Nhịp đập Thị trường 17/11: Xanh vỏ đỏ lòng!
VN-Index đóng cửa ở mức 674.57 điểm, gần như giữ nguyên so với cuối ngày hôm trước. Tuy nhiên, tình trạng xanh vỏ đỏ lòng lại tiếp diễn, nếu không nhờ ROS, PC1, NCT đỡ giá, có lẽ VN-Index đã giảm điểm khá mạnh, bởi VN30 (nhóm 30 cổ phiếu có tổng vốn hóa hơn 85% sàn HOSE) giảm đến 2.7 điểm (-0.42%).
Ngoài ra, số cổ phiếu giảm giá trong phiên chiều đã tăng nhiều hơn phiên sáng, có đến 143 mã giảm giá, trong đó 11 mã nằm sàn, trong khi chỉ có 104 mã tăng giá (9 tăng trần).
Ở bên sàn HNX, chỉ số chính HNX-Index cũng đã giảm 0.24% còn 80.94 điểm. Tuy vậy số cổ phiếu đứng giá vẫn phổ biến nhất (184 mã).
Tuy VN-Index đóng cửa ngang bằng hôm trước, nhưng diễn biến trong phiên chiều đã mang lại nhiều lo lắng cho NĐT, bởi có thời điểm chỉ số này giảm xuống còn 673.13 điểm (-0.22%). Đa số các mã vốn hóa lớn đã giảm giá trong phiên chiều này, cho dù đứng giá hay thậm chí tăng nhẹ trong phiên sáng.
Khối ngoại đã đẩy mạnh giao dịch nhiều hơn trong phiên chiều. Ở các mã lớn, bên cạnh việc mua – bán khá cân bằng (chênh lệch mua bán ròng không đáng kể) như VNM, VCB, DPM, FPT, HPG… thì có khá nhiều mã lớn bị bán ròng như BVH (-144,930 cp), CTG (-307,880 cp), HAG (-424,750 cp), MSN (-77,780 cp), VIC (-524,200 cp), PVD (-174,640 cp). Có lẽ BVH, PVD, FPT giảm giá cũng do khối ngoại bán ròng.
Trong nhóm VN30, bất ngờ là PPC lại tăng giá khá mạnh (+4.7% lên 15,700 đ/cp) trong khi trước đó nhóm ngành nhiệt điện than chịu ảnh hưởng từ thông tin TKV điều chỉnh tăng giá than trong thời gian tới. Không chỉ PPC, 1 cổ phiếu khác ngành nhiệt điện than cũng tăng giá là HND (+0.94%).
Nhóm dịch vụ và kho bãi hàng không tăng giá khá mạnh, điển hình là NCS, NCT, SGN và SAS. Nhóm này tăng giá có lẽ do hiệu ứng ACV sắp lên sàn.
Bia rượu tiếp tục là nhóm ngành có nhiều cổ phiếu giảm giá nhất, tiếp sau đó là ngành dầu khí. BHN giảm giá mạnh hơn phiên sáng và đóng cửa còn đúng 100,000 đồng/cp (-6.63%). BHP giảm sàn gần 15% về 17,300 đ/cp sau khi đạt đỉnh gần 36,000 đ/cp cách đây chỉ mấy hôm.
Cổ phiếu các tổng công ty lớn thuộc PVN cũng đều giảm giá chiều nay, nhưng có lẽ không phải do giá dầu, bởi giá dầu Brent và WTI đến lúc này đang tăng nhẹ 1 chút so với hôm qua. Có lẽ, triển vọng sắp tới không sáng sủa (theo như dự báo của 1 tổ chức lớn) đã khiến khối ngoại bán ròng các mã này và khiến cổ phiếu giảm giá.
Thủ tướng chính phủ đã đưa ra lý do vì sao chọn trụ sở của Sở GDCK hợp nhất là HN mà không phải là TpHCM là “vì còn liên quan đến các cơ quan trung ương”. Nói cách khác, Sở GDCK vẫn mang tính chất cơ quan quản lý nhiều hơn là 1 doanh nghiệp. Thực tế hiện nay cũng đang là như vậy, bởi HOSE và HNX có 1 số quyền hạn nhất định trong việc đưa ra các quy định chi tiết liên quan đến cơ chế GD, thành viên, niêm yết trên thị trường.
Chiều nay trên báo chí có thông tin rằng 1 trong những thương hiệu siêu thị và cửa hàng tiệc ích lớn của Mỹ là Seven Eleven đang tuyển nhân viên ở VN và sắp ra mắt. Trowng thời gian tới, có lẽ việc cạnh tranh ở mảng siêu thị bán lẻ hàng thực phẩm và sản phẩm tiêu dùng thiết yếu sẽ càng gay gắt.
Phiên sáng: Không có nhiều biến động
Kết thúc phiên sáng, VN-Index đạt mức 675.52 điểm, tăng 0.14%, tuy nhiên HNX-Index lại giảm nhẹ 0.23% (đạt 80.95 điểm). Nhìn chung trong phiên sáng, VN-Index không biến động nhiều, chủ yếu được hỗ trợ bởi HAG, HNG, ROS và MWG. Bên sàn HNX, chỉ số giảm chủ yếu do VCG giảm 1.3% và PVS giảm 1.1%.
Sàn HOSE sáng nay có 10 mã tăng trần, ngoài 2 mã có vốn hóa khá lớn là ROS và PCI thì chủ yếu là smallcap như LCM, DRH, KAC hay SFI… LCM cũng nằm trong nhóm khai khoáng mỏ quặng kim loại, vốn có nhiều mã tăng giá mạnh trong sáng nay (như KSA, ACM, KHB hay MTA).
PC1 đã tăng trần 3,000 đ/cp (+6.98%) sau khi chỉ tăng 1,000 đ/cp lúc mở cửa. Tuy nhiên BHN tiếp tục giảm giá gần 5%, chỉ còn 101,900 đ/cp, giảm gần 39% so với mức đỉnh 166,400 đ/cp cách đây mới hơn 1 tuần.
Cả 5 mã trong nhóm bột – đường – bánh kẹo trên sàn HOSE đều giảm giá, trong đó đáng chú ý nhất là LAF giảm đến 5.5%, đây là điều khá nhạc nhiên bởi theo thông tin gần đây, XK hạt điều 9 tháng đầu năm 2016 của VN tăng đến 15.2% yoy về giá trị và VN dự báo tiếp tục đứng đầu thế giới về XK hạt điều.
Tương tự nhóm bột – đường, hầu hết cổ phiếu nhóm bất động sản công nghiệp trên HOSE giảm giá (trừ CCI). Trong số này, nếu SZL có thể coi như đang chốt lời sau khi đã tăng mạnh kể từ giữa tháng 10 đến nay, thì KBC, LHG đang kéo dài chuỗi giảm giá. Đặc biệt ITA sau khi tăng giá dù có thông tin cổ đông lớn bán ra 14 tr.cp, nhưng hôm nay giảm nhẹ có lẽ do khối ngoại bán ròng (gần 350 ngàn.cp).
2 cổ phiếu trong nhóm dịch vụ hàng không là NCS và SAS (cả 2 cùng trên sàn Upcom) đều tăng giá khá mạnh trong sáng nay, có lẽ là “ăn theo” tin ACV chuẩn bị lên sàn. Điều này có vẻ tương tự như sự kiện BHN lên sàn đã kéo theo rất nhiều mã bia rượu tăng giá.
Báo chí sáng nay đã đăng 1 số thông tin, trong đó Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng có nhận định rằng quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu có thể lên đến 100% GDP 2020 chứ không chỉ là mục tiêu 70%. Quan trọng hơn, tỷ lệ này cho thấy quyết tâm đẩy mạnh các tổng công ty lớn của nhà nước phải lên sàn (chủ yếu là lên Upcom) sau khi đã IPO. Hiện quy mô vốn hóa sàn Upcom đã vượt sàn HNX, và đang ngày càng có nhiều công ty lớn góp mặt. Trong thời gian tới, chắc chắn Upcom sẽ thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của NĐT, cũng như thanh khoản sẽ tăng mạnh mẽ.
10h30: Tăng trong nghi ngờ
Thị trường tăng điểm nhẹ trong nghi ngờ, VN-Index tăng nhẹ khoảng 0.2%, tuy nhiên trước đó đã từng tăng lên 676.38 điểm (+0.26%). HAG, HNG, MWG và ROS đang giúp chỉ số giữ màu xanh. PC1 sau khi tăng nhẹ trong đợt mở cửa thì hiện đã tăng cao trần. Khối ngoại đang mua ròng gần 90,000 cp tại mã này.
