Hai câu chuyện đối lập về châu Á
Khi nhìn vào các thị trường châu Á, nhà đầu tư đã đưa ra 2 câu chuyện trái ngược nhau. Đầu tiên là một châu Á tăng trưởng, nơi mà sự phát triển kinh tế, chi tiêu tiêu dùng và sự đổi mới công nghệ tạo ra một “mảnh đất màu mỡ” để các công ty tăng trưởng về lợi nhuận. Câu chuyện thứ hai là một châu Á dễ bị tổn thương trước lập trường bảo hộ thương mại của Mỹ, một đồng USD mạnh hơn và sự mất cân đối về cơ cấu kinh tế. Liệu câu chuyện nào sẽ nổi trội hơn?
Trong một bài viết trên trên MarketView vào giữa tháng 2/2017, công ty quản lý quỹ Aberdeen (Aberdeen Asset Management) cho rằng, châu Á vẫn là một trong những khu vực mạnh nhất thế giới khi xét về tốc độ tăng trưởng. Hai nền kinh tế lớn là Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục cho thấy tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp mức nợ ngày càng cao ở Trung Quốc và tiến trình cải cách ở Ấn Độ. Tốc độ tăng trưởng này còn lan rộng ra các khu vực như Việt Nam. Được biết, Việt Nam đã tăng trưởng GDP hơn 6% và được dự báo sẽ tiếp tục cho đến năm 2021 và xa hơn nữa. Bên cạnh đó, Philippines, Malaysia và Indonesia cũng đều tự hào về tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng.
Cơ hội nào cho châu Á?
Các Chính phủ ở khu vực này có sự linh hoạt về chính sách: Các mức nợ không bị thổi phồng lên, các Chính phủ cũng có khả năng cắt giảm thuế và gia tăng mức chi tiêu của mình. Dĩ nhiên, vẫn có khả năng lãi suất thị trường sẽ giảm khi lạm phát đang nằm trong tầm kiểm soát. Tất cả điều này đã tạo ra một môi trường thuận lợi để các công ty tiếp tục phát triển.
Tuy nhiên, châu Á lại được nhìn nhận là khu vực dễ bị tổn thương nhất trước bất kỳ sự gia tăng nào trong lập trường bảo hộ thương mại của Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục hủy bỏ các thỏa thuận thương mại quốc tế và đe dọa áp đặt thuế suất cao hơn lên các hàng hóa từ châu Á. Tất nhiên, mức độ ảnh hưởng có sự khác biệt giữa các quốc gia. Rủi ro nhiều nhất sẽ là các quốc gia có hoạt động xuất khẩu thuộc các lĩnh vực như công nghệ thông tin (IT), hàng gia dụng hoặc phụ tùng xe. Bởi vì Mỹ tin rằng những hàng hóa này có thể sản xuất trong nước. Điều này sẽ khiến các quốc gia như Đài Loan và Hàn Quốc rơi vào tình thế khó khăn.
Aberdeen không đưa ra quyết định đầu tư dựa vào sự phát triển vĩ mô và cũng không thay đổi chiến lược đầu tư của quỹ New Dawn investment trust dựa trên mối quan hệ giữa Donald Trump và Trung Quốc hoặc khả năng tăng giá của đồng USD. Tuy nhiên, nhà quản lý quỹ này tin rằng một sự tập trung vào chất lượng sẽ dẫn chúng ta tới câu chuyện châu Á tăng trưởng thay vì một châu Á dễ bị tổn thương. Được biết, Aberdeen New Dawn Investment Trust PLC đã bắt đầu hoạt động kể từ 1989 và chuyên đầu tư vào thị trường cổ phiếu châu Á, ngoại trừ Nhật Bản. Các cổ phiếu của công ty được lựa chọn dựa trên tiêu chí chất lượng.
Cuộc cải cách ở Ấn Độ
Aberdeen đặt tỷ trọng khá cao vào Ấn Độ. Quyết định này không dựa nhiều vào yếu tố vĩ mô mà do tìm thấy các công ty vững chắc và được quản lý tốt. Tuy nhiên, Ấn Độ cũng là một quốc gia có mức độ cách ly với diễn biến kinh tế toàn cầu cao hơn phần lớn các quốc gia châu Á khác. Điều đáng lo lắng hơn là chương trình cải cách ở Ấn Độ, bao gồm cả chương trình loại bỏ hơn 80% lượng tiền mặt ra khỏi lưu thông từ Thủ tướng Narendra Modi. Tuy nhiên, về dài hạn, chương trình này sẽ chuyển biến tốt và nằm trong các mối quan tâm dài hạn của nền kinh tế.
