooper, Tư vấn viên tại Ion Energy Group, cho rằng: “Mỹ sẽ là đối thủ cạnh tranh của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Không còn nghi ngờ gì nữa. OPEC chắc chắn sẽ phải lo ngại vì các nhà sản xuất tại Mỹ đang lấy mất thị phần của họ”.
Các nhà sản xuất dầu tại Mỹ cũng đã đẩy mạnh sản xuất lên 9 triệu thùng/ngày trong tuần trước, mức cao nhất kể từ tháng 4/2016. Sản lượng dầu ở Mỹ vẫn không ngừng gia tăng ngay cả khi dự trữ dầu tại Mỹ đang leo dốc. Cụ thể, theo EIA, nguồn cung dầu tại quốc gia này đã leo dốc 7 tuần liên tiếp.
“OPEC chắc chắn đang tỏ ra hết sức thận trọng với số lượng dầu xuất khẩu ngày càng gia tăng kia, và điều này đang phá hoại nỗ lực cắt giảm sản lượng của họ”, John Kilduff, thành viên sáng lập Again Capital, cho hay. “Một số lượng dầu được xuất khẩu sang các quốc gia châu Á. Trung Quốc là một trong những “khách hàng” quen thuộc ở khu vực này. Các nhà sản xuất từ nguồn đá phiến đang dần khỏa lấp khoảng trống do việc cắt giảm sản lượng để lại”.
Các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC, như Nga, đã nhất trí cắt giảm khoảng 1.8 triệu thùng/ngày nhằm ổn định giá dầu.
* IEA: “Đây là một trong những lần cắt giảm mạnh nhất trong lịch sử của OPEC"
Điều này hoàn toàn trái ngược với chiến lược thất bại trước đó là để thị trường thiết lập mức giá cho dầu. Kết quả là giá dầu đã rơi xuống khoảng hơn 20 USD/thùng khi các nhà sản xuất tràn ngập trên thị trường thế giới. Được biết, đây là một chiến lược nhằm để đáp trả trực tiếp lại đà tăng của sản lượng dầu từ nguồn đá phiến ở Mỹ trong thập kỷ vừa qua.
Dầu đã dao động trên mức 50 USD/thùng kể từ khi OPEC tiến tới thỏa thuận cắt giảm sản lượng trong tháng 12/2016. Thị trường đã đánh giá rất cao các nhà sản xuất vì đã tuân thủ thỏa thuận. Cụ thể, trong báo cáo gần đây của Bloomberg cho hay mức độ tuân thủ thỏa thuận của OPEC là 90% và của các nhà sản xuất ngoài OPEC là 70%. Được biết, OPEC đã cắt giảm khoảng 890 thùng/ngày trong tháng 1/2017.
Kilduff cho biết ông nghi ngờ về mức độ tuân thủ thỏa thuận. “Dường như mức độ tuân thủ sẽ giảm xuống dưới mức 80% vì hoạt động xuất khẩu dầu đang tăng mạnh”, ông cho hay.
“Nếu bạn là người mong chờ giá tăng, thì điều này sẽ làm bạn cảm thấy lo lắng”, Ông Cooper cho biết về hoạt động xuất khẩu dầu của Mỹ. “Tôi nghĩ vào cuối thời điểm tháng 3, tháng 4, thị trường sẽ lo lắng liệu OPEC có còn tuân thủ thỏa thuận nữa hay không”.
Trong tuần này, hãng tin Reuters cho biết các chuyên viên giao dịch từ Bắc Mỹ, Anh và Brazil đã gia tăng gấp 3 các đơn hàng chuyển sang châu Á nhờ tận dụng các đợt cắt giảm của OPEC. Theo nghiên cứu của Thomson Reuters, có khoảng 30 tàu chở dầu cỡ lớn đã di chuyển từ Mỹ, Biển Bắc và Địa Trung Hải tới châu Á.
Các nhà sản xuất dầu từ đá phiên đã hồi phục mạnh hơn dự báo, đồng loạt trở lại thị trường dầu khi giá dầu vượt mốc 50 USD/thùng. Trong ngày thứ Năm, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI đang dao động quanh mốc 54 USD/thùng. Khi lượng dầu xuất khẩu của Mỹ tăng cao thì lượng dầu nhập khẩu lại giảm xuất 7.3 triệu thùng/ngày, thấp hơn mức bình quân 4 tuần khoảng 1 triệu thùng/ngày./.
|