Nhóm than tăng giá mạnh trở lại sau khi giảm giá ngày hôm qua. Ngược lại, nhóm mía đường lại có nhiều mã giảm giá như SBT (-2,5%), BHS (-0,7%), LSS (-1,8%).
Giá dầu thế giới đang dao động nhẹ quanh mức 46 USD/thùng (Brent) sau khi có thông tin về lượng tồn kho tại Mỹ tăng lên, tuy nhiên có vẻ khó dự báo xu hướng tiếp theo, nhất là sau khi đã tăng rất mạnh cách đây 2 ngày. Hiện đa số cổ phiếu dầu khí đang đứng giá, trừ PVD và PVS giảm giá có lẽ do khối ngoại bán ròng.
Sau khi tăng giá ở đợt mở cửa, 1 số mã cổ phiếu cao su đã giảm trở lại như PHR (-4,3%), TRC (-1,7%). Riêng HRC từ 9g đến nay vẫn chưa có lệnh mua nào.
Sáng nay báo chí đăng tin Úc tuyên bố nhôm ép của VN đã bán phá giá khi vào thị trường nước này, tuy nhiên thật khó để có thể xác định thông tin này có liên quan đến công ty niêm yết nào không. HSG đang giảm nhẹ khoảng 150 đồng/cp (-0,3%) nhưng NKG vẫn đang tăng giá 200 đồng/cp (+0,5%).
Mở cửa: Giảm nhẹ đầu phiên
VN-Index mở cửa ở mức 674.5 điểm, giảm nhẹ 0.01% so với đóng cửa hôm qua.
Hôm qua, báo chí đăng tin 5 ngân hàng lớn của thế giới đồng loạt tung dự báo xấu, đồng nhân dân tệ (CNY) giảm giá kỷ lục 8 năm. Đồng nhân dân tệ giảm giá mạnh, đến cuối phiên 16/11 tỷ giá đã là 1 USD đổi 6.89 CNY. Đồng CNY giảm giá tiếp tục gây áp lực lên khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, nhất là ở lĩnh vực nông sản và dệt may.
PC1 đã lên sàn và tăng trần ngay 20% trong phiên 16/11, đạt 43,000 đồng/cp. Tuy nhiên đến đợt mở cửa của phiên thứ hai là hôm nay PC1 lại chỉ tăng 1,000 đồng/cp, tạo cơ hội cho người mua. 1 số công ty chứng khoán nhận định PC1 vẫn có khả năng tăng giá tiếp tục. Theo 1 báo cáo phân tích trong tuần trước của VCSC, mức giá mục tiêu mà VCSC đưa ra là 52,100 đồng/cp.
Nhóm BĐS dân dụng đang được dự báo chuẩn bị bước vào quý sôi động nhất năm 2016. Đối với rất nhiều công ty, đúng là quý 4 thường là quý ghi nhận doanh thu cao nhất so với 3 quý trước đó trong năm. Tuy nhiên, trên 3 sàn chứng khoán có rất nhiều công ty thuộc nhóm ngành này, do đó NĐT cần tỉnh táo, chú ý các công ty có các khoản mục người mua nhà trả tiền trước lớn cách đây ít nhất 2 quý (trong phần Nợ ngắn hạn của bảng CĐKT).
VCBS mới công bố 1 báo cáo về ngành than, trong đó có nhận định rằng kết quả kết quả của nhóm cp than sẽ không biến chuyển nhiều theo giá than. Nhiều cp nhóm này đã giảm khá mạnh trong phiên 16/11 như MVB, TVD, TC6, MDC. Tuy nhiên kết thúc đợt mở cửa hôm nay, đa số đứng giá hoặc tăng nhẹ, riêng NBC tăng giá gần trần.
Hôm nay là ngày GDKHQ nhận cổ tức tiền mặt của khoảng 6 công ty TV4, CLC, KSB, MDG, PDR, PGS và VNF, và 1 số mã đã tăng giá ngay khi điều chỉnh như MDG, PGS, PDR. Tuy nhiên lưu ý là chỉ có PGS là có yield khá đáng kể (cổ tức 1,000 đồng/cp, yield 5,7%).
|