Ứng dụng Tài chính hành vi trong đầu tư
Tài chính hành vi đang ngày càng trở thành một bộ phận không thể thiếu trong quá trình đầu tư. Tuy nhiên, việc ứng dụng nó cần phải có những lưu ý cần thiết để đạt được hiệu quả như mong muốn.
Thị trường không phải lúc nào cũng hiệu quả
Các nhà đầu tư trên thị trường Việt Nam đã bắt đầu nhận ra rằng thị trường đôi khi hơi “điên” hoặc bi quan quá mức so với các suy luận logic thông thường. Vì vậy, nó làm cho sự hiệu quả của thị trường trong một số giai đoạn kém đi đáng kể.
Lý thuyết thị trường hiệu quả dựa vào nguyên tắc mọi hành xử lý của nhà đầu tư đều có chung mục đích tối đa hóa lợi ích một cách chính xác và giá trị hợp lý của các tài sản tài chính đã phản ánh tất cả các thông tin.
Thị trường hiệu quả luôn tồn tại một cơ chế điều chỉnh thị trường về trạng thái cân bằng, đó là cơ chế kinh doanh chênh lệch giá. Tài chính hành vi, đại diện tiêu biểu nhất là Giáo sư Daniel Kahneman (Nobel Kinh tế 2002), là lĩnh vực tài chính sử dụng các lý thuyết cơ bản dựa trên tâm lý con người để giải thích những bất thường trên thị trường tài chính. Trong đó, lý thuyết tài chính hành vi chỉ ra rằng cơ chế điều chỉnh thị trường về trạng thái cân bằng không phải lúc nào cũng có thể xảy ra. Có nghĩa là sẽ có trường hợp những nhà đầu tư “hợp lý” sẽ không thể chiến thắng những nhà đầu tư “bất hợp lý”. Lúc này thị trường sẽ không hiệu quả, hay tài sản tài chính được định giá quá cao hoặc quá thấp.
Rõ ràng, trong những thời kỳ như vậy nhà đầu tư cần được trang bị những công cụ và kiến thức để thích nghi vì khó có thể thay đổi ngay lập tức thực trạng của thị trường.
Một số hội chứng thường gặp và cách khắc phục
Tâm lý bầy đàn – Hội chứng thường gặp nhất. Điển hình nhất và thường được giới nghiên cứu học thuật cũng như các nhà đầu tư thực tế nhắc đến nhiều nhất là hội chứng tâm lý bầy đàn (herding bias).
Tâm lý bầy đàn thường gây hại cho nhà đầu tư thông qua việc khiến cho họ bị cuốn vào ma trận những tin đồn trên thị trường, những cơ hội đầu tư hấp dẫn từ những cổ phiếu “nóng”…
Cách khắc phục sẽ bao gồm 2 yếu tố chính:
Thứ nhất, nhà đầu tư hãy chú trọng vào bức tranh tổng thể và các xu hướng dài hạn thay vì các tín hiệu ngắn hạn. Vì việc dẫn dắt đám đông theo một hướng phi logic trong một thời gian quá dài là điều bất khả thi.
Thứ hai, nếu nhà đầu tư vẫn muốn lướt sóng ngắn hạn thì cần phải đề ra những nguyên tắc thật chặt chẽ và kỷ luật. Ví dụ của CTD dưới đây cho thấy khá rõ điều này. Trong giai đoạn tháng 02/2016, chỉ báo Stochastic Oscillator lên vùng quá mua (hiểu là bên mua đang khá “điên” và thắng thế). Nhà đầu tư có thể hùa theo và mua khi có dấu hiệu này. Tuy nhiên, đến đầu tháng 04/2016, Stochastic Oscillator rơi khỏi mốc 80, cho thấy bên mua không còn chiếm ưu thế lớn nữa và sự hưng phấn cũng giảm bớt nhiều nên cần phải thoát ra.
Ví dụ trên cho thấy tâm lý bầy đàn không hẳn là xấu. Nói cho chính xác thì cái này thuộc về bản chất con người nên không thể triệt tiêu. Thông qua các chỉ báo để nhận biết khi nào thì “bầy đàn” không còn hưng phấn nữa, nhà đầu tư có thể tận dụng nó để tìm kiếm lợi nhuận cho bản thân.
Căng thẳng quá mức trong quá trình đầu tư. Hầu hết các nhà đầu tư dù thành công hay thất bại đều có một nhận định chung là đầu tư chứng khoán gây sức ép lớn cho đầu óc và tim mạch. Nếu để ý kỹ thì có vẻ đồ thị phân tích kỹ thuật chứng khoán lúc sideways nhìn cũng không khác mấy đồ thị điện tim!
Sự căng thẳng này nếu không giải quyết thì không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mà về dài hạn còn làm kém đi hiệu quả đầu tư của danh mục.
Sau đây xin được đề xuất một số cách giúp giải quyết phần nào vấn đề này:
Thứ nhất, nhà đầu tư cần hạn chế sử dụng margin. Việc sử dụng các loại đòn bẩy tài chính có thể dễ dàng khiến cho nhà đầu tư rơi vào trạng thái quá lạc quan (excessive optimism) hoặc quá bi quan (excessive pessimism) khi thị trường biến động mạnh. Điều này đặc biệt đúng ở các nhà đầu tư cá nhân chưa có nhiều kiến thức và kinh nghiệm trên thị trường. Một khi không thể kềm chế được cảm xúc (do danh mục thua lỗ quá nhanh) thì hoảng loạn là điều tất yếu.
Thứ hai, cùng một phương pháp đầu tư như nhau nhưng nếu quản lý hai số tiền khác nhau (ví dụ: 100 triệu và 100 tỷ) thì hiệu quả sẽ khác nhau. Rõ ràng, khi quả lý số tiền càng lớn thì áp lực và sự căng thẳng cũng sẽ lớn hơn. Lời khuyên đối với các nhà đầu tư mới trên thị trường là không nên vội vàng bắt đầu với số tiền lớn ngay mà nên dùng số tiền nhỏ để đầu tư và học hỏi dần dần./.
|