Thứ Hai, 19/09/2016 13:40

Ông Nguyễn Hồng Điệp: Chia nhỏ bước giá, cân não trader hơn

Trong khoảng thời gian đầu, phương thức giao dịch mới sẽ khiến các trader phải căng não hơn để kiếm lời và một khi chưa tìm ra phương cách thì có xu hướng rời bỏ cổ phiếu Penny. Tuy nhiên, mục tiêu của phương thức giao dịch mới tại HOSE là tích cực, làm lành mạnh hơn các giao dịch thị trường. TTCK Việt Nam cũng chỉ mới bước qua tuổi “vị thành niên”, NĐT cần chấp nhận sự biến đổi để phát triển hơn.

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Hồng Điệp – Giám đốc khối môi giới kiêm Giám đốc CN TPHCM, CTCP chứng khoán VNDIRECT (VND) về phương thức giao dịch mới tại Sở GDCK TPHCM (HOSE) được áp dụng từ ngày 12/09/2016. 

Ông Nguyễn Hồng Điệp

Xin ông cho biết điểm khác biệt cơ bản giữa phương thức GD mới và cũ?

Điểm thay đổi cơ bản lần này của phương thức giao dịch (GD) là bước giá. Bước giá được chia nhỏ 10 đồng, 50 đồng, 100 đồng, tùy theo thị giá. Sau 16 năm ra đời, đây là lần đầu tiên bước giá được chia nhỏ như thế. Đây là sự thay đổi để phù hợp với thông lệ quốc tế. Rất nhiều TTCK tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Hàn quốc, Singapore, đều là có những lần thay đổi bước giá theo xu hướng chia nhỏ. Ngoài ra, một điểm cũng khá tích cực khác là nâng giới hạn một lệnh từ 19,900 lên 500,000.

Ông có thể cho biết mục tiêu của việc thay đổi bước giá là gì? Nó ảnh hưởng như thế nào đến thị trường?

Mục tiêu đầu tiên là tăng thanh khoản thị trường. Về mặt lý thuyết, khi tăng số bước giá lên, cung cầu dễ tìm được sự đồng thuận hơn. Một khi nhu cầu của bên mua và bên bán được thỏa mãn, giao dịch sẽ sôi động hơn. Mục tiêu thứ hai là việc “đua lệnh” không chỉ là tốc độ đua, mà còn ở giá đặt đua. Mục tiêu thứ ba là khi bước giá nhỏ hơn, việc làm tròn sẽ ít hơn, chỉ số VN-Index sẽ được tính chính xác hơn. Cuối cùng, là định hướng chuẩn hóa quốc tế, nhằm hướng đến các công cụ GD mới như Covered Warrant hay Option.

Việc ảnh hưởng đến thị trường, đến NĐT là điều dễ hiểu. Thói quen GD đã ăn sâu, bị đảo lộn. TTCK luôn có hai chức năng, một là kênh dẫn vốn cho các doanh nghiệp niêm yết (DNNY), hai là kênh tìm kiếm lợi nhuận cho nhà đầu tư (NĐT) ngắn hạn. Đối với những NĐT có mục đích đầu tư dài hạn, mục tiêu trở thành đồng sở hữu DN, phương thức GD mới sẽ rất có lợi bởi họ có thể mua được món hàng yêu thích với giá hợp lý, không cần phải tranh đua vì yếu tố tâm lý như trước đây. Còn đối với những NĐT “lên sàn” với mục tiêu “kiếm tiền chợ” thì rõ ràng sẽ gặp phải những khó khăn nhất định. Nếu trước đây, các bước giá cách nhau cả 2-3%, việc kiếm chênh lệch ngay trong phiên, hoặc ngày T là điều dễ dàng, thì bây giờ việc này sẽ phải “cân não” hơn. Một điểm cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý NĐT là việc “ăn theo” các cổ phiếu đầu cơ sẽ khó hơn nhiều. Chiến thuật làm Market Maker cũng sẽ phải thay đổi. Tâm lý dùng màu sắc để tạo sức hút dòng tiền đầu cơ ngắn hạn sẽ thay đổi. Khi chưa thể tìm ra phương cách kiếm lời thích hợp, NĐT có xu hướng rời bỏ những mã cổ phiếu này. Đây là điều lý giải cho việc nhiều cổ phiếu Penny bị bán, giá giảm liên tục trong thời gian qua.

