Cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo có thể bắt đầu từ... xe hơi
Bị cám dỗ bởi lãi suất thấp, giá xăng rẻ và hàng loạt mẫu xe hấp dẫn, lại nhanh hơn, thông minh hơn và hiệu quả hơn bao giờ hết, các “bác tài” Mỹ đang ngày càng lái “thả ga” hơn. Dù vậy, đừng bị lừa bởi sức hấp dẫn ấy, những cỗ máy hào nhoáng ấy đang mang lại các món nợ lớn, Bloomberg đưa tin.
Theo Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Fed) khu vực New York, các khoản vay mua xe của người dân Mỹ đã chạm mức kỷ lục trong quý 4/2016, khi tình trạng mọi người đổ xô nhau mua sắm xe hơi vào cuối năm đã đẩy các khoản nợ vay mua xe lên một đỉnh u ám: 1.16 ngàn tỷ USD. Xe mới kèm theo các vấn đề tín dụng mới là điều có thể thấy ở khắp các thương hiệu từ Subarus ở tiểu bang Maine cho đến Tesla ở San Francisco.
Đó là một con số đáng báo động, đủ lớn để gây ra một cuộc thảo luận về vấn đề “bong bóng” trong ngành này. Thật vậy, đống nợ đó bao gồm chi phí của 43.4 triệu chiếc Ford F-150, một dòng xe mà cứ khoảng 8 người Mỹ lại sở hữu một chiếc.
Đặt dưới một lăng kính khác: Trung bình mỗi tài xế có bằng lái ở Mỹ hiện mắc nợ khoảng 6,100 USD vì mua xe.
Tuy nhiên, thị trường xe hơi lại khác rất nhiều so với thị trường nhà. Đầu tiên, xe hơi là tài sản có tính thanh khoản cao hơn nhiều – nghĩa là chúng dễ thu hồi và bán lại hơn nhiều. Bên cạnh đó, khoản chi phí mua xe hơi có khuynh hướng thấp hơn các khoản chi phí mua nhà và mọi người cũng có khuynh hướng sử dụng xe hơi rất nhiều. Vì thế, các khoản chi phí mua xe thường được ưu tiên hơn những thứ khác.
Thật vậy, tình trạng trễ hạn thanh toán nợ xe hơi dù đang tăng nhưng vẫn thấp hơn so với số lượng trễ hạn từ khoản nợ vay của sinh viên và nợ tín dụng. Do đó, những ai đang sẵn sàng cho sự sụp đổ kinh tế toàn cầu không nên hoảng sợ về khoản nợ vay mua xe hơi ngay lúc này.
Dẫu vậy, họ nên lo lắng giống như các quản lý tại những công ty sản xuất xe hơi lớn. Ngoại trừ một số công ty startup tài chính, các nhà sản xuất này là người đang cho những người mua có độ rủi ro cao nhất vay. Tuy nhiên, họ có động cơ lớn hơn để thúc đẩy doanh số và không như ngân hàng, họ kiếm tiền cả từ khoản cho vay đó lẫn từ sản phẩm của họ, nếu như mọi chuyện suôn sẻ.
Gần đây, các nhà sản xuất xe hơi tập trung vào các dòng SUV và xe tải, vốn có khuynh hướng mang lại lợi nhuận biên cao hơn các dòng sedan và cũng đắt hơn một chút.
Việc nới lỏng tiêu chuẩn tín dụng xuống một chút và kéo dài thời gian trả nợ lên đến 6 hoặc 7 năm đã giúp cho ngành xe hơi đạt được các mức kỷ lục, với 17.55 triệu xe được bán ra trong cả năm ngoái.
Trong 2 năm qua, các “bác tài” Mỹ với điểm tín dụng ít hơn 620 đã vay 244 tỷ USD để mua xe, một kỷ lục chưa từng có kể từ năm 2006 và 2007, thời điểm mà lượng người mua tương tự đã gây ra món nợ lên đến 254 tỷ USD.
Vấn đề ở đây là nhiều người trong số đó hiện có lý lịch quản lý tài chính không tốt lắm. Vào thời điểm này, các công ty xe hơi – và những đơn vị cung cấp tài chính của họ - cung cấp khoảng 50% các khoản nợ vay mua xe, nhưng 3/4 trong số này là dành cho những người mua xe “dưới chuẩn được vay”. Khi các vụ trễ hạn trả nợ tăng lên thì đây là những công ty đầu tiên mà sẽ cảm nhận được điều đó. Và sự thật là, Fed cho rằng những vụ trễ hạn gần đây đang ảnh hưởng xấu đến các nhà sản xuất xe hơi, mặc dù các hiệp hội tín dụng và ngân hàng đã chứng kiến sự cải thiện trong vấn đề thanh toán trễ hạn.
Nói cách khác, mỗi khi nhân viên bán hàng thuyết phục ai đó mua một chiếc SUV hào nhoáng, họ có nhiều điểm chung với người mua hơn chúng ta nghĩ, đó là cả hai đều có thể sẽ “trả giá” cho điều đó trong tương lai./.
|