Quân tử phòng thân
Trước khi bước vào thị trường chứng khoán chắc rằng mỗi nhà đầu tư đều thủ sẵn một bản kế hoạch đầu tư của riêng mình. Đơn giản và gọn nhẹ nhất có khi chỉ là dăm ba gạch đầu dòng, có khi cũng chẳng ghi chép ra giấy làm chi cho mất thì giờ, nhẩm nhớ trong đầu như mua cổ phiếu gì; giá nào; được lãi bao nhiêu thì sẽ bán: Đó có thể là đầu tư theo kiểu tận dụng vốn ngắn hạn đang nhàn rỗi sẵn có để đánh theo dăm bữa nửa tháng tranh thủ kiếm chút với bạn hữu. Hay phức tạp hơn là những kế hoạch đầu tư cổ phiếu của các nhà đầu tư chuyên nghiệp rất bài bản và rất chi tiết, có mục tiêu ngắn-trung-dài hạn rõ ràng, xác định cụ thể các điểm vào-điểm ra, đặt mức chốt lời-cắt lỗ rất dứt khoát.
Nhưng rồi theo thời gian, gần như không một ai có thể tránh khỏi những câu chuyện thua lỗ-thất bại trên thị trường, vấn đề không chỉ là ít-nhiều hay lớn-nhỏ nữa mà không ít trường hợp gắn với nó còn là câu chuyện thành-bại, thậm chí sinh-tử. Mặc dù, nhà đầu tư nào cũng thuộc nằm lòng những nguyên tắc cơ bản về đầu tư và những sai lầm chết người cần biết để tránh đòn của Gã thị trường. Họ luôn mang theo bên mình túi đầy ắp bí kíp đã được học từ nhà trường, các hội nhóm trên diễn đàn chứng khoán, truyền thông và từ chính trên chiến trường chứng khoán. Nhưng có lẽ có một việc mà nhiều nhà đầu tư đã quên làm hoặc không để ý khi chuẩn bị bước vào thị trường chứng khoán hấp dẫn nhưng cũng vô cùng khốc liệt, đó là: Lập kế hoạch dự phòng.
Việc đầu tư đương nhiên là phải có kế hoạch và nó được vạch ra theo những nguyên tắc riêng của mỗi người, tiếp đó là thực hiện kế hoạch và điều chỉnh kế hoạch khi cần thiết. Vậy, nhà đầu tư sẽ điều chỉnh kế hoạch khi nào? Đó là khi nhà đầu tư nhận thấy kế hoạch đầu tư chứng khoán của mình có nguy cơ đổ vỡ và kết quả thu được có thể sẽ khác xa so với kỳ vọng khi lập kế hoạch; hoặc cũng có thể là khi nhà đầu tư nhận thấy có một kế hoạch mới thú vị hơn! Như vậy, thực chất của việc điều chỉnh là thực hiện một kế hoạch mới (Kế hoạch B-Kế hoạch dự phòng) thay thế một phần hoặc toàn bộ kế hoạch cũ (Kế hoạch A).
Một kế hoạch đầu tư, cũng có thể coi như một chiến lược đầu tư ở mức đơn giản, luôn được vạch ra trước khi thực hiện đầu tư trên cơ sở phân tích những thông tin và dữ liệu thu được với kết quả cuối cùng là thể hiện kỳ vọng của nhà đầu tư. Diễn biến thực tế trên thị trường thường khác khá nhiều so với những dự báo và dự tính của nhà đầu tư khi lập kế hoạch đầu tư chứng khoán vì thị trường chịu sự chi phối của rất nhiều yếu yếu tố mang tính vĩ mô và vi mô, trong cũng như ngoài nước. Có nhiều yếu tố gây ra những tình huống không thể đoán định bằng phân tích cơ bản hay kỹ thuật, nó tác động tiêu cực thậm chí có thể có nguy cơ làm sụp đổ cả thị trường. Do đó, khi đến một thời điểm xác định cụ thể, nếu nhà đầu tư nhận thấy kế hoạch A không hiệu quả, hay bối cảnh thực tế diễn biến khác xa so với dự tính lúc lập kế hoạch A, nhà đầu tư có thể phải chuyển sang thực hiện kế hoạch B.