Như vậy, các cổ phiếu Penny sẽ không còn hấp dẫn và NĐT sẽ đổ xô vào các cổ phiếu cơ bản?

Tôi không cho rằng diễn biến sẽ như vậy. Trên thế giới, số lượng cổ phiếu Penny so với Midcap và Largecap luôn là con số áp đảo. Cổ phiếu Penny không có nghĩa là “lởm”. Cái gì nó cũng có cái giá của nó. Trà đá, cọng hành chỉ rẻ chứ không có nghĩa là vô giá trị. Có thể trong một giai đoạn nào đó, khi trào lưu đầu tư vào cổ phiếu có thị giá lớn đang dâng cao, thì Penny bị “hắt hủi”.

Đối với cá nhân tôi, cơ hội lại đang xuất hiện ở một vài cổ phiếu nhỏ. Những mã này có thể đang bị tâm lý đám đông. Bản chất các cổ phiếu này cũng không xấu, chỉ đơn thuần là nó phải ở giá trị phù hợp. Mặt khác, một cổ phiếu có giá 5,000 lên đến 10,000 đồng sẽ dễ hơn là cổ phiếu có giá 50,000 lên 100,000 đồng. Cổ phiếu dù rất cơ bản, nhưng nó chỉ tốt khi được định giá ở mức phù hợp.

Song, qua tuần đầu tiên áp dụng, thanh khoản thị trường giảm hẳn, nhiều mã cổ phiếu Penny đã mất đi 20-30% giá trị. Ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Theo tôi, phương thức GD mới chỉ qua được 1 tuần, cho nên còn quá sớm để khẳng định NĐT phản ứng bằng cách không GD. Đúng là bảng giá có nhiều con số hơn, nhìn có vẻ chưa quen mắt, nhưng những điều này sẽ nhanh chóng được thích nghi. Việc thay đổi lại diễn ra đúng vào tuần review của ETF, cho nên cũng có những cộng hưởng ngoài ý muốn. Nếu như HOSE cân nhắc kỹ càng hơn về thời điểm bắt đầu, có lẽ sự phản ứng cũng ít hơn, sự đồng thuận sẽ cao hơn. Tuy nhiên, với kinh nghiệm nhiều năm trên TTCK, tôi khắng định phương thức GD mới có mục tiêu rất tích cực, làm lành mạnh hơn các giao dịch thị trường.

“The nature of life is to change”, bản chất cuộc sống cũng như TTCK là luôn biến đổi không ngừng. Biến đổi để tạo ra sự tiến bộ. TTCK Việt Nam cũng chỉ mới bước qua tuổi “vị thành niên”, tất cả còn ở phía trước. 

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này./.

Các tin tức khác

>   Góc nhìn 19-23/09: Sẽ bắt đầu hồi phục? (18/09/2016)

>   Góc nhìn 16/09: Chờ đợi ngày cơ cấu cuối cùng của ETF (15/09/2016)

>   Góc nhìn 15/09: Thêm nhịp điều chỉnh (14/09/2016)

>   Góc nhìn 14/09: Xu hướng đi ngang? (13/09/2016)

>   Góc nhìn 13/09: Suy giảm trong ngắn hạn? (12/09/2016)

>   Cổ phiếu nào đáng để “chọn mặt gửi vàng”? (12/09/2016)

>   Góc nhìn 12-16/09: Thị trường tiếp tục điều chỉnh? (11/09/2016)

>   Góc nhìn 09/09: Tích lũy thêm tại vùng 660 điểm? (08/09/2016)

>   Góc nhìn 08/09: Chưa có nhiều dấu hiệu tích cực (07/09/2016)

>   Bước giá giảm xuống 10 đồng có ảnh hưởng thế nào tới thị trường? (07/09/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật