Ngọn lửa nào thổi bùng cổ phiếu ngành than
Trong bối cảnh thị trường chung đang giao dịch khá lình xình thì nhóm cổ phiếu ngành than lại “bùng cháy” và trở thành một trong nhóm cổ phiếu tăng điểm nhiều nhất hiện nay.
Diễn biến các cổ phiếu ngành than trong 1 tháng qua
Nguồn: VietstockFiance
|
Chỉ trong 1 tháng giao dịch qua (17/10-17/11), THT của CTCP Than Hà Tu đã tăng hơn 63%, từ mức 5,200 đồng lên mốc 8,500 đồng/cp, trở thành cổ phiếu ngành than có mức tăng trưởng lớn nhất trên sàn. Ngoài ra, khối lượng giao dịch bình quân của THT trong 1 tháng qua đạt hơn 176,000 đơn vị/phiên, gấp 4 lần so với tháng trước đó. Riêng trong phiên giao dịch ngày 17/11, THT khớp hơn 1 triệu cp, ghi nhận mức khớp lệnh cao nhất kể từ khi niêm yết.
Cũng không thua kém THT, Than Núi Bèo (NBC) đã tăng từ 6,000 đồng để lên 9,400 đồng/cp, tương ứng tăng 57% với thanh khoản bình quân 1 tháng đạt gần 79,000 đơn vị/phiên, gấp 8 lần so với tháng liền trước đó.
Hay như Than Đèo Nai (TDN), kết thúc phiên giao dịch ngày 17/11, cổ phiếu này đã tăng 50%, đạt 6,900 đồng/cp; Than Cọc Sáu (TC6) tăng 41%; Than Cao Sơn (TCS) tăng 33%; Than Vàng Danh (TVD) tăng 26% và Than Hà Lầm (HLC) tăng 19%.
Chỉ riêng một trường hợp duy nhất giảm giá trong 1 tháng qua đó là Than Mông Dương (MDC), từ mức giá 7,000 đồng xuống còn 6,500 đồng/cp. Nhưng nếu xét về dòng tiền thì tăng đáng kể so với con số chỉ hơn 100 cp của tháng trước đó.
Có thể thấy đây là diễn biến khá bất ngờ bởi trong 1 tháng qua, thị trường chứng khoán có xu hướng điều chỉnh với VN-Index mất 1.8% trong khi HNX-Index giảm gần 5.3%. Điều đó đồng nghĩa nếu nhà đầu tư nào tham gia giao dịch cổ phiếu ngành than nói trên thì đã có được kết quả tốt vượt trội thị trường.
Ngọn lửa nào đã thổi bùng cổ phiếu ngành than?
Không phải tự nhiên mà cổ phiếu ngành than lại bất ngờ tăng mạnh và đi ngược thị trường trong giai đoạn này, nhất là trong bối cảnh mà ngành than đang đối mặt với nhiều khó khăn.
Có thể kể đến một vài khó khăn lớn mà ngành than đang đối mặt hiện nay là sản lượng tiêu thụ không cao do thị trường diễn biến theo hướng bất lợi, giá bán gần như chạm đáy trong khi các loại thuế và phí tăng. Ngoài ra, do điều kiện đặc thù ngành mỏ khai thác ngày càng xuống sâu làm cho chi phí về an toàn môi trường tăng cao, tỷ trọng than hầm lò tăng nhanh cũng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh các doanh nghiệp trong ngành.
Thực tế kết quả kinh doanh của các đơn vị ngành than niêm yết trong những năm gần đây đang suy giảm đáng kể. Chẳng hạn từ năm 2014 đến nay thì lợi nhuận của HLC, NBC, TDN, THT hay TVD đều suy giảm khá mạnh. Riêng 9 tháng đầu năm 2016, TC6 là đơn vị còn thua lỗ hơn 3.4 tỷ đồng.
Điều này cũng đã giải thích tại sao giá cổ phiếu các doanh nghiệp trên đều suy giảm trong vài năm trở lại đây và có giá đều dưới 10,000 đồng/cp.
Lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp than niêm yết từ năm 2014 (Đvt: tỷ đồng)
Tuy nhiên, gần đây giá than trên thị trường thế giới đang hồi phục mạnh mẽ, từ hơn 50 USD lên tới gần 110 USD/tấn, chỉ trong chưa đầy 3 tháng qua nhờ sản lượng sản xuất tại các quốc gia có trữ lượng than lớn như Trung Quốc, Indonesia, Úc và Bắc Mỹ giảm mạnh.
Việc giá than quốc tế tăng mạnh đã bắt đầu ảnh hưởng tới giá than trong nước. Theo đó, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã quyết định điều chỉnh tăng nhẹ khoảng 6% đối với giá bán một số chủng loại than cám tại thị trường trong nước.
Diễn biến giá than thế giới trong 3 tháng qua
|
Chưa dừng lại ở đó, mới đây, Tổng Công ty Thép Việt Nam (Vnsteel) cho biết đến năm 2020 sẽ cần trên 3 triệu tấn than, bao gồm than mỡ luyện cốc, than cám cho thiêu kết, than antraxit, than cốc luyện kim, than kíp lê, than điện cực graphit.
Các thông tin trên đã cộng hưởng và giúp cho cổ phiếu ngành than trong giai đoạn vừa qua bứt phá một cách mạnh mẽ với kỳ vọng kết quả kinh doanh từ đó sẽ khởi sắc hơn.
Tuy nhiên, CTCK Vietcombank (VCBS) vừa mới có báo cáo nhanh về ảnh hưởng của giá than lên các doanh nghiệp niêm yết. Theo VCBS, các doanh nghiệp khai thác than niêm yết chủ yếu là các công ty con thuộc TKV và đã được định biên cố định. Cụ thể, công ty mẹ TKV sẽ mua lại than với mức giá được điều chỉnh theo chi phí khai thác của các công ty con, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp khai thác than sẽ có biên lợi nhuận ổn định, mọi rủi ro biến động về giá cả trên thị trường sẽ do TKV chịu. Bên cạnh đó, giá than trong nước vốn dĩ đã cao hơn rất nhiều so với giá than thế giới khoảng 50 - 70%. Khi giá thế giới tăng được gần 100% thì trong nước chỉ thay đổi khoảng 6%. Vì vậy, tổng quan chung, kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết ngành này sẽ không biến chuyển nhiều theo giá than./.
|