Khi thực hiện kế hoạch B, mục tiêu tổng thể ban đầu đặt ra là không đổi: Kiếm tìm lợi nhuận (hay cao hơn là lợi ích tại các doanh nghiệp) trên thị trường, nếu có chỉ là thể chỉ là sự thay đổi về mức độ mà thôi. Kế hoạch dự phòng cũng sẽ là lựa chọn thứ hai cho nhà đầu tư khi kế hoạch A không đạt hiệu quả như mong muốn mặc dù thị trường vẫn tích cực. Trong điều kiện thị trường xấu đi, kế hoạch B sẽ là cái neo để nhà đầu tư bám vào ở những giai đoạn thị trường vận động theo hướng tiêu cực quá đà, vượt qua dự tính của nhà đầu tư trước khi lập kế hoạch đầu tư. Kế hoạch B cũng phải có phần cắt lỗ rất rõ ràng và dứt khoát, thậm chí dứt khoát hơn nhiều so với kế hoạch A vì những khoản lỗ đầu tiên và có thể là nhỏ nhất đã nằm tại kế hoạch A. Phải dứt khoát cắt lỗ vì thực tế đã cho thấy tình hình thua lỗ của nhà đầu tư rất hiếm khi được tự cải thiện nếu cứ ngồi chờ đợi sự tự phục hồi. Việc chuyển sang thực hiện kế hoạch B sẽ giúp nhà đầu tư giải quyết vấn đề tâm lý trước tiên, sau đó là cắt giảm chi phí và thua lỗ do giá cổ phiếu sụt giảm. Kế hoạch dự phòng phải chuẩn bị sẵn cho nhà đầu tư thay đổi vị thế hay danh mục đầu tư bằng việc chuyển sang nắm bắt những cơ hội ở những cổ phiếu khác luôn hiện hữu trên thị trường, vì : Ngay cả những giai đoạn khó khăn nhất của thị trường vẫn có không ít cổ phiếu lặng lẽ lên điểm.
Kế hoạch dự phòng thể hiện khả năng nhìn nhận, đánh giá và quản lý rủi ro của nhà đầu tư, đó là: nhãn quan tổng thể, bao quát được các yếu tố cơ bản nhất và có khả năng gây ra tổn thất, chuẩn bị sẵn các giải pháp ứng biến nếu rủi ro xảy ra. Để không bị bất ngờ, nhà đầu tư cần luôn nghĩ về xác suất xảy ra rủi ro vì đầu tư chứng khoán không chỉ là những phép tính chính xác và khô khan, như sói già đầu tư tài chính George Soros nhận định:“Toán học không điều khiển thị trường tài chính”. Đầu tư chứng khoán là hoạt động có sự kết hợp giữa những tính toán của Khoa học tài chính với sự uyển chuyển của Nghệ thuật đầu tư. Rủi ro nằm ở giữa hai thứ đó và phải nhớ Nassim Nicholas Taleb đã chỉ ra trong cuốn Thiên nga đen từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 rằng: Những rủi ro dù có xác suất nhỏ nhất vẫn có khả năng xảy ra. Rủi ro dẫn đến việc buộc phải sử dụng đến kế hoạch dự phòng là điều bất đắc dĩ và không nhà đầu tư nào muốn cả, vì nó sẽ làm gia tăng chi phí, nhưng trên thực tế đa số nhà đầu tư cần dùng đến nó để đối phó với những hiểm nguy đầy rẫy trên thị trường. Ông Charlie Munger, Phó chủ tịch Công ty đầu tư Berkshire Hathaway và cũng là đối tác lâu năm của nhà đầu tư huyền thoại Warent Buffet, đã nói: “Hãy luôn dự tính cho những tình huống xấu thay vì chỉ trông chờ sự thuận lợi và phải nghĩ điều gì sẽ xảy ra nếu như kế hoạch của bạn thất bại? Luôn chuẩn bị giải pháp sẵn sàng cho các tình huống”. Quan điểm của Charlie Munger cũng đã cho thấy một điều: Để đầu tư chứng khoán thành công, việc xác lập tầm nhìn rõ ràng với mục tiêu khả thi và làm việc cật lực mới chỉ là điều kiện cần. Khả năng tiên liệu và dự phòng cho những huống xấu là điều kiện đủ để đảm bảo cho nhà đầu tư có được lợi nhuận và an toàn trên thị trường.
