Đằng sau sự hào nhoáng của cổ phiếu
Quy mô vốn tính bằng tiền ngàn tỷ, lợi nhuận thì tính bằng trăm tỷ, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực “hot” dễ làm say đắm nhà đầu tư bởi choáng ngợp trước sự hào nhoáng. Tuy nhiên nhà đầu tư cần nhìn sâu, soi kỹ để bóc tách được bản chất vấn đề trước khi móc hầu bao đầu tư vào cổ phiếu nóng.
Câu chuyện gần đây về một cổ phiếu trên sàn niêm yết với quy mô vốn hàng nghìn tỷ đồng đã thu hút được sự chú ý của thị trường. Bởi bên cạnh sự hào nhoáng về quy mô từ tài sản cho tới vốn điều lệ và hàng loạt các dự án tham gia thì đơn vị này trước niêm yết không mấy thông tin xuất hiện trên thị trường, hoạt động kinh doanh chính và cơ cấu tài sản cũng hé lộ những bất thường. Đây cũng là yếu tố khiến thị trường trở nên dè chừng, cho dù cổ phiếu này ngay khi lên sàn đã liên tục tăng trần với biên độ tối đa.
Vậy điều gì đằng sau những thông tin đã công bố?
Ở câu chuyện nói trên, lợi nhuận chủ yếu của doanh nghiệp không đến từ hoạt động kinh doanh chính mà là từ đầu tư tài chính, hay cụ thể hơn là hoạt động ủy thác đầu tư. Ủy thác đầu tư tuy mang lại lợi nhuận trong năm tài chính nhưng lại không có được dòng tiền thực cho doanh nghiệp. Cứ mỗi khoản lợi nhuận cả trăm tỷ đồng ghi nhận mỗi năm thì khoản mục phải thu tăng lên một lượng tương đương, phản ánh vào lợi nhuận một cách đều đặn là vậy nhưng việc khoản phải thu này có được thu hồi đúng hạn hay không còn là một câu chuyện khác.
Khi dòng tiền thực không có thì kỳ vọng vào dòng cổ tức chi trả hàng năm dành cho cổ đông là điều rất khó để thực hiện. Chưa kể đến vấn đề quan trọng hơn là sự sống còn của doanh nghiệp gắn liền với dòng tiền dương chứ không phải con số lợi nhuận dương xét về dài hạn.
Đó là câu chuyện về hoạt động, cả cơ cấu tài sản và nguồn vốn của doanh nghiệp cũng xuất hiện những điểm lạ và những mối liên hệ với những đơn vị đang chiếm dụng vốn. Đây là một trong số những cái tên nối tiếp vào danh sách tăng vốn "khủng" và thần kỳ nhất trên sàn chứng khoán. Sự “thần kỳ” ở đây không mang nghĩa là quy mô doanh nghiệp cũng mở rộng ra tương ứng hay sự tăng trưởng về hiệu quả, đơn thuần chỉ là sự tăng trưởng về con số vốn điều lệ. Nói điều này là bởi, vốn điều lệ tăng lên với tốc độ khủng khiếp ra sao thì thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) lại hao hụt đi tương ứng. Tại thời điểm doanh nghiệp này chính thức niêm yết, EPS chỉ loanh quanh mức 200 đồng, tương đương với P/E ngưỡng hơn 60 lần. Đó là chưa kể hiện tượng cổ phiếu tăng trần liên tục thì P/E cán mốc 100 lần chỉ là việc sớm muộn, trong khi trung bình cả thị trường chỉ ở mức 1x.
Tăng vốn nhanh, EPS chỉ mang nghĩa “tượng trưng” chưa phải là yếu tố cốt lõi. Việc sử dụng dòng vốn thu được từ những đợt phát hành rất đáng chú ý. Trong các trường hợp thông thường, doanh nghiệp tăng vốn để có nguồn tiền mở rộng quy mô, phát triển ngành nghề hay dự án mới… thì ở đây lại là câu chuyện ủy thác hàng ngàn tỷ đồng.
Việc các doanh nghiệp thực hiện ủy thác đầu tư là điều không hiếm, điều này giúp tận dụng nguồn vốn nhàn rỗi khi chưa có kế hoạch cụ thể. Tuy nhiên, nhà đầu tư rất khó có thể đánh giá được bản chất hoạt động khi cổ đông chủ chốt sau đợt tăng vốn khủng - bên nhận ủy thác dường như là một hoặc ít nhiều có liên quan với nhau. Hay nói cách khác là tiền thực ra có thể chỉ chạy một vòng tròn và doanh nghiệp chỉ là một “trạm dừng” ở giữa.
Ngay cả thời gian vốn lưu lại ở doanh nghiệp này cũng là điều đáng bàn. Hàng trăm tỷ đồng vốn góp từ cổ đông vừa về tài khoản thì ngay trong ngày xuất hiện những lệnh chuyển tiền đi tương ứng.
Những yếu tố nói trên cũng phần nào thể hiện được một góc nhìn quan trọng trong vẻ hào nhoáng điển hình của một dạng cổ phiếu trên sàn chứng khoán, là những yếu tố đáng lưu tâm trước khi quyết định đầu tư./.
|