Aberdeen không nắm giữ nhiều cổ phiếu tại các quốc gia dễ bị tổn thương như Hàn Quốc và Đài Loan. Đơn giản là do không có nhiều công ty ở 2 quốc gia này có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn của quỹ. Các cổ phiếu ở Hàn Quốc thường không đáp ứng tiêu chuẩn “chất lượng” của quỹ. Tuy nhiên, điều này có nghĩa là quỹ sẽ không bị ảnh hưởng nhiều từ các chính sách bảo hộ thương mại của Donald Trump.
Vấn đề nan giải ở Trung Quốc
Có nhiều lĩnh vực đang rơi vào khó khăn. Chẳng hạn như ở Trung Quốc, các lĩnh vực “kinh tế lâu đời” đang cho thấy thành quả thấp. Cũng do chính sách dẫn dắt sai lầm, dòng vốn đã đổ vào các lĩnh vực yếu kém và có thành quả kinh tế thấp. Trong khi đó, rất nhiều lĩnh vực đang tăng trưởng rất mạnh, như công nghệ hoặc tiêu dùng, lại không được chú trọng. Hơn 50% GDP của Trung Quốc đến từ lĩnh vực dịch vụ. Sự chuyển dịch sang nền kinh tế tiêu dùng đang diễn ra quá nhanh và thành công.
Tuy nhiên, việc tìm kiếm các công ty ở Trung Quốc thì không dễ dàng. Các tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp kém. Các công ty mạnh được định giá quá cao. Trong trường hợp này, Aberdeen thường phải tìm kiếm một cách khác để đầu tư dựa vào tăng trưởng tiêu dùng ở Trung Quốc, chẳng hạn như Tập đoàn mỹ phẩm Hàn Quốc Amore Pacific. Công ty này có doanh số tăng 30-40% mỗi năm tại Trung Quốc nhưng lại không vướng các vấn đề như đã thấy ở các công ty niêm yết nội địa.
Aberdeen cho biết, vẫn còn đó một số trường hợp định giá không quá cao. Trong thời gian gần đây, Aberdeen đã đầu tư vào công ty Yum China, vốn sở hữu thương hiệu KFC và Pizza Hut ở Trung Quốc. Công ty này có tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) lớn, lượng tiền mặt ròng trên bảng cân đối kế toán cao và được điều hành tốt bởi các nhà quản lý có năng lực. Vì vậy, Aberdeen tin rằng sẽ còn dư địa tăng trưởng.
Câu chuyện lạm phát
Các quốc gia khác của châu Á cũng chứng kiến hoạt động đầu tư nhằm hưởng lợi từ đà tăng của lạm phát (reflationary trade) tương tự như các quốc gia phương Tây sau khi chứng kiến sự cải thiện tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu và kỳ vọng về các biện pháp kích thích tài khóa ở Mỹ. Việc tập trung vào tiêu chuẩn “chất lượng” không ngăn cản Aberdeen đầu tư vào đây. Quỹ này đã đầu tư vào công ty BHP Billition thuộc lĩnh vực khai mỏ vốn nhiều rủi ro, nhưng tỷ trọng chính trong danh mục vẫn là nhóm cổ phiếu tài chính.
Trong khi đà tăng gần đây của nhóm cổ phiếu tài chính Mỹ bị chi phối phần lớn bởi cam kết nới lỏng quy định, bao gồm việc bác bỏ Đạo luật Dodd-Frank, thì ở châu Á đà tăng lại phụ thuộc chủ yếu vào kỳ vọng nâng lãi suất. Đây là một sự khác biệt quan trọng. Vẫn còn rủi ro khi việc nới lỏng quy định có thể làm giảm chất lượng của các ngân hàng và khiến khoản đầu tư dài hạn này trở nên yếu hơn.
Theo Aberdeen thì các ngân hàng ở châu Á mà quỹ đầu tư, đặc biệt là ở Singapore, dường như vẫn hoạt động tốt.
Là một nhà xuất khẩu lớn, châu Á dễ bị tổn thương với bất kỳ sự gia tăng nào trong lập trường bảo hộ thương mại trên toàn cầu. Tuy nhiên, vì 2 câu chuyện này sẽ tồn tại song song và chẳng có câu chuyện nào nổi trội hơn cả nên khu vực này luôn phải giải quyết các ảnh hưởng đối nghịch trên. Tuy nhiên, Aberdeen tin rằng việc nhấn mạnh vào “chất lượng” sẽ luôn được bảo vệ./.
|