Việc ra quyết định chuyển sang thực hiện kế hoạch dự phòng không phải là điều dễ dàng, vì: Quyết định đó đòi hỏi rất nhiều sự cân nhắc lợi-hại ngay trong thời điểm mong manh và rất khó khăn; nhà đầu tư sẽ phải chấp nhận thiệt hại tức thời và phải đối mặt với tương lai chưa rõ ràng. Mặt khác có những thời điểm thị trường không thuận lợi và danh mục đầu tư đã bị thiệt hại nhưng nếu nhà đầu tư vẫn tin tưởng, kiên định với kế hoạch A của mình thì vẫn cần phải có sẵn một cái phao là kế hoạch dự phòng cho những bất trắc có thể sẽ lớn hơn. Một nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh và có được một kế hoạch thật hoàn hảo nhưng vẫn cần phải vạch sẵn lối thoát trong những trường hợp khẩn cấp, đơn giản như một tòa nhà luôn phải có lối thoát hiểm. Nói chung trong tình huống nào cũng vậy, về cơ bản Tâm lý và Bản lĩnh vững vàng sẽ giúp nhà đầu tư vượt qua sóng gió của thị trường, nhưng nếu có một kế hoạch dự phòng sẵn sàng trong tay sẽ giúp họ tự tin hơn và giảm bớt thiệt hại trước những bất ổn luôn rất khó lường. Một bản kế hoạch chỉ được coi là hoàn chỉnh khi nó có kế hoạch dự phòng đi kèm.
Hãy luôn luôn cảnh giác, nhất là trong những thời điểm thị trường rực rỡ hai màu xanh-tím dễ làm cho nhà đầu tư hoa mắt. Cố gắng suy nghĩ thấu đáo, chuẩn bị kỹ càng và hành động thận trọng để có thể giảm thiểu được rủi ro:
- Dự tính những tình huống xấu;
- Xác định khả năng xảy ra các tình huống đó; và
- Xác lập trật tự ưu tiên thực hiện kế hoạch dự phòng.
Dù rằng có thể thiên hạ vẫn nói “khôn ngoan không lại với giời”, vì là con người nên luôn có sai lầm và không thể tính hết mọi nước được, nhưng cẩn thận vẫn hơn. Để có chiến thắng, trước tiên phải sống sót đã. Và muốn sống sót trong hiểm nguy phải có sự phòng bị đầy đủ trước gã thị trường luôn luôn thất thường như thời tiết.
Thôi thì cố học bài học Quân tử phòng thân của cổ nhân chắc cũng không thừa!
Nassim Nicholas Taleb, tác giả Cuốn sách Thiên nga đen đã chỉ ra một điều: “Thiên Nga Đen là một biến cố tưởng chừng như không thể xảy ra với ba đặc điểm chính: không thể dự đoán, có tác động nặng nề và sau khi nó xảy ra, người ta dựng lên một lời giải thích để khiến nó ít ngẫu nhiên hơn, dễ dự đoán hơn so với bản chất thật của nó. Vì một phần vì con người chúng ta tự trói buộc mình vào những chi tiết trong khi lẽ ra nên tập trung vào cái tổng quát. Chúng ta chỉ chăm chăm nhìn vào những gì đã biết trong khi hết lần này đến lần khác bỏ qua những thứ mình chưa biết”./.
|