BMP: Một bình minh tươi sáng cho cổ đông?
Là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu ngành nhựa, BMP cũng là cái tên thu hút được sự chú ý của giới đầu tư chứng khoán trong năm qua. Tăng trưởng đều nhiều năm, triển vọng nới room, cổ tức tiền mặt 2015 lên tới 60%, BMP đã trở thành món hời lớn cho những ai nắm giữ cổ phiếu này.
Ở phiên giao dịch đầu tiên của năm 2016, ngày 4/1, giá cổ phiếu BMP của Nhựa Bình Minh đóng cửa ở mức giá 128,000 đồng/cp. Tính đến hết tháng 9, giá BMP đã leo lên mốc 193,000 đồng/cp. Thanh khoản của BMP tương đối ổn định với khối lượng giao dịch trung bình trong một năm qua là gần 99 ngàn cổ phiếu/phiên.
Như vậy, chỉ trong vòng chưa đến 1 năm, cổ đông nắm giữ cổ phiếu BMP đã có khoản lợi nhuận từ chênh lệch giá là 65,000 đồng/cp, tương ứng tỷ suất sinh lợi lên đến 51%. Đến thời điểm này, giá BMP đang ở mức cao nhất trong năm 2016.
Giá cổ phiếu BMP từ đầu năm 2016 đến ngày 30/9/2016
|
Nhà đầu tư - 1 vốn 4 lời!
Song, đó chưa phải là tất cả, những gì BMP mang lại cho cổ đông có sự ổn định kéo dài qua nhiều năm. Lợi nhuận sau thuế của BMP đều tăng trưởng mạnh mẽ từ khi niêm yết cho đến đến nay. Nếu năm 2008, lãi ròng của công ty chỉ có gần 96 tỷ đồng thì đến năm 2015, BMP đã thu về trên 665 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Chỉ trong 7 năm, lãi ròng đã tăng gần 7 lần, tính trung bình tốc độ tăng trưởng trong mỗi năm lên gần 99%. Đây không phải là điều mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng làm được.
Lợi nhuận tăng trưởng đều qua nhiều năm cũng chính là nền tảng để BMP có thể chia sẻ lợi ích cho các cổ đông của mình thông qua cổ tức bằng tiền mặt và cổ tức cổ phiếu. Những con số được trình bày ở bảng dưới đã cho thấy cổ đông nắm giữ BMP chưa bao giờ thiệt thòi so với cổ đông của các công ty khác. Dù năm 2007, công ty có tỷ lệ chi trả tiền mặt là thấp nhất trong các năm với tỷ lệ 10%, nhưng bù lại cổ đông lại có thêm 20% cổ tức bằng cổ phiếu. Qua các năm tiếp theo, từ 2008-2010, công ty vẫn duy trì mức cổ tức tiền mặt đều đặn từ 15-20%. Đến năm 2012, cổ đông công ty nhận được tới 40% cổ tức tiền mặt và 30% cổ tức bằng cổ phiếu. Và mới đây nhất, tỷ lệ chia cổ tức tiền mặt đã lên tới con số 60% - mức chi trả cổ tức cao ngất ngưỡng so với các doanh nghiệp khác trên sàn cho năm tài chính 2015.
Kết quả kinh doanh và lịch sử chi trả cổ tức của BMP
|
Có thể thấy, nếu một nhà đầu tư nắm giữ 100 cổ phiếu BMP từ đầu năm 2017, tương ứng vốn đầu tư ban đầu 14.4 triệu đồng, thì giá trị khoản mục đầu tư này đã tăng lên 32.71 triệu đồng tính đến hết quý 3/2016 (tương ứng với mức giá cổ phiếu tăng từ 144,000 đồng/cp lên 193,000 đồng/cp). Chưa kể tài khoản chứng khoán còn “tự động” tăng thêm 56 cổ phiếu BMP từ cổ tức cổ phiếu được chia, trị giá 10.8 triệu đồng tính đến cuối tháng 9/2016. Như vậy, tỷ suất sinh lợi riêng cho phần chênh lệch giá và thưởng cổ phiếu trong 8.5 năm lên đến hơn 300%, tính trung bình mỗi năm là 33.57%.
