Phép thử Samsung
Phó Chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Jae-yong tuần trước đã bị tống giam. Đây là động thái chưa từng có đối với lãnh đạo của công ty lớn nhất Hàn Quốc. Số phận của ông Lee sắp tới sẽ là phép thử đối với cả Samsung lẫn Hàn Quốc.
* Samsung thống trị nền kinh tế Hàn Quốc như thế nào?
* Bắt Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung
Phó Chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Jae-yong bị cáo buộc hối lộ tham nhũng.
|
Thứ Năm tuần trước, ông Lee Jae-yong, 48 tuổi, xuất hiện bên ngoài một tòa án ở thủ đô Seoul trong bộ vest lịch lãm, thắt cả vạt. Chiếc xe chở ông sau đó hướng thẳng tới một trung tâm giam giữ, nơi ông bị cách ly để chờ phán quyết của tòa án. Phó chủ tịch của Samsung bị cáo buộc hối lộ, tham nhũng và khai man trong cuộc điều tra liên quan tới Tổng thống Park Geun-hye. Bà Park hiện cũng sắp phải đối mặt với một cuộc luận tội.
Ông Lee Jae-yong là Phó chủ tịch nhưng là nhà lãnh đạo trên thực tế của Samsung, bởi Chủ tịch tập đoàn, ông Lee Kun-hee (ông Lee cha) đang phải điều trị bệnh sau một cơn đau tim năm 2014.
Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo cao cấp của tập đoàn Samsung bị tống giam. Các “sếp” trước đó của Samsung cũng đã từng bị cáo buộc phạm pháp, nhưng chưa ai phải ngồi tù. Ông Lee (cha) chẳng hạn, đã hai lần bị kết án về tội hối lộ và trốn thuế nhưng chưa ngồi tù giờ nào.
Theo thống kê của báo The New York Times, trong số 10 tập đoàn kinh tế tư nhân (chaebol) lớn nhất của Hàn Quốc, ít nhất 6 tập đoàn có lãnh đạo cao cấp bị kết án liên quan tới tội phạm “cổ cồn trắng” (án kinh tế); nhưng đa số được ân xá hoặc đình chỉ thi hành án.
Trong nhiều thập kỷ qua, sự tăng trưởng kinh tế thần kỳ của Hàn Quốc được thúc đẩy bởi các chaebol như Samsung, một tập đoàn kinh tế gia đình. Các chaebol bám rễ sâu vào nền kinh tế đất nước, với doanh thu hàng năm mà 10 tập đoàn lớn nhất tạo ra chiếm hơn 80% tổng GDP của Hàn Quốc. Chỉ riêng mảng thiết bị điện tử của Samsung thôi cũng đã chiếm một phần năm kim ngạch xuất khẩu của đất nước. Vì vậy, nhiều người lo ngại việc chaebol bị đổ vỡ có thể làm tổn thương nền kinh tế.
“Chúng tôi đang bị sốc và vô cùng lo lắng” - Liên đoàn chủ sử dụng lao động Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố được The New York Times trích dẫn, về việc bắt giữ ông Lee. “Samsung là công ty toàn cầu, đại diện cho Hàn Quốc. Chúng tôi sợ rằng khoảng trống điều hành của họ sẽ đè nặng lên nền kinh tế, làm gia tăng bất ổn và làm tổn thương uy tín quốc tế” - tuyên bố viết.
Nhưng những người phản đối sự thống trị của chaebol thì cho rằng đã đến lúc phải xóa bỏ những mối liên hệ mờ ám giữa kinh tế và chính trị ở Hàn Quốc. Và vụ việc của ông Lee (con) sẽ được coi là phép thử điển hình.
Gần đây, khi những đoàn người khổng lồ đổ xuống đường kêu gọi luận tội Tổng thống Park Geun-hye vì tham nhũng, họ cũng đồng thời yêu cầu bắt giữ các lãnh đạo Samsung, những người bị cáo buộc đóng vai trò quan trọng trong vụ bê bối của bà Park.
“Việc bắt giữ này mới chỉ là sự khởi đầu” - bà Sim Sang-jeung, một nghị sĩ đối lập nói. “Chúng ta cần phải xem liệu các công tố có đưa ra một hình phạt thích hợp với tội danh của ông ta không, và liệu ông có bị kết án với hình phạt đó hay không”, bà Sim cho biết. Bà cảnh báo rằng, các cơ quan thực thi pháp luật vẫn thường “nhẹ tay” với các lãnh đạo chaebol.
Vụ bắt giữ ông Lee cũng sẽ là phép thử đối với bản thân Samsung, tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc. Liệu số phận của công ty sẽ ra sao và những khó khăn của nó sẽ tác động thế nào tới nền kinh tế đất nước? Lần đầu tiên trong lịch sử 79 năm của mình, Samsung đã rơi vào tình trạng “rắn mất đầu”. Sự vắng mặt của ông Lee đồng nghĩa với việc công ty thiếu các kế hoạch dài hạn và quyết định chiến lược.
Đương nhiên, Samsung vẫn có một đội ngũ giám đốc điều hành chuyên nghiệp để quản lý các công việc hàng ngày ở 58 công ty con. Nhưng trong văn hóa chaebol, nếu không có một nhà lãnh đạo cao cấp là người trong gia đình, việc ra quyết định của cả tập đoàn sẽ chậm lại.
Hiện nay ông Choi Gee-sung, cánh tay phải cho ông Lee (con), được cho là người thay thế gần nhất, nhưng vì ông không phải là thành viên gia đình ông Lee nên ông khó có những thẩm quyền sâu rộng và trách nhiệm như cha con ông Lee khi ra những quyết định liên quan tới đầu tư hàng tỉ đô la.
Vụ bắt giữ diễn ra khi lĩnh vực điện tử của Samsung đang gặp khó. Công ty phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ tập đoàn Apple và các nhà sản xuất điện thoại thông minh giá rẻ từ Trung Quốc. Samsung cũng vừa mới trải qua sự cố thu hồi Galaxy Note 7, thiệt hại 5,4 tỉ đô la Mỹ.
Một giám đốc hàng đầu của tập đoàn lớn nhất nước phải ngồi tù vì bị cáo buộc tham gia vào một vụ bê bối tham nhũng có thể khiến tổng thống bị mất chức. Nếu ở hầu hết các nước khác, điều đó sẽ thổi bùng một chiến dịch yêu cầu minh bạch hóa, xóa bỏ những mối liên hệ mờ ám giữa doanh nghiệp và chính quyền. Liệu điều này có xảy ra tại Hàn Quốc hay không, khi các chaebol là yếu tố góp phần đã đưa nước này trở thành cường quốc trong suốt mấy chục năm qua?
http://www.thesaigontimes.vn/157198/Phep-thu-Samsung.html
|