Nhịp đập Thị trường 18/11: Hồi phục khi đóng cửa
Sự trở lại của ROS ở đợt khớp lệnh định kỳ đóng cửa đã một lần nữa giúp chỉ số hồi phục tuy nhiên, ảnh hưởng của VNM tiếp tục ngăn cản VN-Index trở lại giá tham chiếu.
Kết phiên, VN-Index giảm nhẹ 0.2%, tương ứng còn 673.25 điểm, HNX-Index cũng mất 0.31 điểm lui về 80.62 điểm.Thanh khoản toàn thị trường hiện đạt mức 146.4 triệu đơn vị, tương đương giá trị giao dịch đạt 2,624.9 tỷ đồng.
Phiên cuối tuần cũng ghi nhận đợt thoái vốn mạnh nhất trong tuần với hơn 161 tỷ đồng bán ròng, nâng tổng mức bán ròng trong tuần lên con số 604 tỷ đồng.
14h: ROS giảm mạnh kéo VN-Index rơi sâu
Sau một vài thông tin về các ý kiến của NĐT nước ngoài về sự tăng giá bất thường, ROS đang đối mặt với áp lực bán khá lớn và giảm rất mạnh. Diễn biến này cùng với việc VNM mất hơn 1% đang kéo VN-Index giảm mạnh xấp xỉ 5 điểm.
Ở một diễn biến khác, sự phân hóa đang diễn ra tại nhóm cổ phiếu thép với HSG, TLH tăng điểm trở lại trong khi HPG, NKG và VGS vẫn chưa thể trở về giá tham chiếu. ITA đang là cổ phiếu sôi động nhất với 6.7 triệu đơn vị được giao dịch, FLC, KSA, SCR và HAG cũng nằm trong danh sách những cổ phiếu có KLGD nhiều nhất với từ 3 – 5 triệu đơn vị ở mỗi cổ phiếu.
Hưởng ứng về việc ACV sắp chào sàn, hàng loạt cổ phiếu thuộc lĩnh vực hàng không, dịch vụ hàng không như SAS, NCS, MAS hay NCT đồng loạt có diễn biến khả quan, mặc dù vậy, thanh khoản tại các cổ phiếu này là không đáng kể.
Phiên sáng: Đà giảm tăng dần do cầu yếu
Cầu đuối dần ở cuối phiên sáng đặc biệt trong nhóm cổ phiếu trụ cột đang khiến VN-Index ghi nhận mức giảm 2.85 điểm.
Cụ thể, trong top10 vốn hóa, chỉ CTG và MSN tăng nhẹ, VNM, VCB, VIC, ROS và HPG đang giảm trong khi GAS, BID và BVH đứng giá.
Tại Hà Nội, ảnh hưởng của việc giảm điểm tại VCS, PHP, SHB và DBC là lớn hơn tác động tăng giá của PVS, VCG hay NTP nên HNX-Index cũng đang mất 0.18%, tạm dừng tại 80.79 điểm khi đóng cửa.
Thanh khoản thị trường đạt 81.3 triệu đơn vị, tương đương giá trị giao dịch gần 1,333.54 tỷ đồng.
10h30: Thanh khoản tiếp tục ở mức thấp
Vẫn chịu áp lực bán mạnh từ khối ngoại, VNM quay đầu giảm điểm sau phiên tăng tốt hôm qua và có ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số VN-Index khi cổ phiếu này tạm thời giảm 0.8 điểm, tương đương 0.12% tại thời điểm 10h30.
Ở phần còn lại, không nhiều diễn biến đáng chú ý khi sự thận trọng được thể hiện khá rõ từ cả 2 phía cung và cầu.
PPC với đánh giá sẽ được hưởng lợi từ tỷ giá đồng Yen và sự thuận lợi trong hoạt động kinh doanh của các công ty thủy điện đang là 2 nhân tố hỗ trợ khá tốt cho REE (+1.84%) trong phiên giao dịch hôm nay.
Tại Hà Nội, thông tin công ty con chuyên về cung cấp nước sạch sắp lên sàn UPCoM với giá khởi điểm 40,000 đ/cp lại là nguyên nhân được dung để giải thích cho sự bứt phá của VCG (+900 đ/cp, tương đương tăng .).
Tổng khối lượng giao dịch hai sàn lúc này chỉ hơn 55 triệu cp, tương ứng 830 tỷ đồng.
Mở cửa giằng co
Tiếp tục xu thế giằng co trong nhiều phiên gần đây, thị trường mở cửa với không nhiều đột biến khi VN-Index giảm nhẹ với thanh khoản thấp, trong khi mức tăng ở 2 chỉ số còn lại cũng không đáng kể.
Nhóm cổ phiếu sôi động nhất trong thời gian gần đây là khoáng sản tiếp tục cho thấy lực cầu khá mạnh mẽ với hàng loạt mã tăng kịch trần như KHB, KHL, KSA hay KSH, …
Hôm nay cũng là phiên giao dịch đầu tiên của SCR trên sàn HSX, mở cửa, cổ phiếu ngành BĐS này ghi nhận mức giá 9,300 đ/cp, tăng nhẹ so với mức giá xác định khi chuyển sàn.
Cập nhật trước phiên
Sau khi dao động rất mạnh trong ngày bầu cử Tổng thống Mỹ tuần trước, thị trường chứng khoán trong nước đã quay trở lại với diễn biến trầm lắng ngoại trừ các nhóm cổ phiếu là khoáng sản, than đá và cao su cũng như các trường hợp đặc thù như ROS hay HAG, HNG, … có diễn biến tăng giá khá đáng kể.
Sự thiếu vắng thông tin hỗ trợ hay áp lực chốt lời sau một chu kỳ tăng giá kéo dài đang là những cản trở không nhỏ đối với thị trường và khả năng hồi phục trong thời gian tới vẫn là câu hỏi đang còn bỏ ngỏ.
Ngoài ra, xu thế rút vốn của dòng tiền ngoại dưới áp lực của đồng USD đang mạnh lên (tỷ giá trung tâm ngày 17/11/2016 đã lên mức 22,101 đồng/USD, cao nhất kể từ khi áp dụng) cũng là một trong những thách thức lớn đối với thị trường trong 2 tháng cuối năm. Cụ thể, sau 3 tuần mua ròng liên tiếp, thị trường nhiều khả năng phải đối mặt với tuần bán ròng giá trị lớn khi chỉ sau 4 phiên, khối ngoại đã bán ròng đến 442.5 tỷ đồng, mức cao nhất trong vòng 2 tháng qua.
|