RCEP đang gặp phải những vấn đề gì?
Các nhà đàm phán về thương mại đang chịu áp lực để xúc tiến thỏa thuận RCEP, sau khi Donald Trump chính thức rút Mỹ ra khỏi TPP. Tuy nhiên, các quan chức tham dự cuộc họp ở Nhật Bản dường như đang phải đối mặt với một vài vấn đề rất nan giải, Bloomberg cho hay.
Trung Quốc là quốc gia đi đầu trong thỏa thuận Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), vốn không bao gồm Mỹ hoặc Canada. Khi tân Tổng thống Mỹ đưa ra lập trường bảo hộ thương mại - được minh chứng bằng động thái rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - thì đây là thời cơ để Trung Quốc đẩy mạnh RCEP và gia tăng sức ảnh hưởng của mình trên toàn cầu.
Dù vậy, một số quốc gia cảm thấy không thoải mái về việc nhanh chóng tiến tới RCEP ngay cả khi TPP dường như đã thất bại. Mặc dù cuộc đàm phán có lẽ phải đơn giản hơn – vì RCEP mang hơi hướng của một thỏa thuận thương mại truyền thống – nhưng vẫn còn đó những tranh luận về các đợt cắt giảm thuế suất và lĩnh vực dịch vụ.
Tốc độ hơn chất lượng?
RCEP có thể giúp phát triển chuỗi cung ứng ở châu Á, Kentaro Sonoura, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, cho hay.
“Đây là cuộc họp đầu tiên của năm 2017”, ông cho biết. “Tôi có kỳ vọng rất lớn về tiến độ hướng tới việc hoàn tất sớm một thỏa thuận chất lượng”.
Dù vậy, cuộc họp ở Nhật Bản có thể chỉ mới là 30% của chặng đường tiến tới thỏa thuận, một quan chức tham gia đàm phán cho biết.
“Đối với RCEP, thỏa thuận này dựa trên việc họ có ưu tiên tốc độ hơn chất lượng hay không”, Yorizumi Watanabe, từng là người thương lượng về thỏa thuận thương mại với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản và hiện là giáo sư tại Đại học Keio, cho biết. “Có khả năng RCEP sẽ chiếm ngôi của TPP và trở thành một mẫu hình cho các thỏa thuận tương lai. Tuy nhiên, nếu họ quá gấp rút tiến tới thỏa thuận, thì có lẽ RCEP sẽ không có chất lượng”.
Cái bóng của TPP sẽ ám ảnh các cuộc họp ở Kobe. Mặc dù Trung Quốc đang đẩy mạnh RCEP, nhưng một số thành viên tiềm năng của TPP đang kêu gọi vực dậy thỏa thuận này bằng cách tiến tới mà không cần Mỹ hoặc chờ đợi ông Trump “hồi tâm chuyển ý”.
Australia khăng khăng cho rằng TPP có thể tiếp tục mà không có Mỹ và sẽ tìm kiếm sự ủng hộ cho quan điểm này tại cuộc đàm phán giữa các bộ trưởng, dự kiến diễn ra vào tháng tới ở Chile. Một phát ngôn viên cho Bộ trưởng Thương mại Steven Ciobo cho rằng các cuộc đàm phán về RCEP đang đối mặt với rất nhiều thử thách và vẫn còn đó những vấn đề về việc tiếp cận thị trường của các quốc gia thành viên.
* Australia hướng tới thỏa thuận “TPP-1” sau khi Mỹ rút lui
“7 quốc gia trong cả TPP lẫn RCEP đang bù đầu để giải bài toán về TPP khi Mỹ rút lui”, Deborah Elms, Giám đốc điều hành của Trung tâm Thương mại châu Á (ATC), nhận định. “Nếu TPP không thể tiến tới thì một số thành viên có thể đề nghị thêm một vài điều khoản của TPP vào RCEP”.
RCEP được xem như là một sự mở rộng mối quan hệ thương mại Đông Nam Á với Trung Quốc, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản. Thỏa thuận này bao gồm cả New Zealand và Hàn Quốc, vốn đã có sẵn thỏa thuận thương mại tự do với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). RCEP sẽ bao gồm gần 50% dân số thế giới và 30% GDP của nền kinh tế toàn cầu.
Hiện các thành viên thuộc ASEAN nhận thấy RCEP dần trở thành một yếu tố quan trọng, Rebecca Fatima Sta Maria, từng là Tổng Thư ký Bộ Thương mại quốc tế và Công nghiệp Malaysia, cho hay.
Lĩnh vực dịch vụ
RCEP bao gồm các điều khoản về hoạt động đầu tư, sở hữu trí tuệ và sự hợp tác kinh tế và kỹ thuật. Được biết, thỏa thuận này sẽ đưa ra một cơ chế giải quyết tranh chấp. Không như TPP, RCEP không yêu cầu các quốc gia thành viên phải bảo vệ quyền lao động hoặc cải thiện các tiêu chuẩn về môi trường. Và cũng như TPP, RCEP đang gặp rất nhiều khó khăn.
Ấn Độ đang ủng hộ việc tự do hóa dịch vụ, một lĩnh vực đóng góp hơn 50% GDP của quốc gia này và ảnh hưởng đến việc di chuyển lao động xuyên biên giới. Một điểm vẫn chưa được giải quyết là việc nới lỏng các quy định để giúp các người lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin (IT) đi ra nước ngoài dễ dàng hơn.
*RCEP có thể bất thành do các biện pháp bảo hộ của Ấn Độ
“Khó thực hiện”
“Vấn đề của RCEP là phải trải qua rất nhiều giai đoạn mới có thể tiến tới thỏa thuận này”, Elms cho biết. “Quá khó để hiện thực hóa RCEP. Đặc biệt là khi bạn đang tạo dựng một thỏa thuận kết nối các thị trường chủ chốt ở châu Á với nhau lần đầu tiên trong lịch sử”.
Trong khi đó, Australia sẽ tiếp tục đẩy mạnh TPP. Ông Ciobo đã bàn luận về ý tưởng Trung Quốc sẽ tham gia vào một phiên bản “làm lại” của TPP trong suốt chuyến viếng thăm tới Trung Quốc trong tuần trước.
Để chính thức có hiệu lực, TPP cần phải được ít nhất 6 quốc gia thành viên thông qua, và các quốc gia này phải chiếm 85% tổng GDP của 12 quốc gia ký kết lúc đầu. Kim Jong-hoon, từng là Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc, cho rằng với việc Mỹ chiếm 60% trong tổng GDP của các nước thành viên, TPP coi như đã kết thúc. Điều này sẽ thay đổi nếu Trung Quốc tham gia vào thỏa thuận./.
|