Ngoài tài khoản chứng khoán phình to gấp ba, nhà đầu tư còn được giắt túi lượng tiền mặt từ cổ tức tương đương 260% so với mệnh giá 10,000 đồng tính cho mỗi cổ phiếu nắm giữ (cộng ngang các khoản cổ tức tiền mặt các năm).
Tương lai triển vọng ở trước mắt
Câu hỏi được đặt ra lúc này là quá khứ như vậy, nhưng kết quả hoạt động của công ty thời điểm hiện tại và những triển vọng trong tương lai của BMP sẽ như thế nào? Có lẽ, câu hỏi này chỉ có thời gian mới trả lời được. Tuy nhiên, những số liệu trong báo cáo tài chính quý 2/2016, quý mới nhất, tiếp tục cho thấy những tín hiệu tích cực khi lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm là 424 tỷ đồng, đạt 71% kế hoạch cả năm.
Ở thời điểm này, cái tên BMP vẫn còn khá nóng với những thông tin xoay quanh việc SCIC sẽ thoái vốn khỏi công ty. Bên cạnh đó, tại ĐHĐCĐ thường niên của công ty diễn ra vào tháng 4 vừa qua, đã có những thông tin về việc BMP sẽ nâng tỷ lệ sở hữu vốn nhà đầu tư nước ngoài lên 100%.
Sản phẩm ống nhựa của BMP được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như xây dựng và gia dụng
|
Hiện tại, BMP đang sản xuất khá nhiều dòng sản phẩm khác nhau. Trong đó, sản phẩm chủ lực của công ty là ống uPVC và phụ tùng khi chiếm đến 93% cơ cấu doanh thu BMP trong năm 2015 (theo phân tích của CTCK MSI). Ống nhựa uPVC của công ty đang được sử dụng trong hệ thống phân phối nước uống, dẫn nước và tưới tiêu trong nông nghiệp, dẫn nước trong công nghiệp, hệ thống thoát mưa và nước thải. Sản phẩm của BMP cũng được sử dụng trong các tuyến cáp ngầm ngành điện lực và ngành bưu điện.
Hiện hệ thống phân phối của sản phẩm nhựa Bình Minh đang được phủ sóng trên toàn quốc. BMP chiếm 50% thị phần của khu vực phía Nam, 5% khu vực phía Bắc và các tỉnh thành khác là 20-30%. BMP có 100 cửa hàng cấp 1 và 1,300 cửa hàng cấp 2. Ngoài ra, 80% cửa hàng kinh doanh ống nhựa trong nước có kinh doanh sản phẩm của Nhựa Bình Minh. BMP cũng quyết tâm đẩy mạnh thị phần ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên khi thời gian qua đã quyết định thâu tóm CTCP Nhựa Đà Nẵng (HNX: DPC). Chính HĐQT của công ty cũng nhìn nhận DPC sẽ nền tảng để BMP có thể xây dựng các cứ điểm tại miền Trung và Tây Nguyên. Trong năm 2015, BMP đưa vào hoạt động nhà máy Bình Minh tại Long An với công suất 5,000 tấn sản phẩm phụ tùng/năm.
BMP đang là đại diện tiêu biểu cho một ông lớn có khả năng tài chính vững mạnh và an toàn khi sử dụng một cấu trúc vốn không dùng nợ vay. Với tổng tài sản lên tới 2,507 tỷ đồng nhưng BMP chỉ vay và thuê tài chính ngắn hạn là 50 tỷ đồng và hoàn toàn không hề có vay và nợ thuê tài chính dài hạn.
BMP đang dần trở thành một trong những cổ phiếu có sức hấp dẫn cao nhất toàn sàn./.
Xem thêm:
* DRC – Cỗ máy siêu lợi nhuận cho cổ đông
* Cổ phiếu AAA vượt vũ môn hóa rồng và thành quả dành cho cổ đông
* Tỷ suất sinh lời không tưởng cho dàn cổ đông kiên trì nắm giữ Coteccons 5 năm qua
* Vinamilk – Cổ phiếu đã đầu tư thì không sợ lỗ
|